950 tỷ đồng làm hồ chống ngập
Năm 2015, TP Hồ Chí Minh quyết định đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hồ điều tiết chống ngập như một giải pháp căn cơ giúp người dân giảm nỗi lo mỗi khi mùa mưa đến. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, giai đoạn 2016 - 2020, bên cạnh triển khai nạo vét kênh rạch, xây dựng nhà máy nước thải... thành phố sẽ chi khoảng 950 tỷ đồng xây 3 hồ điều tiết chống ngập nhằm giải quyết tình trạng ngập ở khu trung tâm. Có quy mô lớn nhất là hồ Gò Dưa (quận Thủ Đức) với diện tích 95 ha, vốn đầu tư 600 tỷ đồng; hồ Khánh Hội (quận 4) rộng 4,8 ha 300 tỷ đồng và hồ Bàu Cát (quận Tân Bình) rộng 0,4 ha với kinh phí 50 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố cũng có kế hoạch mở rộng, gia cố một số hồ cảnh quan trong công viên thành hồ điều tiết nước.
Nước ngập đang đe dọa trực tiếp đến cuộc sống thường nhật của người dân TP Hồ Chí Minh. |
“Hồ điều tiết chống ngập tại Công viên Bàu Cát, quận Tân Bình sẽ là dự án thí điểm hồ điều tiết ngầm đầu tiên và nếu thành công sẽ nhân rộng. Những phương án thi công hồ điều tiết được Trung tâm chống ngập nước thành phố đưa ra tại đây bao gồm: Xây dựng hồ ngầm bằng bêtông cốt thép hoặc vật liệu nhựa rỗng dạng nông hoặc sâu… và có khả năng trữ 10.000 m3 nước mưa. Tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Hồ điều tiết có chức năng giúp giảm ngập khi mưa vượt tần suất thiết kế cống hiện hữu. Ngoài khu vực Bàu Cát, khu vực Gò Dưa (Thủ Đức) và Khánh Hội (quận 4) cũng được chọn thí điểm triển khai xây dựng các hồ điều tiết chống ngập”, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập TP Hồ Chí Minh cho hay.
Tuy nhiên, ông Hoàng Anh Dũng cũng cho biết, để xây hồ chống ngập, khó khăn lớn nhất là vấn đề bố trí quỹ đất để triển khai. Ngoài ra, hiện trung tâm vẫn chưa chọn được vị trí thấp để nước mưa từ mặt đường, cống đổ về hồ, thống nhất các quy chuẩn kỹ thuật về xây hồ điều tiết đô thị…
Nhằm đẩy nhanh tiến độ, UBND TP Hồ Chí Minh vừa đồng ý với đề xuất của Sở Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu lập đề xuất dự án xây dựng hồ điều tiết Gò Dưa (quận Thủ Đức) theo hình thức đối tác công tư (PPP) và làm theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), thanh toán 100% bằng quỹ đất. Nếu dự án không khả thi, không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc quá thời hạn 6 tháng mà chưa hoàn thành đề xuất dự án thì xem như công ty này không tiếp tục tham gia đầu tư và chịu mọi khoản chi phí đã thực hiện.
Băn khoăn tính khả thi
Có mặt tại vực đường Đồng Đen - Bàu Cát, quận Tân Bình, nơi mà theo kế hoạch sẽ khởi công hồ điều tiết chống ngập vào quí II/2016, nhiều người dân tại đây phản ánh, hiện vẫn chưa nghe thấy “động tĩnh” gì từ các ngành chức năng. Do đây là khu vực dân cư nên công tác giải phóng mặt bằng đang hết sức nan giải. “Tôi thấy không cần thiết phải xây dựng hồ điều tiết chống ngập tại khu vực này vì hiện dự án cải tạo kênh Tân Hóa Lò Gốm đã hoàn thành, thoát nước hiệu quả. Thực tế những cơn mưa lớn vừa qua, khu vực Bàu Cát chỉ bị ngập khi đang mưa và nước rút rất nhanh khi mưa kết thúc. Trong khi đó kinh phí xây dựng công trình thì quá lớn và nếu không quản lý kỹ rất dễ xảy ra lãng phí”, bác Hà Quang Long ở đường Đồng Đen cho hay.
Về tình trạng ngập lụt ở khu vực này, lãnh đạo UBND quận Tân Bình cũng cho rằng, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng nâng cấp mặt đường, cải tạo hệ thống thoát nước trên nhiều tuyến đường đã cải thiện đáng kể tình trạng ngập, không phát sinh điểm ngập mới. Một số dự án chống ngập khác cũng đang được triển khai trên địa bàn, vì vậy, việc đầu tư xây dựng hồ điều tiết Bàu Cát dung tích 10.000 m³ tại khu dân cư hiện hữu, hoàn toàn không phù hợp và lãng phí. Thành phố nên ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí này để đầu tư các công trình chống ngập cấp bách cho những địa phương thường xuyên bị ngập.
Theo các nhà khoa học, với giá đất đắt đỏ như hiện nay thành phố rất khó có đủ kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các hồ điều tiết chống ngập. Trong khi đó, bản thân các hồ chứa nước sẵn có, rất khó có khả năng giữ nước cho một cơn mưa, lũ hay triều cường với khối lượng hàng trăm triệu m3 nước. Phương án triển khai xây dựng hồ điều tiết chống ngập như hiện nay, ngành chức năng vẫn đang loay hoay với những giải pháp tình thế mà bỏ qua các vấn đề căn cơ về thoát nước đô thị.
Là một nhà khoa học có nhiều năm theo dõi các dự án chống ngập của TP Hồ Chí Minh, TS Phạm Sanh cho rằng, các ngành chức năng cần xác định nguyên nhân tình trạng ngập lụt từ đó xây dựng phương án phòng chống hiệu quả. Hiện hệ thống cống rãnh thoát nước xây dựng thời gian lâu đã quá cũ, xuống cấp mà chưa được duy tu, sửa chữa kịp thời. Trong khi đó, khi tiến hành xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp lại không quan tâm đến vấn đề hệ thống thoát nước mà còn cố tình san lấp mặt bằng, lấn chiếm hết các khu vực chứa nước tự nhiên, như các hồ, đầm, vùng trũng…
“Cần nhanh chóng chấm dứt việc lấp hoặc lấn rạch làm dự án vì gây khó khăn, cản trở dòng thoát nước mưa tự nhiên của thành phố. Hiện tình trạng này vẫn đang công khai hoặc lén lút diễn ra và việc làm hồ điều tiết chống ngập có thể tạo ra tiền lệ xấu do không thể giúp tiêu thoát nước tốt hơn. Chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm thì không nên vội vã triển khai làm. Hiện khu vực trung tâm không còn nhiều đất để làm mà nếu làm hồ điều tiết ở ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn... lại khó phát huy hiệu quả chống ngập cho nội thành”, TS Phạm Sanh đề xuất.