Tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua, đó cũng chính là hành động cách mạng, góp phần xây dựng đội ngũ những người lao động có tri thức, có tay nghề giỏi, chuyên môn vững, góp phần vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của mỗi cơ quan, đơn vị, của Thủ đô và đất nước.
Phong trào thi đua “Lao động giỏi”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đã được các cấp Công đoàn và công nhân viên chức lao động Hà Nội tích cực hưởng ứng. Từ các phong trào thi đua đã nở rộ những bông hoa điển hình tiên tiến, góp sức vào sự nghiệp phát triển chung của Thủ đô và đất nước.
Trao Giấy chứng nhận "Công nhân giỏi Thủ đô" năm 2017 cho công nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN |
Qua 11 năm, đã có 125.358 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 10.052 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở, có 954 cá nhân được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”. Năm 2017, thành phố có trên 33 ngàn công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở (tăng 7,1% so với năm 2016) và đặc biệt là 100 tấm gương công nhân tiêu biểu được bình chọn để Liên đoàn Lao động thành phố biểu dương.
Trong những bông hoa tươi thắm tô điểm cho Tháng Công nhân năm 2017 và dâng tặng lên Bác Hồ có thể kể đến những gương mặt tiêu biểu như hai nữ công nhân Hà Thị Loan và Nguyễn Thị Hồng Vân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam (Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội).
Hai chị luôn chấp hành tốt các nội quy, quy trình sản xuất, tích cực tham gia các hoạt động Công đoàn, có nhiều sáng kiến, cải tiến dây chuyền sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Tham gia các cuộc thi tay nghề do Công ty tổ chức, hai chị đạt danh hiệu nghệ nhân cấp độ 2 của Tập đoàn Canon.
Công nhân Đoàn Văn Lợi, Tổ trưởng tổ sản xuất lò cao số 1, Công ty cổ phần Phân lân Văn Điển (Liên đoàn Lao động huyện Thành Trì). Với ý thức trách nhiệm cao, anh không ngừng nâng cao trình độ tay nghề, có nhiều đề xuất về biện pháp lao động sáng tạo, hợp lý và sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào sản xuất lò cao, đề tài sáng kiến xử lý tuần hoàn 100% nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, làm lợi hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp. Năm 2016, anh đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” và Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Anh Đinh Chí Kiên, Tổ trưởng Tổ sản xuất chiết bia hơi, Phân xưởng công nghệ - Công ty Cổ phần bia Sài Gòn - Hà Nội, là một điển hình trong lao động sản xuất. Anh luôn có tinh thần học hỏi, nghiên cứu các giải pháp để ứng dụng vào chuyên môn hiệu quả, tiết kiệm tối đa thời gian, tăng năng suất lao động.
Anh có sáng kiến cải tiến chế tạo toàn bộ hệ chiết bia hơi, hệ băng tải ra vào, nghiên cứu chế tạo máy rửa keg 2L sơ bộ, máy gắp keg 2L thành phẩm, chuyển đổi chế tạo thả nắp dập bằng tay sang tự động và đưa vào ứng dụng tại nơi sản xuất. Từ năm 2012 – 2016, anh Kiên được công nhận là Chiến sỹ thi đua cơ sở, năm 2015 được Bộ Công Thương tặng Bằng khen.
Đến từ Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội, anh Nguyễn Duy Thịnh, công nhân 6/7, Tổ trưởng sản xuất Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh nhiều năm cùng các anh em trong tổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt 112% kế hoạch sản xuất hàng năm. Anh luôn tìm tòi, học hỏi cách tiếp cận với công nghệ cao, đạt năng suất lao động 200%. Năm 2015 và 2016, anh Nguyễn Duy Thịnh là công nhân giỏi cấp ngành và là "Người thợ trẻ giỏi" khối doanh nghiệp Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Mến, Công ty cổ phần gốm Chu Đậu là một bàn tay của Công đoàn Tổng Công ty Thương mại Hà Nội. Chị có nhiều đề tài sáng kiến trong chuyên môn, luôn tìm tòi nghiên cứu để làm ra những dòng sản phẩm gốm Chu Đậu với những họa tiết tinh tế bằng chất liệu vảng kim cao cấp, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước, góp phần vào sự phát triển bền vững của Công ty. Năm 2016, chị được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra cho đất nước ta nói chung và Thủ đô nói riêng nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống, việc làm của người lao động.
Để phong trào thi đua “Lao động giỏi”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đạt hiệu quả cao hơn, các cấp Công đoàn cần tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, tăng cường phối hợp với chính quyền các cấp, nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng"; tổ chức tốt các phong trào thi đua, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ…
Các phong trào thi đua cần hướng vào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.