Cuộc sống thời điểm giãn cách xã hội đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày, yêu cầu người dân thay đổi thói quen để thích nghi với tình hình mới. Với rất nhiều người quen với lối sống năng động, thường xuyên di chuyển do công việc thì bài toán sắp xếp lịch ở nhà 24/24 giờ cũng vô cùng “đau đầu” như việc chuẩn bị bữa ăn, chăm sóc trẻ nhỏ, làm việc tại nhà…
Thích nghi với những bất tiện
Lần giở từng trang sổ tay ghi chi tiết thực đơn hằng ngày, chị Hồ Thùy Anh ( tuổi, trú tại phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức) cho biết, nếu không trải qua đợt bùng phát dịch lần này có lẽ chị sẽ không thể học được cách chăm lo bữa ăn cho gia đình mình. Bản thân bận rộn với công việc quản lý nhân sự cho một thương hiệu thời trang, chồng mở công ty riêng về thiết kế nội thất, hai con thì học ở trường cả ngày nên bình thường chị Thùy Anh rất ít khi có thời gian nấu nướng, khi thì cả gia đình chị đi ăn ngoài, khi thì gọi món giao đến nhà. Thế nhưng khi Thành phố thực hiện Chỉ thị 16, yêu cầu toàn bộ các nhà hàng, quán ăn tạm dừng hoạt động, kể cả bán mang về, hai vợ chồng chị Thùy Anh buộc phải học cách… chuẩn bị bữa ăn hằng ngày với 3 bữa sáng, trưa, chiều cho cả nhà.
Chị Thùy Anh kể: Bình thường tôi hiếm khi đi chợ, nấu ăn nên thời gian đầu hai vợ chồng khá “chật vật” để học từ cách chọn lựa thịt cá, rau củ tươi sống cho đến cách chế biến, nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Đã có lúc muốn bỏ cuộc và có ý định nhờ gia đình “tiếp tế” thức ăn, nhưng rồi nghĩ lại mình là cha mẹ mà không thể lo một bữa ăn đàng hoàng cho các con nên hai vợ chồng lại động viên nhau tiếp tục cố gắng. May mắn nhờ được bố mẹ và bạn bè hai bên chỉ cho nhiều “bí quyết”, lại thêm tham khảo sách và clip dạy nấu ăn trên mạng nên vợ chồng chị Thùy Anh đã sớm vượt qua những lúng túng ban đầu để có thể tự tin làm ra những bữa ăn ngon cho cả gia đình.
“Sau khi trải qua khoảng thời gian này, tôi thấy lúc trước bản thân mình hời hợt quá khi suốt ngày để gia đình ăn thức ăn ngoài hàng quán, không bảo đảm vệ sinh và dinh dưỡng. Nhất định sau khi hết dịch, tôi và chồng sẽ cố gắng thu xếp công việc để dành thời gian cùng nấu những bữa ăn thật ấm cúng, ngon miệng cho cả nhà”, chị Thùy Anh chia sẻ.
Cùng chung hoàn cảnh, gia đình anh Nguyễn Thành Vinh (28 tuổi, trú tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân) thì lại có nỗi lo trong chuyện cân bằng giữa việc nhà và công việc ở công ty trong thời gian thực hiện giãn cách. Hai vợ chồng anh Vinh cùng làm tại một công ty bảo hiểm, công việc có nhiều áp lực nên dù giãn cách ở nhà nhưng anh và vợ vẫn phải thường xuyên làm việc trực tuyến. Bình thường vợ chồng anh Vinh thường thuê bảo mẫu theo giờ để trông con trai mới 2 tuổi và giúp vợ chồng anh làm một số việc nhà. Nay Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển và tiếp xúc đông người nên mọi chuyện bếp núc, nhà cửa anh Vinh và vợ phải chia nhau làm, trong khi vẫn phải bảo đảm hoàn thành công việc ở công ty.
Anh Vinh cho biết: “Dịch bùng phát, nhiều chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động còn các siêu thị thì điều chỉnh giờ làm việc, hạn chế giao hàng tận nhà nên chúng tôi tốn nhiều thời gian cho việc mua thức ăn hơn thường ngày. Có những hôm đã đến giờ họp trực tuyến của công ty mà chúng tôi vẫn đang chạy ngoài đường để mua thực phẩm, sau đó phải gọi điện xin lỗi, xin phép vắng họp. Về đến nhà lại phải tất bật vừa làm việc công ty vừa nấu nướng, dọn dẹp và chăm con đến tối mịt. “Mỗi lần như vậy, dù luôn được công ty thông cảm, tạo điều kiện, chúng tôi vẫn cảm rất khó chịu, nhiều khi ức chế lắm”, anh Vinh chia sẻ.
Để chu toàn giữa công việc và gia đình, vợ chồng anh Vinh đã cùng nhau lập kế hoạch sắp xếp thời gian biểu cho việc nhà, chăm sóc con cái và việc của công ty. Buổi sáng, anh chị liệt kê những việc cần làm, giải quyết những việc quan trọng đầu tiên, việc ít ưu tiên hơn thì để dành cuối ngày; tận dụng tối đa thời gian giải lao giữa giờ làm việc để dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, chăm sóc con… Ngoài ra, anh chị cũng tham khảo những bí quyết làm việc nhà trên mạng và từ gia đình, bạn bè để học những “mẹo” hay giúp hoàn thành việc nhà trong thời gian ngắn nhất, theo cách tiện lợi nhất mà vẫn bảo đảm gọn gàng, chỉn chu.
Việc mua thực phẩm thì anh chị liên hệ với các chương trình “Đi chợ giúp người dân” do phường hoặc Đoàn Thanh niên quận tổ chức để nhờ hỗ trợ. Anh chị cũng tìm hiểu nhiều công thức nấu các món ăn ít tốn thời gian, không quá cầu kỳ về nguyên liệu mà vẫn bảo đảm dinh dưỡng cho cả người lớn và trẻ nhỏ để lo bữa ăn cho cả nhà. Nhờ đó, đến nay gia đình anh Vinh đã cơ bản thích ứng được với những bất tiện do giãn cách xã hội, phải ở yên trong nhà.
Cơ hội tăng thêm gắn kết gia đình
Từ những bất tiện ban đầu do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều gia đình cũng đã từng bước thích nghi, “chuyển hóa” những bất tiện đó thành cơ hội để tăng thêm gắn kết gia đình, giữa cha mẹ với con cái mà trước đây không để ý hoặc thiếu thời gian bên nhau.
Từ giữa tháng 6, khi Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ thì gia đình chị Ngô Ngọc Đông Phương (35 tuổi, trú tại Phường 1, Quận 4) đã phải cách ly tại căn hộ của mình do tòa chung cư nơi chị đang sống phát hiện nhiều ca F0. Bản thân là một người nội trợ, còn chồng làm trong ngành xây dựng thường xuyên vắng nhà, gia đình ít khi có cơ hội quây quần đông đủ nên trong khi nhiều gia đình khác lo lắng cuộc sống giãn cách tại nhà sẽ gây nhiều xáo trộn trong thói quen sinh hoạt, chị Đông Phương lại cho rằng đây là một cơ hội để các thành viên trong nhà gắn kết tình cảm, hiểu nhau hơn.
“Thời gian đầu, gia đình chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn khi làm quen với cuộc sống cách ly tại nhà. Việc liên tục ở trong căn hộ chỉ rộng chừng 40m2 trong thời tiết nóng nực, không được tiếp xúc với bên ngoài khiến hai vợ chồng tôi luôn cảm thấy bức bối, ngột ngạt. Hai con trai của chúng tôi được nghỉ học ở nhà, lại không thể ra ngoài tham gia các hoạt động vui chơi nên cả ngày chỉ biết chơi game, xem tivi, lên mạng…”, chị Đông Phương tâm sự.
Trước tình trạng này, vợ chồng chị Phương đã cùng ngồi lại, thảo luận và lập một thời gian biểu sinh hoạt mới cho cả nhà, quyết tâm thoát khỏi cảm giác tù túng, chán chường của cuộc sống giãn cách, bắt đầu thay đổi từ những việc nhỏ nhất như nấu ăn, dọn dẹp cho đến việc giáo dục con, tham gia công tác cộng đồng. Thống nhất rồi bắt tay triển khai ngay, hằng ngày, gia đình chị Đông Phương dậy sớm, cùng nhau tập thể dục theo các chương trình hướng dẫn trên tivi, trên mạng xã hội, sau đó cùng chuẩn bị bữa ăn sáng. Tiếp theo, anh chị cùng các con ôn lại bài vở trong năm học hoặc chơi các trò chơi gia đình, chuẩn bị cho bữa trưa. Buổi chiều, cả nhà sẽ sử dụng các ứng dụng gọi video để trò chuyện, thăm hỏi người thân và bạn bè. Vào cuối tuần, anh chị dành thời gian tập yoga, thiền, thể dục trong nhà hoặc cùng nhau nghiên cứu các món ăn mới, chơi đùa với các con, nạp lại năng lượng sẵn sàng cho một tuần mới.
“Từ thời điểm dịch bùng phát mạnh hơn, mỗi cuối tuần, cả nhà quyết định trích một phần tiền mua thực phẩm về nấu các suất ăn nghĩa tình để gửi cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường. Cả nhà cùng quây quần bên nhau, vừa rửa rau củ, vo gạo, xào nấu... vừa trò chuyện, chia sẻ cho nhau mọi chuyện trong cuộc sống. Sau nhiều ngày phụ bố mẹ nấu cơm hỗ trợ người nghèo, hai con thường ngày nghiện game, nghịch ngợm giờ đã biết yêu thương mọi người, bỏ chơi game và có ý thức tự giác học tập”, chị Phương cho biết.
Với những gia đình có nhiều thế hệ, nỗi quan tâm lớn nhất chính là vấn đề chăm lo sức khỏe, bảo vệ người cao tuổi và trẻ nhỏ trước nguy cơ lây nhiễm dịch. Chị Vũ Thị Tuyết Thu (trú tại Phường 6, quận Tân Bình) tâm sự, gia đình chị có đến 4 thế hệ cùng chung sống với nhau gồm bà nội, bố mẹ chồng, hai vợ chồng chị và con gái học tiểu học. Đại dịch COVID-19 bùng phát, trong nhà lại có người già và trẻ nhỏ là hai đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước dịch bệnh, nên vợ chồng chị Thu quyết định tận dụng thời gian giãn cách tại nhà để thay đổi thói quen sinh hoạt của gia đình, chú trọng hơn vào việc nâng cao thể lực và ăn uống đủ dinh dưỡng để có sức khỏe chống chọi với dịch bệnh.
“Việc cần làm nhất lúc này là tuân thủ chủ trương giãn cách xã hội của Thành phố và bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho cả nhà, không để virus dễ xâm nhập. Mỗi ngày tôi đều nấu những món dễ tiêu hóa và cân bằng dinh dưỡng, tăng cường thêm các loại trái cây nhiều vitamin C và nhóm thực phẩm chứa những chất giúp tăng cường miễn dịch như: Tỏi, nghệ, sả, nấm, trà xanh, sữa chua… Riêng bà nội có bệnh nền nên tôi chuẩn bị khẩu phần ăn riêng phù hợp, dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sỹ, bảo đảm uống đủ nước và ở trong phòng riêng, hạn chế tiếp xúc bên ngoài. Tôi cũng khuyến khích bố mẹ chồng tập thể dục dưỡng sinh vào buổi sáng, còn vợ chồng tôi và con gái thì tập nhảy dây, chạy bộ, yoga… để tăng cường sức khoẻ”, chị Thu chia sẻ.
Mỗi gia đình một câu chuyện, “mỗi nhà mỗi cảnh” nhưng đều hướng đến một mục đích là thích nghi với cuộc sống giãn cách và giữ an toàn cho gia đình, cộng đồng với phương châm "mỗi gia đình là một pháo đài" chống dịch. Có thể nói những câu chuyện của gia đình chị Đông Phương, chị Thùy Anh, anh Thành Vinh, chị Tuyết Thu cũng là những câu chuyện đang diễn ra với hàng triệu gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh trong mùa dịch hiện nay. Từ trong khó khăn, bất tiện do dịch COVID-19 gây ảnh hưởng, họ đã có những cách thích nghi để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Chia sẻ về những vấn đề gia đình đang gặp phải trong điều kiện khó khăn hiện nay, Tiến sỹ tâm lý Hoàng Minh Tố Nga, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây xáo trộn cuộc sống thì việc người dân cảm thấy căng thẳng về tâm lý là rất bình thường. Để vượt qua mùa dịch và thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, mỗi người nên giữ tinh thần lạc quan, tạo niềm vui bằng các việc làm thiết thực, giữ gìn sức khỏe, rèn luyện thể lực, thực hiện đúng biện pháp phòng dịch. Bên cạnh đó, người dân khi có những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng, bi quan, chán nản thì không nên im lặng giữ trong lòng mà nên tìm đến các “kênh” chia sẻ như bạn bè, người thân hoặc các dịch vụ tư vấn tâm lý online miễn phí để giải tỏa cảm xúc.
Gợi mở những giải pháp cần thiết có thể áp dụng trong các gia đình, Tiến sỹ Hoàng Minh Tố Nga cho rằng, người dân có thể tìm niềm vui qua những công việc như đọc sách, tham gia các khóa học kỹ năng online; thư giãn bằng các động tác thể dục sau khi làm việc và học tập tại nhà; chia sẻ những thông tin chính thống, những câu chuyện cảm động trong công tác phòng, chống dịch đến mọi người để lan tỏa năng lượng tích cực. Đặc biệt, nếu có thể hãy kết nối với tổ chức, cộng đồng uy tín tại địa phương để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong khả năng cho phép… Qua đó, mỗi người sẽ tìm được sự cân bằng cho tâm trạng của bản thân, vượt qua đại dịch với tâm thế tích cực./.(Còn tiếp)
Bài 3: Giúp trẻ tìm niềm vui và hoạt động bổ ích