Lạc quan tại “tâm dịch”
Trong 1 tháng qua sau khi Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, bếp ăn nghĩa tình của Trung tâm Công tác xã hội thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh luôn hoạt động hết công suất với sự tham gia của hàng chục bạn đoàn viên, sinh viên tình nguyện cùng chung tay nấu các suất ăn trưa hỗ trợ lực lượng tuyến đầu và người dân tại các khu phong tỏa, cách ly trên địa bàn Thành phố.
Anh Võ Quốc Bình, Trưởng phòng kết nối tình nguyện Trung tâm Công tác xã hội thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, Trung tâm đã nấu được hơn 120.000 suất ăn gửi đến người dân và lực lượng tuyến đầu với công suất khoảng 4.000 suất/ngày. Thời gian tới, Trung tâm dự kiến sẽ tăng lên mức 7.000 suất/ngày để đáp ứng nhu cầu tăng cao, đồng thời phân phát các nguyên liệu tươi sống để hộ gia đình tự chế biến thức ăn.
Theo anh Võ Quốc Bình, để đáp ứng được số lượng suất ăn rất lớn này, hằng ngày, các sinh viên tình nguyện phải chuẩn bị nguyên liệu từ sáng sớm, sau đó nấu ăn và đóng gói để kịp phục vụ bữa trưa cho người dân và các lực lượng chống dịch. Nhằm bảo đảm khoảng cách an toàn trong mùa dịch, trung tâm đã chia các tình nguyện viên thành hai nhóm nấu tại thành phố Thủ Đức và Quận 1, tránh tình trạng tập trung quá đông trong cùng một thời điểm. Đồng thời, trong quá trình làm việc, trung tâm luôn nhắc nhở các tình nguyện viên tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế. Do số lượng sinh viên tham gia bị hạn chế nên lượng công việc của các tình nguyện viên tăng lên đáng kể. Có những hôm các bạn phải làm việc liên tục từ sáng đến tối mà không kịp nghỉ ngơi, nhiều bạn thậm chí không về nhà trong nhiều ngày để tránh nguy cơ lây nhiễm cho gia đình mà ở lại Trung tâm làm việc. Tuy vậy, trên gương mặt của mỗi tình nguyện viên luôn nở một nụ cười lạc quan, vui vẻ dốc hết sức lực làm ra những phần cơm ngon miệng gửi tặng người dân và tuyến đầu chống dịch.
“Nhiều lúc làm việc vất vả nhưng tôi chưa từng thấy em nào than vãn một câu. Tất cả các em đều cho rằng, mặc dù tình hình dịch diễn biến phức tạp, luôn rình rập nhiều nguy cơ, nhưng giữa lúc Thành phố thân yêu đang gồng mình ứng phó với đại dịch thì nhiệm vụ của thế hệ trẻ là phải sát cánh cùng chính quyền, nhân dân chống dịch. Tinh thần và thái độ tích cực của các em giúp tôi và ban quản lý Trung tâm như được “truyền lửa”, càng thêm quyết tâm đồng hành cùng các em trong cuộc chiến chống COVID-19”, anh Võ Quốc Bình chia sẻ.
Cùng với các bạn đoàn viên, sinh viên, thời gian qua, các văn nghệ sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động tình nguyện để tiếp sức cho các y, bác sĩ cũng như người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.
Theo MC Quỳnh Hoa, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, trong nhiều tháng qua, chị cùng nhóm nghệ sĩ gồm các ca sĩ Phương Thanh, Nguyễn Phi Hùng, Quốc Đại, đạo diễn Trần Minh Tuấn, diễn viên Khả Như… đã thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện có ý nghĩa như hỗ trợ lực lượng y tế xét nghiệm, tiêm vaccine cho người dân Thành phố; trao nhiều phần quà cho các cơ sở y tế, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19; mở “gian bếp 0 đồng”, đi chợ, cắt tóc cho những người dân đang phải cách ly tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi… Đồng thời, nhiều nghệ sĩ cũng đồng loạt kêu gọi cộng đồng cùng đóng góp cho quỹ “Vì nhịp thở Việt Nam” hỗ trợ mua máy thở để chuyển đến các bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Là một trong những người khởi xướng các hoạt động này, MC Quỳnh Hoa chia sẻ, mỗi khi mặc lên người bộ đồ bảo hộ y tế để làm tình nguyện viên chống dịch, cô cùng các nghệ sĩ đều cảm thấy rất nóng bức, ngột ngạt, di chuyển và làm việc khó khăn. Nghĩ đến các y, bác sĩ hằng ngày đều phải chống dịch trong tình trạng này, cô cùng đồng nghiệp lại càng thêm đồng cảm, thấu hiểu, quyết tâm đồng hành cùng nhân dân và lực lượng tuyến đầu, góp thêm ngọn lửa tiếp sức cho Thành phố cũng như các tỉnh miền Nam vượt qua đại dịch.
Không chỉ dựa vào sự trợ giúp bên ngoài, người dân trong các khu vực phong tỏa, cách ly cũng chủ động giúp đỡ lẫn nhau, người có điều kiện sẻ chia với những người gặp khó khăn trong mùa dịch, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tạo nên sự lan tỏa tích cực trong xã hội.
Đó là câu chuyện của bà Lê Thị Kim Loan (trú tại phường 15, quận Tân Bình) với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Hằng ngày tổ chức nấu và phát hơn 100 suất cơm cho người người lao động nghèo trong các khu vực phong tỏa trên địa bàn phường; cung cấp nước uống, nước trái cây cho lực lượng trực chốt; phát quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổ chức “gian hàng 5 ngàn” nhằm giải cứu nông sản cho các tỉnh gặp khó khăn và hỗ trợ người dân trong khu vực cách ly…
Hay như anh Nguyễn Anh Tài (trú tại phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) đã vận động gia đình, hàng xóm và bạn bè tham gia nấu bếp hỗ trợ các suất ăn chay cho người dân đang gặp khó khăn vì dịch bệnh tại địa phương và các điểm có nhu cầu trên địa bàn Thành phố. Tinh thần thiện nguyện của anh đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều tổ chức, cá nhân trong xã hội. Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm và điều phối lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ anh để có thể thực hiện khối lượng lớn các suất ăn. Đến nay, bếp ăn của anh Tài đã hỗ trợ hơn 20.000 suất ăn chay đến người dân, với kinh phí lên đến hàng trăm triệu đồng.
Và còn đó rất nhiều những câu chuyện ấm áp tình người ở trong “tâm dịch” về những suất cơm, thùng nước, tủ bánh mì miễn phí trên đường; những điểm sửa xe, quán ăn miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật; những người hàng xóm chia sẻ cùng nhau từng trái bắp luộc, bó rau xanh; những ly nước, phần ăn trao tay cho lực lượng tuyến đầu chống dịch… Trong hoàn cảnh khó khăn cũng chính là lúc tình người thắt chặt hơn bao giờ hết, dịch sẽ sớm qua và tình người lại càng thêm thắm thiết.
Lan tỏa thông điệp tích cực
Không chỉ lan tỏa sự tích cực bằng những hành động thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân, đoàn thể còn thông qua các kênh mạng xã hội truyền tải nhiều thông điệp và hình ảnh ý nghĩa nhằm thể hiện tình yêu thương với thành phố mang tên Bác và cổ vũ tinh thần cộng đồng cùng chung tay chống dịch.
Giữa tháng 7 vừa qua, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố, Nhà văn hóa Thanh Niên Thành phố và Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát động chiến dịch cộng đồng “Năng lượng tích cực cho thành phố yêu thương” với mong muốn lan tỏa những điều tích cực và chia sẻ yêu thương nhằm tiếp thêm sức mạnh, sự kiên trì và vững tin đến với nhân dân, cùng nhau vượt qua đại dịch trong thời gian sớm nhất. Chiến dịch đã diễn ra trên khắp các nền tảng mạng xã hội với sự tham gia của hơn 1.000 văn nghệ sĩ và đông đảo người dân Thành phố cùng chia sẻ những thông điệp động viên tinh thần kèm hashtag #LoveSaiGon #LoveHCMC #ThanhPhoYeuThuong #ChienThangDaiDich.
Các nghệ sĩ cũng đã dùng âm nhạc như một liều thuốc tinh thần, cổ vũ mọi người sớm vượt qua đại dịch. Nổi bật như ca khúc kết hợp cùng vũ điệu rửa tay “Ghen Cô Vy” với thông điệp động viên người dân cùng nâng cao ý thức tự giác phòng dịch nhận được sự yêu thích của bạn bè quốc tế bởi sự sáng tạo trong cách tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Đây cũng là một trong những sản phẩm nghệ thuật nhận được Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.
Các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ cho ra mắt hàng loạt ca khúc lấy chủ đề về cuộc sống trong đại dịch với giai điệu trẻ trung, sôi động và ca từ gần gũi, hóm hỉnh, nhưng cũng đậm tính giáo dục về ý thức phòng dịch, nhận được sự đón nhận nhiệt liệt từ khán thính giả. Có thể kể đến ca khúc “Sài Gòn ơi! Xin lỗi, cảm ơn” của nhạc sĩ Khắc Việt và ca sĩ Tuấn Hưng hay ca khúc “Hồi sinh” của ca sĩ Kyo York với nội dung cổ vũ người dân thành phố mang tên Bác cùng chung sức chiến đấu với đại dịch; ca khúc “Bài ca khu cách ly” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói về những vui buồn và tinh thần đùm bọc lẫn nhau của người dân trong các khu vực cách ly như một liều thuốc xoa dịu tinh thần người dân trong “tâm dịch”.
“Dịch bệnh khiến cuộc sống của người dân Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, không khỏi khiến nhiều người có suy nghĩ tiêu cực, đặc biệt là trong lúc thực hiện giãn cách tại nhà. Nhiệm vụ của người nghệ sĩ lúc này, theo tôi, chính là sử dụng tài năng của mình, thông qua những lời ca, câu hát lan truyền thông điệp tích cực để mọi người thoải mái hơn và có thêm động lực để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tâm sự.
Cùng với đó, bản thân mỗi người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đồng hành cùng các cấp, các ngành truyền tải những thông tin chính thống, tích cực về công tác phòng, chống dịch của Thành phố thông qua các nền tảng mạng xã hội, internet…
Anh Điền Trần Bảo Long (trú tại Phường 12, Quận 6) chia sẻ, kể từ lúc đại dịch bùng phát lần đầu tại Việt Nam, anh đã chứng kiến rất nhiều đối tượng có mục đích xấu, lợi dụng sự bất an của người dân để lan truyền những thông tin thất thiệt khiến người dân có những ngộ nhận sai lầm về dịch. Anh đã quyết định lên trang Facebook của mình hằng ngày dẫn chứng những thông tin chính thống, nghiên cứu khoa học được đăng trên trang Thông tin Chính phủ và các tờ báo uy tín để phản bác tất cả những thông tin sai lệch đó.
“Tôi hy vọng mọi công dân Việt Nam sẽ thận trọng hơn trong việc tiếp nhận thông tin, nhất là thông tin tiêu cực trên mạng xã hội; đồng thời chung sức cùng với Đảng, chính quyền đập tan những luận điệu mang tính xuyên tạc, gây rối lòng dân, giúp cộng đồng cùng an tâm chống dịch”, anh Long bày tỏ.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy, đại dịch khiến mỗi ngành nghề, mỗi người dân đều phải gánh chịu tác động tiêu cực không mong muốn. Tuy nhiên, trước khó khăn chung của Thành phố đang gồng mình chống đỡ dịch bệnh, người dân đã không chọn cách thờ ơ, đứng ngoài, mà vẫn cùng Thành phố nỗ lực không ngừng nghỉ, lan tỏa những thông điệp nhân văn, mang lại hiệu ứng tích cực cho cộng đồng theo hình thức phù hợp nhất với điều kiện và năng lực của bản thân. Chính sự nỗ lực này sẽ góp thêm những viên gạch để dựng lên tấm lá chắn hữu hiệu đẩy lùi dịch COVID-19.