Việc Bệnh viện (BV) Đa khoa Thường Tín (Hà Nội) vừa bị Sở Y tế Hà Nội xử phạt 30 triệu đồng vì đã tự ý "mượn" máy hết "date" để thực hiện xét nghiệm cho hàng chục nghìn bệnh nhân đã khiến dư luận xã hội rất lo ngại. Sự việc này một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý, sử dụng thiết bị y tế.
Nghi vấn máy dự án
Lý giải vì sao Bệnh viện Đa khoa Thường Tín phải “mượn” máy xét nghiệm sinh hóa tự động của một công ty bên ngoài, đại diện bệnh viện này giải thích là do các máy xét nghiệm sinh hóa được Sở Y tế Hà Nội cấp đang trong tình trạng hỏng, không thể sử dụng.
Đoàn kiểm gia thiết bị y tế tại BV đa khoa Thường Tín. |
Theo Sở Y tế Hà Nội, dự án "Đầu tư nâng cấp trang thiết bị hồi sức và xét nghiệm" được triển khai giai đoạn từ 2007 - 2010, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và thành phố. Với dự án này, Sở Y tế làm chủ đầu tư gói thầu số 4, cung cấp trang thiết bị (Máy sinh hóa tự động - Model: GA 240, hãng sản xuất: Greiner Diagnostic GmbH - Đức; xuất xứ: Đức) cho 6 BV đa khoa tuyến huyện, gồm: BV Hoài Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Vân Đình, Thanh Oai và Quốc Oai.
Mỗi máy xét nghiệm sinh hóa tại 6 bệnh viện huyện trên địa bàn Hà Nội được mua với giá 648 triệu đồng (từ năm 2010); nhưng không rõ tại sao Bệnh viện Đa khoa Thường Tín chỉ sử dụng loại máy này khoảng 3 năm đã bị trục trặc và “đắp chiếu”.
Ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Tổ công tác của Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa Thường Tín và Hoài Đức về hồ sơ, quá trình vận hành và hoạt động của máy. Kết quả cho thấy máy có hồ sơ pháp lý, quy trình tiếp nhận máy đầy đủ, qua 4 bước kiểm tra cho thấy máy đủ tiêu chuẩn hoạt động. Quy trình vận hành cho thấy máy hoạt động tốt, bảo đảm các tiêu chí, thông số… Tem nhãn bên ngoài đề rõ máy sản xuất tháng 5/2010, nơi sản xuất là từ Đức, tuy nhiên có một số phụ kiện như quạt gió, mô tơ đề "made in China".
Các thiết bị này trước khi cấp cho các BV để đưa vào sử dụng đã được Viện Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) kiểm định chất lượng. Nhà cung cấp là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu (XNK) khoáng sản cũng cam kết, toàn bộ thiết bị được bảo hành miễn phí 12 tháng tại đơn vị sử dụng và cam kết cung cấp vật tư tiêu hao tối thiểu là 5 năm, thay thế thiết bị trong 10 năm nếu xảy ra hỏng hóc. Các trang thiết bị trên được bàn giao cho các BV và đưa vào sử dụng từ tháng 7/2010. Qua theo dõi 12 tháng khi đưa vào sử dụng, không có đơn vị nào báo cáo về trang thiết bị "có vấn đề".
Về vấn đề này, ông Bùi Hoàng Mai, Giám đốc Trung tâm Kiểm định và hiệu chuẩn trang thiết bị y tế (Viện Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế) khẳng định: Dù thiết bị có một số linh kiện gắn mác "made in China" nhưng điều này vẫn có thể chấp nhận được. Bởi, theo quy định một thiết bị có thể có nhiều nước tham gia sản xuất. Chúng tôi từng triển khai nhiều lô thiết bị, trong nhiều thiết bị đều có sự xuất hiện của nước thứ ba. Việc thiết bị bảo đảm 100% linh kiện của nước sở tại là khó khả thi.
Trước những thông tin cho rằng đây là lô hàng nhập lậu, hãng Greiner không có model GA240 mà là từ một hãng của Trung Quốc bán về Đức, lấy nhãn mác của Greiner và chuyển về Việt Nam, đơn vị nhập khẩu thừa nhận mình không nhập trực tiếp số trang thiết bị y tế này mà qua một đơn vị khác, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Vấn đề sẽ tiếp tục được xem xét và làm rõ”.
Bệnh viện phớt lờ quy định
Trong khi nguồn gốc thiết bị y tế do dự án cấp chưa rõ ràng thì việc BV Đa khoa Thường Tín sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa là hàng nhập lậu trái phép, nhãn hiệu Hitachi 717, series 6312-19 dựa trên hợp đồng mượn của một doanh nghiệp bên ngoài cũng khiến nhiều người dân lo ngại về chất lượng kết quả xét nghiệm.
Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường, Sở Y tế đã có quy định nghiêm cấm các đơn vị tự động tiếp nhận, sử dụng các trang thiết bị y tế đã qua sử dụng hoặc mượn máy mà không lập đề án và báo cáo Sở Y tế. Trong trường hợp máy được cấp hỏng, BV phải báo cáo để Sở Y tế điều động máy khác. Nhưng thực tế, BV Đa khoa Thanh Trì vẫn phớt lờ quy định này để tuồn máy hết "date" vào sử dụng, thực hiện xét nghiệm cho bệnh nhân. Điều này cũng đặt dấu hỏi về tình trạng sử dụng các thiết bị y tế có nguồn gốc không rõ ràng tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên, ngành y tế Thủ đô xảy ra những “bê bối” trong việc quản lý trang thiết bị y tế. Vụ việc nhân bản xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (năm 2013) cũng đã từng gây xôn xao dư luận. Theo bà Hoàng Thị Nguyệt, một trong những người đứng đơn tố cáo những sai phạm tại BV Đa khoa Hoài Đức khi đó thì việc thực hiện những xét nghiệm khống hầu hết được thực hiện từ trang thiết bị liên doanh, liên kết giữa BV và một công ty bên ngoài; trong khi máy móc công bị “đắp chiếu” vì những hỏng hóc rất đơn giản.
Móc nối những vụ việc đã xảy ra, nhiều người dân rất bất bình, tỏ ý lo ngại về việc trang thiết bị y tế không bảo đảm chất lượng sẽ khiến việc cung cấp các kết quả xét nghiệm không đúng, ảnh hưởng lớn đến chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. “Nhưng nếu cơ quan chức năng, cụ thể là Sở Y tế Hà Nội làm tốt công tác giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm thì đâu dẫn đến những vụ việc đáng tiếc như vậy. Người dân chúng tôi rất lo lắng vì không biết thực tế còn bao nhiêu cơ sở y tế sử dụng trang thiết bị quá date tương tự”, bà Nguyễn Thị Thắng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bức xúc.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định: “Từ sự việc xảy ra tại BV Thường Tín, Sở Y tế Hà Nội rút bài học kinh nghiệm về vấn đề quản lý trang thiết bị y tế. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tổng kiểm tra, rà soát lại việc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại các BV, phòng khám trên địa bàn thành phố”.
Ông Phan Đăng Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Cần làm rõ quy trình đấu thầu Lãnh đạo thành phố Hà Nội rất quan tâm và đã chỉ đạo ngành y tế chủ động kiểm tra về sự việc tại Bệnh viện Đa khoa Thường Tín. Quan điểm của Hà Nội là sẽ xử lý nghiêm vụ việc, nếu có sai phạm xảy ra không bao che và sẽ cương quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Sở Y tế cần làm rõ quy trình đấu thầu, nguồn gốc của lô thiết bị y tế nhập khẩu tại Bệnh viện Đa khoa Thường Tín cũng như việc đưa vào sử dụng thiết bị khi chưa được phép của Sở Y tế. Ban tuyên giáo sẽ bám sát sự việc này để yêu cầu Sở Y tế kịp thời có thông tin sớm nhất trước công luận.
Bà Phạm Thị An, Thường Tín, Hà Nội: Lạm dụng xã hội hóa máy móc y tế Vào viện là chụp chiếu, là xét nghiệm dù trước đó ở bệnh tuyến dưới cũng đã làm dịch vụ y tế y hệt là thực trạng gây bức xúc cho dư luận đã lâu, nhưng không hiểu sao đến giờ ngành y tế vẫn chưa có giải pháp gì khống chế. Theo tôi, nguyên nhân chính do các quy định quản lý việc xã hội hóa trang thiết bị tại các cơ sở y tế còn lỏng lẻo, nếu chỉ cho phép các bệnh viện vay vốn của Nhà nước để đầu tư trang thiết bị thì đâu dẫn đến tình trạng “nhập nhèm” giữa công - tư. Bởi vậy, cần phải ban hành ngay những quy định mới để hạn chế những hành vi lạm dụng chủ trương xã hội hóa. Thiết bị y tế lạc hậu cho ra kết quả sai dẫn đến việc chuẩn đoán, khám chữa bệnh cũng sẽ có nhiều sai sót, nhưng điều đáng lo ngại hơn nữa là người dân sẽ ngày càng mất niềm tin vào ngành y tế. |
Xuân Minh -Vân Hà