Tại phiên họp thứ hai của Hội đồng tiền lương quốc gia, sau khi các bên đưa ra các yếu tố tác động đến mức sống, thu nhập của người lao động, về phía chủ đại diện cho người sử dụng lao động đã có thay đổi đáng kể về đề xuất mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2019.
Theo đó đại diện cho giới chủ sử dụng lao động gồm: VCCI đề xuất mức tăng 2%; Liên minh hợp tác xã đề xuất mức tăng 4%, còn đại diện hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội da giày, dệt may cho rằng sẽ tăng nhưng không đưa ra con số cụ thể.
Trước đó, đại diện cho chủ sử dụng lao động cho rằng chưa nên điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng bởi tăng chi phí doanh nghiệp và mức đóng BHXH. Do đó có thể dùng mức tăng đó cho đào tạo nhân lực để nâng năng suất lao động.
Trong khi đó, đại diện phía Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn giữ quan điểm mức lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng 7%. Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ) cho biết: Đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 7% do kinh tế phát triển, trong khi mức sống của một bộ phận người lao động, nhất là tại khu công nghiệp còn ở mức thấp.
Có thể thấy, quan điểm về mức tăng lương tối thiểu vùng đã có thay đổi sau hai phiên thảo luận và khoảng cách đã rút ngắn lại.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐTBXH), thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng, mức tăng lương tối thiểu vùng tăng bao nhiêu cần thương lượng tiếp, nhưng vẫn phải tăng vì theo Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, lương tối thiểu sẽ đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2020. Điều đó có nghĩa trong 2 năm tới phải đáp ứng tiêu chí này.
Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia đã đưa ra các con số thống kê, cơ sở luận cứ về mức sống tối thiểu đến 2020 và khả năng đáp ứng để các thành viên trong Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất.
“Tại 2 phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia, các bên đã phân tích tình hình kinh tế, đặc biệt là sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc giữ ổn định CPI 6 tháng cuối năm để đảm bảo tiền lương thực tế cho người lao động. Nếu tăng lương 1 đồng nhưng giá cả tăng vài đồng, nhất là do tâm lý nữa thì tăng lương không có ý nghĩa với người lao động. Lương tối thiểu chỉ bảo vệ số lao động yếu thế , trình độ tay nghề đơn giản, không được đào tạo bài bản, làm công việc giản đơn, điều kiện làm việc bình thường. Tăng lương tối thiểu nhưng vẫn cải thiện được đời sống người lao động, giữ được việc làm là bài toán mà cơ quan quản lý phải cân nhắc. Quan điểm của Chính phủ là tạo cơ hội để các bên thương lượng để các mức tăng xích lại gần nhau hơn. Tăng ở mức bao nhiêu phải hài hòa được lợi ích vấn đề không phải lợi ích của chỉ hai bên mà còn của cả quốc gia, đảm bảo vấn đề việc làm, an sinh thậm chí cả trật tự an toàn xã hội”, bà Tống Thị Minh chia sẻ.
Trong khi đó, các chuyên gia về tiền lương cho rằng, mức lương tối thiểu cần phân biệt với mức sống tối thiểu, mức đủ sống của người lao động, lương đủ sống là lương do năng suất lao động, còn lương tối thiểu chỉ là sàn để đảm bảo không bị trả lương thấp. Việc thương lượng để hai bên tiến gần nhau và có thể tìm được tiếng nói chung.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng: Việc thương lượng, các bên có quan điểm trái ngược nhau là rất bình thường. Mỗi bên có cách nhìn riêng về phương pháp tính tiền lương, mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, mức tăng lương là cần thiết nhưng phải hài hòa với khả năng của doanh nghiệp bởi doanh nghiệp là người trả lương, sử dụng lao động. Với tình hình phát triển kinh tế như hiện nay, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 có thể là 5 - 6%.