Theo quy định về tuổi nghỉ hưu tại Bộ luật Lao động sửa đổi, một bộ phận lao động nữ sẽ được điều chỉnh tăng tuổi hưu. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng sau luật, cần phải chia nhóm rất rõ để xác định tuổi hưu cho đối tượng này một cách phù hợp, đảm bảo quyền làm việc cho lao động nữ.
Linh hoạt tuổi hưu, tăng quyền làm việc
Bộ luật Lao động sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 tại kỳ họp thứ 3. Những nội dung của Bộ luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. Một trong những nội dung ưu việt của lần sửa luật này là quy định tuổi nghỉ hưu riêng tại 1 Điều trong Bộ luật (Điều 187).
Lao động nữ có trình độ chuyên môn cao, làm công tác quản lý... có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Theo đó, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi.
Khoản 2 của quy định này nói: “Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định”.
Chia sẻ quan điểm liên quan đến đối tượng điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Bộ luật Lao động sửa đổi, bà Hà Thị Thanh Vân, Phó Ban Luật pháp - Chính sách (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho rằng, do sự quyết định thời điểm và tuổi sinh con của phụ nữ khác nhau nên sự chi phối đến khả năng làm việc của họ không giống nhau. Vì vậy, cần quy định tuổi hưu linh hoạt, trao quyền quyết định tuổi nghỉ hưu thực tế cho phụ nữ chứ không nên bắt buộc phải thực hiện chung một độ tuổi mang tính cố định.
Trên cơ sở đó, theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, một mặt cần tiếp tục quy định như hiện hành, mặt khác vẫn cần nghiên cứu thêm về tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm lao động cụ thể theo ngành nghề, lĩnh vực để phù hợp với tính chất công việc của người lao động. “Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần tăng cường biện pháp cải thiện điều kiện làm việc để bảo đảm độ bền sức lao động cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng”, bà Vân đề nghị.
Cán bộ, công chức nữ có thể tăng tuổi nghỉ hưu
Tại Khoản 3, Điều 187 của Bộ luật Lao động sửa đổi quy định: Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhưng không quá 5 năm so với quy định.
Một trong những phương án đề xuất của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao gồm thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Nhóm lao động quản lý gồm: Phó vụ trưởng (thuộc Bộ và tương đương), Phó sở, ban, ngành và tương đương trở lên. Nhóm lao động đặc biệt gồm: Chuyên viên cao cấp và chuyên gia không giữ chức vụ quản lý. Tổng số lao động thuộc các nhóm này có khoảng 15.000 người.
Tính toán cho thấy, khi điều chỉnh tăng 5 năm làm việc cho 15.000 phụ nữ thì sẽ giảm chi 5 năm tiền lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội và tăng thêm đóng góp cho quỹ bảo hiểm xã hội và y tế. Cán bộ, công chức, viên chức nữ sẽ có cơ hội để đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung.
Còn theo bà Phạm Nguyên Cường, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội): “Nhóm điều chỉnh tuổi là cán bộ quản lý cần tính đến cả lao động nữ thuộc các doanh nghiệp lớn”. Bởi thực tế hiện nay, theo ông Nguyễn Hữu Sự, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, nhiều doanh nghiệp vẫn ký hợp đồng với những lao động nữ trên 55 tuổi.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành những nội dung về tuổi nghỉ hưu tại Bộ luật Lao động sửa đổi. Dự kiến, tháng 2/2013, nghị định này sẽ hoàn thiện để trình Chính phủ.
Mạnh Minh