Giải quyết thủ tục về BHXH, BHYT tại Bảo hiểm xã hội quận Cầu Giấy. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
“Tình trạng này đang tác động lớn đến hệ thống an sinh xã hội. Do đó, về phía người lao động cần cân nhắc khi hưởng BHXH một lần”, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết.
Còn về phía BHXH Việt Nam cũng thừa nhận tình trạng rút BHXH một lần gia tăng trong thời gian gần đây. Việc rút BHXH 1 lần có thể giải quyết những vấn đề trước mắt nhưng sẽ tác động lâu dài.
Cụ thể, người lao động có thể so sánh: Khi nhận BHXH một lần thì người lao động sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già và sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là một "của để dành" cho bản thân người lao động. Khoản tiền này được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng, người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước (theo mức 10%, 25%, 30% mức đóng tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn tùy theo đối tượng).
Trong thời gian bảo lưu nếu chẳng may qua đời thì gia đình còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi chết (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở); trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như BHXH một lần.
Còn nhận BHXH một lần là phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn. Cụ thể, với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương; trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 2 tháng lương. Như vậy, người lao động bị thiệt mất 0,64 tháng lương.
Theo BHXH Việt Nam, nếu so sánh với việc tích lũy thời gian để hưởng lương hưu, thì sẽ thiệt thòi hơn rất nhiều. Người hưởng lương hưu, ngoài lương hưu còn được quỹ chi trả toàn bộ tiền mua thẻ BHYT (bằng 4,5% mức lương hưu); và định kỳ, trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (trượt giá) nhà nước điều chỉnh tăng lương hưu tương ứng (từ năm 2003 đến nay nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 15 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5 đến 9,3 lần tùy theo nhóm đối tượng). Khi qua đời gia đình còn được trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nếu đủ điều kiện hoặc được hưởng trợ cấp tuất một lần với mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu.