Lo quá tải đăng ký phù hiệu cho xe tải

Từ 1/7/2016, xe tải có tải trọng từ 7 tấn đến dưới 10 tấn sẽ phải đăng ký phù hiệu riêng mới đủ điều kiện hoạt động. Nhưng đến nay, nhiều chủ phương tiện vẫn chưa đăng ký, gây ra lo ngại sẽ xảy ra tình trạng quá tải đăng ký vào gần thời điểm triển khai quy định này.

Nước đến chân vẫn chưa nhảy

Theo Điều 11 và Điều 20 Nghị định 86/CP/2014, trước ngày 1/7/2016, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có tải trọng từ 7 tấn đến - dưới 10 tấn phải gắn thiết bị giám sát hành trình đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt và hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông và phải được gắn phù hiệu “Xe tải” theo quy định. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, hầu hết chủ xe tải chưa đi đăng ký phù hiệu tại các cơ sở quản lý vận tải, mặc dù ngành Giao thông vận tải các địa phương đã phổ biến ngay từ đầu năm và quy trình cấp phù hiệu rất nhanh chóng.

Phù hiệu xe tải do Sở GTVT các địa phương cấp. Ảnh: Sở GTVT Hà Nội


Sở GTVT Hà Nội vừa cho biết, hiện còn số lượng lớn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe tải loại này trên địa bàn chưa thực hiện đăng ký cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và phù hiệu “Xe tải” theo quy định. Không ít chủ xe tải “thờ ơ” với quy định này, có tâm lý đợi “nước đến chân mới nhảy.

Anh Vũ Văn Hiệp, chủ một xe tải chuyên chở gạch, cát, sỏi, sắt thép trên đường Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Tôi vẫn chưa biết có quy định xe tải từ 7 đến dưới 10 tấn phải xin giấy phép kinh doanh và gắn phù hiệu. Lâu nay, vẫn chở hàng bình thường, không thấy công an nhắc nhở về vấn đề này”.

Còn anh Nguyễn Đức Bá, chủ xe kiêm lái xe tải 8 tấn chuyên chở thức ăn chăn nuôi cho một nhà máy ở huyện Thường Tín đi các tỉnh lân cận mặc dù đã biết quy định này nhưng vẫn còn chưa muốn thực hiện ngay vì “còn gần hai tháng nữa mới đến thời hạn nên từ từ hẵng tính”.

Tâm lý chưa rõ quy định và chậm đi đăng ký của các chủ phương tiện như ở trên có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải đăng ký trước thời điểm thực hiện quy định. Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải - GTVT Hà Nội) lo ngại: Số lượng phương tiện trong diện phải gắn phù hiệu khá lớn, hàng nghìn xe. Nều dồn vào cùng thời điểm để đăng ký, Sở sẽ gặp khó khăn trong thực hiện các quy trình đăng ký.

Trước đây, tình trạng quá tải đăng ký phù hiệu cũng đã xảy ra đối với xe tải có trọng tải trên 10 tấn. Thời điểm cuối năm 2015 rất ít xe đến xin cấp phù hiệu, nhưng sát ngày 1/1/2016 là thời điểm xử phạt thì các chủ xe mới ồ ạt đi đăng ký phù hiệu, dẫn đến quá tải.

Phạt từ 3 - 5 triệu đồng

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Tổng cục đã đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo Sở GTVT tuyên truyền bằng nhiều hình thức về lộ trình cấp giấy phép kinh doanh vận tải, thiết bị giám sát hành trình, phù hiệu trước ngày 1/7 đối với xe tải từ 7 - dưới 10 tấn theo quy định tại Nghị định 86/CP; đồng thời yêu cầu các Sở GTVT tổng hợp số lượng xe phải lắp phù hiệu, tuyên truyền thực hiện ngay tại các trung tâm đăng kiểm về việc gắn phù hiệu khi các xe này vào đăng kiểm.

Được biết, thủ tục cấp phù hiệu xe tải rất đơn giản. Chủ xe chỉ phải xuất trình giấy phép kinh doanh vận tải, có thiết bị giám sát hành trình là đủ điều kiện. Tất cả các thủ tục chỉ cần khoảng 2 tiếng, với mức phí theo quy định xin giấy phép kinh doanh và gắn phù hiệu là 202.000 đồng. Xe tải gắn phù hiệu sẽ tạo điều kiện cho lực lượng chức năng dễ kiểm soát, quản lý, chủ xe và doanh nghiệp vận tải lưu thông dễ dàng hơn nếu không vi phạm. Lực lượng chức năng chỉ cần nhìn phù hiệu là biết chiếc xe đó đã đăng ký kinh doanh hay chưa, chủ phương tiện là ai...


Theo Nghị định 171/CP và 107/CP, các trường hợp cố tình không đến đăng ký gắn phù hiệu từ ngày 1/7 tới sẽ bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng. Đối với xe vi phạm lần đầu sẽ bị nhắc nhở, lần hai có thể thu hồi phù hiệu 1 tháng, 3 tháng. Doanh nghiệp 3 tháng liên tục có trên 20% số lượng xe vi phạm có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, các trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải và người điều khiển xe ô tô tải không thực hiện các quy định về giấy phép đăng ký và gắn phù hiệu bị lực lượng chức năng phát hiện đều phải xử lý nghiêm.

Lộ trình gắn phù hiệu theo quy định như sau: Từ ngày 1/1/2016, các xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên; từ ngày 1/7/2016, đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải từ 7 tấn đến dưới 10 tấn; từ ngày 1/1/2017 đối với các xe ô tô có trọng tải từ 3,5 tấn đến dưới 7 tấn và từ ngày 1/7/2018 đối với xe dưới 3,5 tấn.



Đăng Sơn
Tăng cường kiểm tra đột xuất xe quá tải vào ban đêm
Tăng cường kiểm tra đột xuất xe quá tải vào ban đêm

Ngày 9/4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Lực lượng liên ngành tại các trạm cân kiểm soát tải trọng xe đã kiểm tra, xử lý hơn 5.300 xe vi phạm về tải trọng trong tháng 4/2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN