Lợi dụng đi học để ở lại nước ngoài trái pháp luật bị phạt tới 60 triệu đồng

Nghị định số 88/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng việc đi học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật để thực hiện mục đích đi lao động hoặc ở lại nước ngoài trái pháp luật mà không bị đe dọa, ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào và không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chú thích ảnh
Lao động chuẩn bị đi làm tại nước ngoài nghe phổ biến các chính sách nhập cảnh, chế độ làm việc. Ảnh minh họa: Xuân Minh/Báo Tin tức

Đối với các vi phạm quy định về ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật các trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp, Nghị định số 88/2022/NĐ-CP cũng nêu rõ phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi khai man, sửa chữa giấy tờ trong hồ sơ để được ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định cũng nêu: Phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng đối với hành vi tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian được cử đi đào tạo ở nước ngoài hoặc không được cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, các vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học các trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp cũng bị phạt nặng. Cụ thể, Nghị định quy định phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Tư vấn không trung thực, không chính xác về các điều kiện liên quan đến tình trạng kiểm định chất lượng của chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục nước ngoài; học phí, sinh hoạt phí dự kiến và các loại phí liên quan; điều kiện sinh sống, chính sách làm thêm giờ theo quy định của nước tiếp nhận du học sinh; những khó khăn, rủi ro và bất trắc có thể gặp phải trong quá trình du học; không thực hiện niêm yết công khai thông tin tại trụ sở và tại trang thông tin điện tử của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học về các nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học theo quy định; không thực hiện chế độ báo cáo việc tuyển sinh và đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập; không báo cáo hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học theo quy định; không thực hiện lưu trữ hồ sơ gửi công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập theo quy định; sử dụng nhân viên tư vấn du học không có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định.

Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm khác sẽ bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng như:  Không ký hợp đồng tư vấn du học với người có nhu cầu đi du học hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp hoặc ký hợp đồng không bảo đảm nội dung, nguyên tắc theo quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đối với người học đã được tư vấn và ra nước ngoài học tập.

Đối với hành vi ủy quyền hoặc cho thuê hoặc cho mượn giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; nhận ủy quyền của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học khác để kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cho người có nhu cầu đi du học ở nước ngoài bị phạt từ 50 – 60 triệu đồng.

Nghị định số 88/2022/NĐ-CP cũng nêu rõ phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trong thời gian bị đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng đối với hành vi tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

TTXVN/Báo Tin tức
Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động
Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động

Ngày 19/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 12/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN