Đây là hoạt động ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn, tiếp thêm cho những người gặp thiệt thòi niềm tin và khát vọng vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
Các cô dâu, chú rể của lễ cưới tập thể là những người khuyết tật vận động, khiếm thị, khuyết tật nghe nói và đều có hoàn cảnh khó khăn. Trong số 50 cặp vợ chồng tham gia lễ cưới tập thể lần này có cả những cặp vợ chồng đã đăng ký kết hôn, có những đôi đã chung sống cùng nhau, đã sinh con nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn mà đến nay vẫn chưa thể làm lễ cưới.
Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì Chùa Giác Ngộ, người sáng lập Quỹ Đạo Phật ngày nay, cho biết, mỗi cặp vợ chồng tham gia lễ cưới sẽ được tặng một cặp nhẫn cưới, chi phí trang điểm, áo dài cô dâu và chú rể, hoa cưới, ảnh cưới và 10 triệu đồng chúc phúc.
Lễ Hằng thuận được xem là cầu nối giữa đạo và đời, sự hòa quyện giữa văn hóa truyền thống, đạo đức dân tộc và văn hóa tâm linh Phật giáo. Việc tổ chức lễ Hằng thuận cho các cặp vợ chồng khuyết tật tại chùa thể hiện nét đẹp văn hóa của Phật giáo trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình đối với phật tử tại gia, là sự chứng minh và lời chúc phúc đến các cặp vợ chồng vượt qua những mặc cảm về hoàn cảnh, chung sống hòa thuận, tâm đầu ý hợp để cùng chia sẻ trách nhiệm và hạnh phúc trong hôn nhân, cùng nhau vượt qua khó khăn để xây dựng gia đình.
Tại lễ cưới, anh Lê Văn Suôn và chị Đoàn Thị Bích Ngọc (đều là người khuyết tật ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) xúc động cho biết, dù đã có một con gái, nhưng việc được ngồi bên nhau trong lễ cưới của mình vẫn là một niềm mong mỏi, đau đáu trong suốt 9 năm chung sống của hai vợ chồng. “Mong ngóng được mặc áo chú rể khiến tôi mất ngủ suốt hai ngày nay. Tôi cũng rất mong sẽ có nhiều hơn nữa các cặp vợ chồng tàn tật, khó khăn được tổ chức lễ cưới như vợ chồng tôi. Lễ cưới này là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với vợ chồng tôi”- Anh Lê Văn Suôn chia sẻ.
Với nụ cười rạng rỡ vì niềm vui trong ngày cưới, vợ chồng anh Nguyễn Hợp Vinh - Nguyễn Kim Duyên (quê ở Bình Phước) cho biết, do chị Duyên bị khuyết tật phải ngồi xe lăn, điều kiện kinh tế khó khăn nên anh chị vẫn chưa làm đám cưới. “Vợ chồng vẫn động viên nhau rằng quan trọng vẫn là tình cảm, nhưng trong lòng vẫn có chút áy náy, tủi thân. Nay được một ngày mặc áo chú rể, cầm hoa cô dâu, trao nhau nhẫn cưới dưới sự chứng kiến của mọi người thật là một niềm xúc động không thể nói hết bằng lời. Đây cũng là niềm động viên giúp vợ chống tôi tiếp tục yêu thương, vượt qua khó khăn để vun đắp hạnh phúc gia đình”- Anh Vinh xúc động cho biết.
Đây là lần thứ hai Quỹ Đạo Phật ngày nay tổ chức lễ cưới tập thể cho các cặp vợ chồng khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Lần đầu tiên, cuối năm 2018, Chùa Giác Ngộ-Quỹ Đạo Phật ngày nay đã tổ chức lễ cưới tập thể cho 50 cặp đôi khuyết tật.