Loay hoay thoát nghèo ở Nậm Củm

Bản Nậm Củm, xã Bum Nưa thuộc huyện Mường Tè (Lai Châu) là bản hoàn toàn của người Mảng cư trú. Mặc dù chính quyền địa phương đã quan tâm để nâng cao mức sống của người dân, nhưng tất cả các “nóc nhà” ở đây nghèo vẫn hoàn nghèo.

Trông chờ hỗ trợ

Nằm bên con suối Nậm Sì Lường, được bồi đắp phù sa màu mỡ có điều kiện tốt để phát triển nông nghiệp và chăn nuôi, nhưng bản Nậm Củm vẫn không thể thoát nghèo. Ông Lò Y Van làm trưởng bản được 30 năm rồi, nói đến đói nghèo chỉ lắc đầu, vì đời ông cha lo làm ăn nên đỡ phần khó khăn, vất vả. Con cháu hiện nay thích ăn chơi, đắm chìm trong khói “thuốc đen”, lười lao động, vì vậy tất cả các hộ đều nghèo. So với năm 1990, đổ về trước thì bản Nậm Củm bị thụt lùi. Y Van đau lòng lắm, nói nhiều nhưng dân bản không nghe, chỉ trông chờ ỉ lại Nhà nước hỗ trợ, không chịu lao động thì lấy đâu cái ăn. Suốt ngày, dân bản chỉ lo uống rượu, kiếm được đồng tiền nào là đi mua rượu uống. Đám cưới, tổ chức đến 4 ngày, uống hết can rượu này đến can rượu khác, có lúc rượu vào lời ra, gây gổ đánh nhau trong đám cưới.

Ông Lò Y Van chăm chỉ làm ăn nên nhà có 3 con trâu, có xe máy và ti vi, là tấm gương cho cả bản noi theo.


Ngồi ở nhà trưởng bản nhìn ra cánh đồng trước mặt, lúa đang thì trổ đòng xanh tốt, gió hây hây mát rượi, ông Y Van xua tay: cả bản có 4 ha ruộng làm hai vụ, nhưng chỉ có 15 hộ trên tổng số 26 hộ là có ruộng, còn lại chỉ làm nương ngô, năng suất lúa khoảng 4 tạ/ha, nhà nào có ruộng thì đủ ăn, không thì đói cả. Tôi hỏi có phải chính quyền chia ruộng không đều? trưởng bản phủ nhận ngay “do những gia đình lười làm ăn, hút thuốc phiện nên bán hết ruộng cho các hộ khác”. Ông đếm trên đầu ngón tay, chỉ rõ những hộ có người nghiện thuốc phiện và nói: “Chính cái anh này làm khổ cả bản mình đấy”.

Theo thống kê của UBND huyện Mường Tè, bản Nậm Củm có 19/26 hộ có người nghiện thuốc phiện. Cả bản có 33 người nghiện, trong đó nam 17 người, nữ 16 người, 1 người đưa vào cơ sở giáo dục, 4 đối tượng mới bị truy tố về tội mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy hiện đang bị giam giữ. Tệ nạn ma túy ở bản Nậm Củm diễn ra rất phức tạp, chính quyền dùng mọi biện pháp để ngăn chặn tệ nạn này, số người nghiện ma tuý đã giảm nhưng số người tái nghiện sau cai là rất cao. Một thực tế hiện nay là trong số các đối tượng nghiện ma túy thường lười lao động, không chịu làm ăn, chỉ lo trộm cắp tài sản của người dân trong bản từ con gà, con lợn... Chính những điều này càng làm cho tình hình an ninh trật tự tại bản thêm phức tạp, người dân không dám chăn nuôi sản suất, sợ sẽ bị mất cắp, đây là nguyên nhân dẫn tới đói nghèo.

Trong túp lều dựng chênh vênh bên đầu dốc xuống bản, mẹ ngồi bên bếp lửa hút thuốc lào, đứa con lớn nghiêng thùng vét những hạt gạo cuối cùng để nấu cơm chiều. Nhà không có gì giá trị, trên phên liếp gián tấm giấy chứng nhận “Cháu Lò Thị Chang, đạt giải khuyến khích Hội thi bé khỏe bé ngoan năm học 2014 - 2015”. Tôi hỏi chồng đi đâu? Chị Lò Thị Chang xả hơi thuốc lào nói “chồng đi ăn cơm Nhà nước rồi”. Hỏi ra mới biết, chồng là Pàn A Vân đang đi cai nghiện, nhà không có ruộng phải làm thuê cho bố mẹ chồng, một năm được công 3 bao thóc. Chồng đi cai nghiện hai năm rồi, mẹ con ở nhà chịu khó đi rừng lấy cây chuối và củi khô về bán, ngày nhiều cũng được 100.000 đồng. Trưởng bản Y Van quay sang nói nhỏ “làm ra đồng nào lại mua thuốc phiện hút, mua rượu uống, bỏ mặc bốn đứa con sống nheo nhóc, leo lắt từng ngày”.

Bài toán thoát nghèo

Chuyện thoát nghèo ở bản Nậm Củm cứ loay hoay năm này đến năm khác, mặc dù người dân đã được hưởng hỗ trợ đầy đủ từ các chương trình, dự án của Nhà nước. Nậm Củm cách trung tâm xã Bum Nưa 7 km, cách trung tâm huyện khoảng hơn 10 km, giao thông đi lại thuận lợi, đường nhựa đi đến tận bản, điểm trường học xây dựng kiên cố, hệ thống nước sinh hoạt cơ bản được đầu tư đồng bộ…

Bản Nậm Củm hiện tại chưa có điện thắp sáng, cả bản chỉ có 3 ngôi nhà thưng bằng ván, còn các nhà khác làm sàn và bốn bên là tre nứa tạm bợ.



Toàn bản được chi trả tiền chăm sóc và bảo vệ rừng là 73,6 triệu đồng/năm, dịch vụ bảo vệ môi trường rừng là 100 triệu/năm, tiền dầu thắp sáng là 3,51 triệu đồng/năm. Người dân được hỗ trợ gạo 3 tháng cứu đói giáp hạt, mỗi khẩu 15 kg/tháng, hỗ trợ giống lúa, giống ngô để phát triển sản suất. Đặc biệt trong năm 2014, theo chương trình xóa nhà tạm, cả bản có 10 hộ được hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ để làm nhà, kế hoạch trong năm 2015 sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ tiền để xóa nhà tạm cho 13 hộ và căn bản sẽ xóa nhà tạm của bản Nậm Củm. Các em học sinh dù đi học xa ở trung tâm xã hay học cạnh nhà cũng được hưởng chế độ ăn bán trú, hỗ trợ bút vở và quần áo.

Theo lời Chủ tịch UBND huyện Mường Tè ông Mai Văn Thạch, thời gian tới huyện sẽ quyết liệt chỉ đạo thành lập Tổ công tác cắm chốt tại bản Nậm Củm để tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất. Huyện Mường Tè sẽ tiếp tục chỉ đạo phòng ban chuyên môn mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng dạy nghề cho nhân dân về chăn nuôi và trồng trọt, triển khai các mô hình khuyến nông, khuyến lâm tại bản. UBND xã Bum Nưa vận động các hộ dân trong xã có mô hình kinh doanh sản xuất phát triển kinh tế giỏi hướng dẫn giúp nhân dân bản Nậm Củm tăng gia sản xuất, theo hình thức mỗi hộ kèm giúp một hộ. Ông Thạch khẳng định: “Tổ công tác trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm tệ nạn ma túy và làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tăng gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội xóa đói giảm nghèo”.

Tôi hỏi trưởng bản bà con mình được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ giúp phát triển kinh tế - xã hội mà sao vẫn nghèo? Ông Y Van trả lời: “Tại dân mình lười làm ăn, có tiền là mua rượu uống và thuốc phiện hút thì giàu sao được. Cả bản có 19 hộ vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, nhưng đa phần dùng tiền đó để mua ti vi, xe máy và uống rượu, các hộ khác không giám vay vì sợ không trả được. Dù được Nhà nước nuôi ăn học, nhưng các cháu học sinh không chịu đi học, học hết lớp 9 là đua nhau bỏ học, đứa lấy vợ lấy chồng, đứa thì lêu lổng đua đòi ăn chơi”. Bản Nậm Củm hiện nay không có cháu nào học lên cấp ba, chưa có ai làm cán bộ xã, chỉ mỗi con trai của ông Y Van học hết lớp 12 đi nghĩa vụ quân sự và được cử đi học sĩ quan dự bị sắp ra trường.

Trời sẩm tối, khói bếp tỏa ra từ các nóc nhà, màn sương buông thả hiu hắt. Những đứa trẻ trần truồng nô đùa hai bên đường, nhìn xe máy chúng tôi rời bản, chúng dõi theo, xa dần từng đoạn cua khúc khuỷu…

Bài và ảnh: Việt Hoàng
Thoát nghèo nhờ dám nghĩ, dám làm
Thoát nghèo nhờ dám nghĩ, dám làm

Ông Dương Chống Lỷ, dân tộc Dao, ở thôn Hin Đăm, xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn là một tấm gương sáng thoát nghèo nhờ dám nghĩ, dám làm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN