Gần đây, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện rất nhiều những cửa hàng chuyên bán các loại hoa quả nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand, Australia... Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng nghi ngại sản phẩm không phải là hàng “xịn” mà chỉ là hàng Trung Quốc.Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi chọn mua hoa quả nhập khẩu. Ảnh minh họa.
|
Gần đây, khi có thông tin các loại hoa quả có xuất xứ từ Trung Quốc bị nhiễm các chất cấm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng trong khi một số loại hoa quả trồng trong nước lại bị phun thuốc trừ sâu hoặc sử dụng một số chất cấm để bảo quản, nhiều người tiêu dùng, nhất là những gia đình có điều kiện, tìm đến những cửa hàng hoa quả nhập khẩu.
Qua tham khảo trên thị trường, các loại hoa quả nhập khẩu có nguồn gốc chủ yếu từ Australia, New Zealand, Mỹ, Nam Phi, Chile... và điều đáng nói là giá không đắt. Hiện tại, một cân nho không hạt của Australia giá khoảng 180.000 – 200.000đ/kg, táo Envy của Mỹ 190.000– 210.000đ/kg (tùy thuộc kích cỡ to, nhỏ), mận đường Australia 200.000đ/, kiwi xanh New Zealand khoảng 100.000đ/kg...
Theo chị Thu Anh – chủ một cửa hàng hoa quả nhập khẩu trên phố Láng Hạ - so với cách đây khoảng 4 năm, khi mới bắt đầu thời điểm “rộ” hoa quả nhập khẩu thì giá các sản phẩm này đã giảm rất nhiều, bởi hiện tại có nhiều nhà phân phối nhập hàng với số lượng lớn, khiến giá thành hạ thấp, phù hợp hơn với túi tiền người tiêu dùng.
Không chỉ xuất hiện tại các cửa hàng, siêu thị mà hiện nay, các loại hoa quả nhập khẩu còn có mặt tại các chợ cóc, thậm chí đến cả người bán hoa quả rong cũng kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, chính việc xuất hiện một cách ồ ạt, bất thường với giá rẻ khiến người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng của các loại hoa quả nhập khẩu hiện nay.
Chị Trần Thu Hiền (phố Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: Nếu như trước, hoa quả nhập khẩu là mặt hàng xa xỉ, thì nay chỉ cần chạy ra chợ là cũng đã mua được mặt hàng này. Nhưng nếu so sánh về giá thì có sự chênh lệch rất lớn như một cân nho Mỹ tại cửa hàng chuyên hoa quả nhập khẩu bán 200.000đ/kg, trong khi đó ngoài chợ được bán với giá 130.000 – 140.000đ/kg, thậm chí hôm nào hàng “xấu” thì họ chỉ bán có 100.000đ/kg. Chính vì vậy nên người tiêu dùng chẳng biết chất lượng thế nào.
Hoa quả Trung Quốc “đội lốt” Âu, Mỹ…Theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ đầu mối về hoa quả như chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân... luôn có số lượng rất lớn các loại hoa quả nhập, chủ yếu là từ Trung Quốc. Không ít những cửa hàng, người bán hàng tại các chợ đến đây mua hoa quả có nguồn gốc Trung Quốc rồi sau đó về đóng gói, bán với giá hàng nhập khẩu từ Australia, New Zealand, Mỹ...
Theo chủ một đại lý hoa quả ở chợ Long Biên, trừ một số loại hoa quả đặc trưng mà chỉ có hàng nhập khẩu mới có như quả kiwi của New Zealand, lê thiên đường của Australia... thì còn lại, các loại hoa quả như nho, táo, mận... hầu hết có xuất xứ từ Trung Quôc là khá nhiều. Chính vì vậy, nhiều cửa hàng, người bán hàng rong thường mua loại này về bán giá hàng “xịn” để đem về bán kiếm lời.
Theo quy định, việc quản lý nguồn gốc các loại hoa quả nhập khẩu là trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để tự bảo vệ mình, trước khi mua hàng thì người tiêu dùng nên tỉnh táo chọn lựa những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được mua ở những cửa hàng, đại lý uy tín, đặc biệt hạn chế mua của hàng rong trên đường.
Hoa quả nhập khẩu bán tràn lan trên mạng. Không chỉ xuất hiện tại các chợ, hàng rong, mặt hàng hoa quả nhập khẩu còn được rao bán, quảng cáo tại các trang web mua bán trên mạng Internet.
Do vậy, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm rất khó. Nhiều khi sản phẩm cứ được quảng cáo rầm rộ, bán giá thật rẻ để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng còn chất lượng sản phẩm thì lại bị bỏ ngỏ.
Trong khi đó cơ quan chức năng dường như lại bỏ ngỏ kênh mua bán trên mạng khiến cho thị trường hoa quả nhập khẩu “online” cũng bát nháo không kém trên thị trường.
Thu 350kg nho khô Trung Quốc nhập lậu. Ngày 18.9, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra kho H9 (khu vực Cảng Hà Nội, phường Bạch Ðằng, quận Hai Bà Trưng) của công ty TNHH Mân Tiền, đã phát hiện và thu giữ 10 thùng các-tông nho khô Trung Quốc có khối lượng 350kg không rõ nguồn gốc.
Tại thời điểm kiểm tra, bà Ðồng Thị Xinh (Giám đốc công ty TNHH Mân Tiền) đã không xuất trình được chứng từ và giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm cũng như xuất xứ của lô hàng trên. Số nho khô trên đã được thu giữ để xử lý theo quy định của pháp luật. |
P.L (laodong.com.vn)