Các tỉnh ĐBSCL khẩn trương gia cố lại đê mương sẵn sàng đối phó với mùa mưa lũ đang về. |
Ông Khương Lê Bình, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, cho biết mực nước tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng dần. Đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực đầu nguồn xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, ở mức cao hơn năm 2017, xấp xỉ trung bình nhiều năm và dao động ở mức báo động II. Đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực nội đồng Đồng Tháp Mười cũng sẽ xuất hiện vào giữa tháng 10 và ở mức báo động cấp II do ảnh hưởng kết hợp của triều cường biển Đông và lượng nước từ thượng nguồn đổ về.
Còn tại tỉnh Long An, những ngày gần đây, nước lũ đã bắt đầu đổ về các huyện đầu nguồn Tân Hưng, Vĩnh Hưng với cường suất trung bình từ 5-10 cm/ngày đêm. Theo dự báo của ngành khí tượng thuỷ văn, đến ngày 10/8, mực nước lũ tại huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng có thể đạt mức 2,50m; tại Mộc Hoá đạt mức 1,50m, cao hơn 0,30 - 0,50m so cùng kỳ 2017. Đến ngày 15/8, mực nước lũ tại Tân Hưng, Vĩnh Hưng có thể trên mức 2,80m và tại Mộc Hoá trên mức 1,50m, cao hơn 0,40 - 0,60m so cùng kỳ 2017.
Tính toán của ngành nông nghiệp, tổng diện tích lúa hè thu các huyện vùng Đồng Tháp Mười vào khoảng 152.450 ha, dự kiến đến cuối tháng 8 là thu hoạch dứt điểm. Đây là khu vực sẽ bị nhiều thiệt hại nhất nếu như nước lũ lên nhanh và sớm. Nếu trong trường hợp xấu nhất, diện tích hè thu có khả năng bị ảnh hưởng sẽ lên đến khoảng 12.529 ha.
Riêng tại tỉnh An Giang, ngành nông nghiệp đã xác định nhiệm vụ chính trong mùa mưa lũ năm nay là bảo vệ 18.000 ha lúa hè thu ở vùng sản xuất 2 vụ chưa thu hoạch và khoảng 16.000 ha màu trồng ngoài vùng đê bao ở các huyện Châu Phú, Phú Tân, An Phú… khả năng sẽ bị ảnh hưởng mưa lũ. Tập quán của người dân vốn quen ứng phó với lũ lên từ từ, nước tới đâu đắp đê bao đến đó, nhưng trước tình hình nhiều bất ổn như năm nay, nếu nước lên quá nhanh, người dân sẽ không kịp trở tay, tình hình thiệt hại là điều khó tránh khỏi.
"Hiện chúng tôi thường xuyên cập nhật tình hình giúp các địa phương theo dõi, nắm chắc dự báo, đẩy nhanh tiến độ những công trình bảo vệ. Tại những huyện xung yếu vốn là điểm nóng khi lũ về, các ngành chức năng tập trung đầy đủ phương tiện, nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ” để không bị động khi có tình huống xấu xảy ra. Các cấp, ngành, địa phương kiên quyết trong quản lý sản xuất, không để người dân xuống giống ở những vùng không an toàn. Quan trọng nhất là phải huy động được sức dân cùng thực hiện nhiệm vụ, gia tăng sức chống chịu của người dân trước thiên tai, bảo lũ", ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết.
Để chủ động đối phó với tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục huỷ lợi, các địa phương khu vực ĐBSCL, đặc biệt là Long An, Đồng Tháp... cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo của các cơ quan về tình hình lũ để chủ động có giải pháp bảo vệ lúa. Cơ quan chuyên môn cần khuyến cáo người dân tuyệt đối không xuống giống vùng ngoài đê bao, vùng có hệ thống thủy lợi và đê bao không hoàn chỉnh; tăng cường kiểm ra, rà soát đê bao, bờ bao để có kế hoạch tu sửa, nâng cấp kịp thời. Đối với những tuyến đê bao không bảo đảm, cần chủ động kinh phí gia cố, có giải pháp ứng phó trước tình hình lũ có khả năng cao hơn nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng người dân.