Rình rập từ chó thả rông
Tuy sống tại chung cư nhưng nhiều cư dân ở khu vực Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) vẫn nuôi các loại chó cưng trong căn hộ, bỏ qua quy định của tòa nhà. Thậm chí nhiều người thường xuyên dắt chó xuống sân chơi, cho chó đi cùng thang máy…
Chị N.T.H, một người dân sống ở khu vực này cho biết: “Rất nhiều cư dân ở đây nuôi các loại chó cảnh trong nhà, nhất là buổi chiều nhiều người thường dắt chó xuống đi dạo tại sân chung cư, chơi cùng với đám trẻ con dưới sân. Tuy những loại chó này nhỏ nhưng không loại trừ trường hợp chúng có thể cắn bọn trẻ con. Gần đây còn có thông tin chó cảnh cắn chết người khiến chúng tôi rất sợ. Kể cả việc đi thang máy với chó tôi cũng cảm thấy không yên tâm, chưa kể không biết những con chó ấy khỏe hay đã ủ bệnh, đã được tiêm phòng dại chưa…”
Còn tại phường Phúc Thịnh (quận Đống Đa Hà Nội) nhiều dân cũng cho biết việc thả rông chó vẫn rất phổ biến tại đây. “Khu vực này nhiều nhà nuôi giống chó to nhưng thường xuyên thả tự do ngoài đường, không rọ mõm, chỉ đi qua cũng đã thấy sợ. Nhất là khu chợ về buổi chiều, khi chợ tan, các chú chó ở thường tới đây, chạy lang thang, bới móc rác, tìm đồ ăn. Nhiều con chó không được chăm sóc tốt đến mức bị ghẻ thì không biết chủ của chúng có tiêm phòng dại đầy đủ cho chó không, lỡ ai mà bị cắn thì rất nguy hiểm”, chị L.Đ.H, một người dân sống ở đây cho biết.
Theo Ths.BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, với những trường hợp bị chó cắn mắc bệnh dại đã lên cơn dại thì 100% bệnh nhân tử vong, hiện y học cũng không thể cứu chữa. Các đối tượng mắc bệnh dại thường do bị chó lạ cắn, chó nhà nuôi bị ốm cắn... Những loại này đều có nguy cơ cao mắc bệnh dại nên sẽ truyền trực tiếp virus dại sang người. Nếu không kịp thời tiêm phòng, khi căn bệnh phát tác, người bệnh sẽ không còn cơ hội sống sót.
Các chuyên gia cảnh báo, ngay cả chó nuôi trong nhà, ngoài việc tiêm phòng còn phải thường xuyên theo dõi, nếu có hiện tượng bất thường như chạy cắn người hoặc cắn động vật khác… thì phải nhốt ngay lại, không để tiếp xúc gần người hoặc những con chó khác để tránh lây lan bệnh dại.
Với mắt thường không thể phân biệt được con chó cắn người có mang vi rút dại hay không, do đó cần phải theo dõi con vật. Nếu bị cắn mà không biết chắc con chó có bị dại không thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để được tư vấn. Thời kỳ ủ bệnh dại trung bình từ 30- 90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn, thời kỳ phát bệnh thường từ 2-4 ngày. Bệnh dại vốn rất dễ lây nếu không biết cách phòng tránh.
Thậm chí việc ăn thịt chó cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh này. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cũng cảnh báo: Nguy cơ mắc bệnh dại từ thịt chó là có bởi thông thường, vi rút dại sẽ chết nếu được nấu chín hoàn toàn; nhưng trong quá trình làm thịt chó, nước dãi của chó chứa các vi rút dại, dễ rơi rớt sang các chỗ khác như quần áo của người giết, rơi vào dao thớt, qua ruồi rồi rơi vãi vào thức ăn gây hiện tượng nhiễm chéo. Nếu ăn phải thịt có chứa nguồn lây thì khả năng mắc bệnh dại là rất lớn. Đặc biệt, tiết canh chó còn nguy hại hơn thịt chó rất nhiều vì đó là thực phẩm sống.
Tăng cường quản lý
Với những nguy cơ đó, người dân cần hết sức thận trọng khi tiếp xúc với chó lạ, không thả rông chó ngoài đường để tránh nguy cơ chó cắn người gây bệnh. BS. Nguyễn Trung Cấp cũng khuyến cáo, nếu bị chó có nguy cơ mắc bệnh dại cắn, người bệnh cần đi tiêm phòng vắc xin phòng dại ngay, tiêm đủ mũi thì tỉ lệ bảo vệ phòng bệnh gần như đạt 100%.Đặc biệt, trong trường hợp bị chó cắn, người bị cắn cần ngay lập tức rửa kỹ vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến ngay các cơ sở y tế để tiêm phòng bệnh dại.
Từ văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, Chi cục Thú y Hà Nội đang xây dựng lộ trình dự kiến vào 2021 sẽ cấm bán thịt chó ở các quận nội thành Hà Nội. Với khu vực ngoại thành, Chi cục Thú y và các huyệng đẩy mạnh tuyên truyền do những nơi này nuôi chó thả rông nhiều, khó quản lý và còn liên quan đến thói quen, tập quán của người dân trong việc sử dụng thịt chó làm thực phẩm.
Chi cục trưởng Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Theo quy định của Luật Thú y, chó không thuộc đối tượng động vật được kiểm soát giết mổ, không có quy định cụ thể về kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm. Do đó, lâu nay các cơ sở giết mổ và kinh doanh thịt chó không được kiểm tra vệ sinh thú y, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm...
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng đàn chó, mèo khoảng hơn 490.000 con; hơn 1.000 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm, giết mổ... Để giải quyết triệt để tình trạng này, rất cần những giải pháp cụ thể như: Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại; tập trung thống kê, rà soát, cập nhật thông tin và lập sổ quản lý về chó nuôi trên địa bàn; tổ chức ký cam kết thực hiện việc khai báo nuôi chó, mèo và chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt với bệnh dại; khuyến khích việc đeo thẻ (vòng cổ có thẻ nhựa hoặc kim loại); nhận diện chó, mèo đã được tiêm phòng dại; tổ chức bắt giữ chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại ở nơi công cộng; xây dựng lộ trình hạn chế hoạt động giết mổ chó, mèo làm thực phẩm...
UBND TP giao UBND các quận, hụyện, thị xã thống kê, rà soát, cập nhật thông tin và lập sổ quản lý về chó nuôi trên địa bàn, tổ chức ký cam kết thực hiện việc khai báo nuôi chó, mèo và chấp hành đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với bệnh dại; Tiêm phòng triệt để cho đàn chó, mèo trong diện phải tiêm và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng theo quy định.
UBND thành phố Hà Nội giao Sở Y tế tăng cường truyền thông về bệnh dại; giám sát bệnh dại trên người và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ có ca bệnh dại trên động vật, nhằm đảm; bảo an toàn sức khỏe cho người bị động vật cắn.