Ở nơi đó luôn có những người lính biên phòng đang ngày đêm canh gác sự bình yên cho Tổ quốc trên hai tuyến biên giới, góp phần vào sự vươn mình, đổi thay nơi vùng biên cương và vùng biển rộng lớn của đất nước.
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết với chủ đề “Lính biên phòng bảo vệ vững chắc vùng biên”.
Bài 1: “Phên dậu” trên dãy Trường Sơn
Các Đồn Biên phòng trên tuyến biên giới đất liền thường nằm ở những khu vực khó khăn về đường xá đi lại, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của bà con còn thấp. Do vậy, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn có nhiều mô hình, cách làm hay hỗ trợ người dân thay đổi tập quán canh tác, chăm sóc sức khỏe y tế, qua đó góp phần thắt chặt tình quân dân nơi vùng “phên dậu” của Tổ quốc.
Canh giữ cột mốc vùng biên
Dọc tuyến biên giới đất liền qua các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị là hệ thống mốc quốc giới giữa Việt Nam và nước bạn Lào, trải dài trên những vị trí địa hình hiểm trở, có nơi cheo leo trên đỉnh núi cao. Nhiều vị trí cột mốc phải hành quân ở trong rừng vài ngày mới đến được, trên đường đi luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm nhưng cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn khắc sâu lời thơ Bác Hồ nhắn nhủ: “Non xanh nước biếc trùng trùng. Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao”.
Đầu tháng 10 là thời điểm Thừa Thiên – Huế và các tỉnh miền Trung bước vào đợt cao điểm của mùa mưa bão. Ở khu vực miền núi biên giới A Lưới, các đợt mưa lớn thường kéo dài liên tục nhiều ngày liền, do vậy, công tác tuần tra cột mốc của cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm hơn.
Đồn Biên phòng Hương Nguyên đứng chân trên địa bàn xã A Roàng, huyện A Lưới, quản lý hơn 20 km đường biên với 8 cột mốc quốc giới. Để chuẩn bị cho mỗi chuyến tuần tra, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hương Nguyên ngoài chuẩn bị chu đáo về quân tư trang và lương thực, còn phải đảm bảo tốt sức khỏe, bởi quãng đường tuần tra phải vượt qua dốc cao, vực sâu trong điều kiện có thể gặp mưa lớn bất chợt trong rừng.
Trên đường đi tuần tra hướng đến cột mốc 670, Thiếu tá Nguyễn Thành Lân - Phó Đồn trưởng Quân sự Đồn Biên phòng Hương Nguyên cho biết, công tác tuần tra đường biên cột mốc là nhiệm vụ rất quan trọng của đơn vị. Theo kế hoạch, mỗi quý đơn vị sẽ tổ chức đi tuần tra tất cả các cột mốc. Do địa hình đồi núi hiểm trở, vị trí cột mốc quốc giới thường nằm sâu trong rừng già hoặc chót vót trên những đỉnh núi cao, nên cán bộ, chiến sĩ tham gia được tuyển chọn rất kỹ lưỡng, thành thạo kỹ năng đi rừng.
Hành trình lên cột mốc 670 trong điều kiện thời tiết có nhiều sương mù dày đặc, hạn chế tầm quan sát của đội tuần tra. Nhiều đoạn đường rất dễ bị đi lạc do có nhiều ngã rẽ, cây cối thường xuyên mọc làm mất lối mòn. Đại úy Cao Hữu Song, Đồn Biên phòng Hương Nguyên chia sẻ, hành trình đi lên các cột mốc quốc giới do đơn vị quản lý hết sức khó khăn và gian nan, nhiều vị trí kế hoạch tuần tra thường phải kéo dài 2 ngày đường băng rừng vượt suối mới hoàn thành nhiệm vụ. Vào mùa mưa, cán bộ, chiến sĩ còn phải đối mặt với nguy cơ sạt lở núi hay nước lũ dâng cao đột ngột khi băng qua suối, còn chuyện bị những con vắt bu vào chân hút máu to như những con đỉa rồi tự rụng xuống đất hay bị rắn cắn là chuyện thường tình với lính Biên phòng. Vượt qua những thử thách đó, giây phút thiêng liêng nhất của hành trình dài là anh em cán bộ, chiến sĩ được đứng chào cột mốc thiêng liêng nơi địa đầu của Tổ quốc. Đây chính là những chỉ giới thực địa quan trọng góp phần tạo lên dáng hình của đất nước Việt Nam thân yêu.
Thiếu tá Nguyễn Thành Lân, Phó Đồn trưởng Quân sự Đồn Biên phòng Hương Nguyên cho biết, có được hệ thống mốc quốc giới trên đất liền như hiện nay là mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ đã đổ xuống. Đối với những cột mốc do Đồn quản lý, ngày đó, cán bộ, chiến sĩ phải mất nhiều tháng trời ăn ngủ trong rừng để rà phá bom mìn, khảo sát, mở đường, cùng với phía bạn Lào xác định chính xác vị trí xây dựng. Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và bà con nhân dân địa phương gùi từng bao xi măng, sắt, đá băng rừng, vượt suối trèo lên tận những đỉnh núi cao để xây dựng cột mốc vẫn còn im đậm trong tâm trí của nhiều người.
Hiện nay, trong quá trình tuần tra đường biên cột mốc, không chỉ có những người lính biên phòng mà còn có sự tham gia của chính người dân địa phương. Dọc tuyến biên giới đất liền ở các tỉnh Trung Trung bộ, lực lượng Biên phòng đã phối hợp với chính quyền cơ sở thành lập được hàng trăm tổ tự quản đường biên, bảo vệ cột mốc, qua đó góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc nơi “phên dậu” của Tổ quốc. Bên cạnh đó, lực lượng Biên phòng các tỉnh cũng phối hợp với phía bạn Lào xây dựng và triển khai kế hoạch tuần tra chung hằng năm.
Thắt chặt tình quân dân
Bên cạnh nhiệm vụ chính trị bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc, những người lính mang quân hàm xanh còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ các em nhỏ hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường, cùng chung tay xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn nơi vùng biên.
Cuộc sống của đồng bào Cơ Tu ở xã biên giới La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, nhiều năm trở lại đây đã thay đổi rất nhiều, không còn cảnh thiếu ăn vào mùa giáp hạt. Những thửa ruộng bậc thang trồng lúa nước xanh tốt trải dài ven những con đường dẫn vào thôn bản nơi đây là kết quả của sự hướng dẫn, giúp đỡ kiên trì của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê.
Ông Zơ Râm Huấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã La Êê, huyện Nam Giang, chia sẻ: Bà con trên này trước đây chỉ quen đốt rừng, chọc tỉa làm nương rẫy, nhờ cán bộ biên phòng hướng dẫn bà con đã thay đổi lối canh tác, chuyển sang trồng lúa nước cho năng suất cao hơn nhiều so với lúa rẫy. Nhờ đó, mà từ chỗ “chưa ăn buổi sáng đã phải lo bữa trưa” trước đây, nay phần lớn bà con nơi đây đã tự chủ được nguồn lương thực tại chỗ. Bên cạnh đó, cán bộ quân y của Đồn luôn quan tâm chăm sóc sức khỏe cho bà con, thường xuyên về tận các thôn bản xa xôi nhất để khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, chủ động ngăn chặn kịp thời khi dịch bệnh xuất hiện trong cộng đồng.
Theo ông A Viết Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Giang, trên mỗi địa bàn đóng quân, các Đồn Biên phòng đều có những mô hình hay để giúp đỡ đồng bào mình không chỉ từng bước nâng cao đời sống vật chất mà con chăm lo cho cả những “mầm non” thế hệ tương lai. Chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi Đồn Biên phòng” thực sự đang mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đến nay, nhiều em nhỏ mồ côi, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được lớn lên, trưởng thành trong vòng tay và hơi ấm tình thương của những người lính Cụ Hồ, để hằng ngày các em được cắp sách đến trường theo đuổi ước mơ như bao bạn nhỏ cùng trang lứa.
Trên vùng biên giới Thừa Thiên – Huế, Trạm xá Quân dân y kết hợp thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt nằm trên địa bàn xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, từ lâu đã trở thành một “điểm tựa” chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới cũng như thực hiện khám chữa bệnh miễn phí cho người dân nước bạn Lào.
Nằm ven tuyến đường chính chạy ngang qua ở thôn A Tin, xã Lâm Đớt, Trạm xá Quân dân y kết hợp A Đớt là nơi thường xuyên lui tới của đồng bào Tà Ôi và Cơ Tu trong vùng mỗi khi bị ốm đau cần thăm khám sức khỏe. Mặc dù, với nhân lực mỏng chỉ có hai cán bộ quân y và trang thiết bị y tế cũng được trang bị hết sức cơ bản, nhưng những năm qua, Trạm xá Quân dân y kết hợp A Đớt luôn giữ được “niềm tin” của người dân địa phương gửi gắm về công tác chăm sóc sức khỏe.
Thiếu tá Trần Xuân Tới, cán bộ quân y Trạm xá Quân dân y kết hợp A Đớt chia sẻ, xác định nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bà con trên địa bàn đóng quân có ý nghĩa quan trọng, giúp thắt chặt mối quan hệ gắn bó máu thịt giữ quân với dân nơi vùng biên. Thời gian qua, cán bộ quân y tại đây luôn nhiệt tình, nỗ lực hết mình trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho bà con.
Già làng Đặng Sơn Thi, ở thôn A Tin, xã Lâm Đớt, cho biết khoảng cách đi lại từ thôn ra trung tâm huyện A Lưới khoảng hơn 40 km, nên khi người dân đau yếu thông thường chủ yếu đến nhờ cán bộ ở Trạm xá Quân dân y kết hợp A Đớt khám và cho thuốc. Đối với những người già đi lại khó khăn, cán bộ quân y không quản ngại đường xá đi lại khó khăn, luôn sẵn sàng đến tận nhà thăm khám sức khỏe bất kể ngày hay trong đêm mưa gió. Khi dịch COVID-19 bùng phát, y bác sĩ của Trạm đã phối hợp với chính quyền địa phương xuống tận từng thôn, bản để hướng dẫn bà con cách chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này để không lây lan ra cộng đồng.
Nằm cách bản Ka Lô (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông) khoảng vài km theo đường chim bay, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều bà con bên phía nước bạn Lào cũng thường xuyên qua Trạm xá Quân dân y kết hợp A Đớt để nhờ cán bộ quân y khám chữa bệnh, hỗ trợ sơ cấp cứu. Thiếu tá Trần Xuân Tới, cán bộ quân y Trạm xá Quân dân y kết hợp A Đớt cho biết, khi người dân nước bạn Lào sang khám bệnh, cán bộ của Trạm cũng tận tình, chu đáo như với chính đồng bào của mình. Đối với những bệnh ốm đau thông thường, y bác sĩ có thể cho thuốc miễn phí về uống, còn những trường hợp nặng sẽ sơ cấp cứu ban đầu và liên hệ vận chuyển bà con đến điều trị ở tuyến trên kịp thời. Chính những hoạt động của Trạm xá Quân dân y kết hợp A Đớt góp phần thắt chặt giao lưu nhân dân, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau giữa người dân hai nước Việt – Lào ở khu vực biên giới.
Để góp phần thay đổi cuộc sống của người dân cũng như bản làng khu vực biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã chủ động tham mưu, phối hợp với các nhà đầu tư triển khai nhiều dự án quan trọng về nông, lâm, ngư nghiệp. Trong giai đoạn 2010-2020, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, đã làm chủ đầu tư hơn 10 dự án, chủ yếu xây dựng đường giao thông với gần 127km đường ở khu vực biên giới, tổng mức đầu tư khoảng hơn 400 tỷ đồng. Đến nay, các dự án đường giao thông biên giới đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và củng cố quốc phòng an ninh khu vực biên giới.
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cũng phối hợp huyện Hướng Hóa triển khai thí điểm dự án trồng cây dược liệu cà gai leo với diện tích 7 ha, cho các hộ dân ở xã Lìa, góp phần giải quyết được công ăn việc làm, thay đổi cơ cấu cây trồng cho nhân dân khu vực tuyến Lìa và bước đầu đã có những kết quả khả quan. Ngoài ra, thời gian qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã chủ động kêu gọi các nguồn xã hội hóa, tham gia đóng góp ngày lương, ngày công của các cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng để xây dựng và bàn giao hơn 100 ngôi nhà mái ấm biên cương, nhà tình nghĩa, trị giá hơn gần 7,6 tỷ đồng; xây dựng hơn 36km trong chương trình “Ánh sáng vùng biên” với tổng trị giá 720 triệu đồng…
Bài 2: Đồn là nhà, biên giới là quê hương