Ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kon Tum nhận định, hiện nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới có rất ít các dự án tái định cư, đặc biệt là tái định cư thủy điện thành công trong việc phục hồi sinh kế, đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc phục hồi và bảo đảm sinh kế bền vững luôn là vấn đề còn nhiều tồn tại và bức xúc trong các dự án tái định cư. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không thể tạo ra các khu tái định cư thủy điện ổn định. Điều quan trọng là phải khắc phục được các tồn tại, hạn chế, tìm các giải pháp để ổn định cuộc sống cho người dân.
Cần sớm khắc phục những hạn chế
Theo TS. Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam Việt Nam, thông qua quá trình nghiên cứu cũng như phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Kon Tum hỗ trợ các khu tái định cư thủy điện, ông nhận thấy các cấp, ban, ngành của tỉnh Kon Tum và chủ đầu tư các dự án thủy điện phải thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn chế trong tái định cư càng sớm càng tốt.
“Chúng ta cần phải bồi thường, đền bù, hỗ trợ người dân tái định cư cả về những thiệt hại trực tiếp và gián tiếp, cả về đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Tiếp đến là phải bổ sung chính sách hậu tái định cư, đảm bảo cho người dân phải tiếp tục sản xuất và mưu sinh được ở nơi ở mới. Chúng ta cần phải xem tái định cư như một dự án phát triển dài hạn cho người dân, cần phải hỗ trợ liên tiếp cho họ trong vòng 10 năm thì họ mới có thể ổn định tại nơi ở mới được”, TS. Nguyễn Quang Tú chia sẻ.
Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam Việt Nam cũng cho rằng, đối với việc bồi thường đất sản xuất nông nghiệp, cần phải hỗ trợ cho bà con từ 2 - 3 vụ canh tác, vì đất khai hoang sẽ không mang lại hiệu quả nếu đưa vào sản xuất ngay. Ngoài ra, cần phải có các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất đi kèm, như hệ thống tưới tiêu, các công trình thủy lợi. Đối với riêng khu tái định cư Thủy điện Đăk Đrinh ở xã Đăk Nên, huyện Kon Plong, TS. Phạm Quang Tú cho rằng, bên cạnh hỗ trợ sinh kế, thì chủ đầu tư và chính quyền địa phương cần thống nhất và tiến hành đền bù, hỗ trợ sớm số tiền trên 30 tỷ đồng còn lại.
Chung quan điểm, ông Bloong Tiến, Trưởng Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum đề nghị các địa phương, các chủ đầu tư cần sớm giải quyết vấn đề đất sản xuất cho nhân dân ở các khu, điểm tái định cư. Đồng thời, phải nghiên cứu, xây dựng các phương án sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, giúp các hộ dân tái định cư chọn mô hình sản xuất phù hợp, đảm bảo thu nhập ổn định, lâu dài.
Trưởng Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum cũng đề xuất Trung ương cần sớm nghiên cứu, ban hành chính sách “hậu tái định cư” cho các dự án, đập thủy lợi, thủy điện để đồng bào tái định cư có thu nhập bằng hoặc trên mức thu nhập trung bình của hộ sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Các xã, thôn nhận các hộ dân chuyển đến theo diện tái định cư thủy điện cần hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và có chính sách khuyến khích người dân sở tại san sẻ, nhượng đất cho các hộ tái định cư.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Năm, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đề xuất phương án tái định cư không tập trung để giảm sức ép cho các khu tái định cư. Nguyên nhân là do tìm nguồn đất để tập trung hiện nay rất khó, xa hoặc không phù hợp với các tập quán, văn hóa của người dân địa phương. Ngoài ra, có thể thành lập quỹ hỗ trợ cho các khu tái định cư để bà con nhân dân tại các vùng tái định cư có thêm nguồn tài chính.
“Nếu không có sinh kế, chúng ta có đền bù 500 triệu, 1 tỷ, thậm chí là 2 tỷ cho một gia đình không có kỹ năng quản lý tài chính tốt thì cũng không ổn. Thậm chí, nó còn có nguy cơ gây ra các tệ nạn xã hội khi người dân có tiền trong tay. Xây nhà to, đẹp, khang trang, tiền rủng rỉnh trong túi mà không có sinh kế thì chắc chắn sau một vài năm, những thứ hào nhoáng đó cũng không còn, và người dân lại vất vả. Tôi cho rằng, nếu không thể đền bù được bằng sinh kế, thì nên chuyển đổi đền bù bằng cổ phần của các công ty thủy điện để họ có được sinh kế lâu dài”, TS. Nguyễn Quang Tú đề xuất.
Liên quan đến số tiền còn nợ người dân tái định cư tại xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, ông Lê Năng, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Đăk Đrinh cho biết, do vướng về cơ chế chi trả đền bù, nên đơn vị chưa thể chi trả. Cụ thể, theo dự toán ban đầu, số tiền mà Công ty Thủy điện Đăk Đrinh đang nợ người dân là khoảng 27 tỷ đồng, song theo quyết toán của địa phương lại là trên 33 tỷ đồng. Vấn đề này chính quyền địa phương và công ty đã làm việc nhiều lần nhưng chưa được tháo gỡ.
Ông Lê Văn Quang, Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum tiếp tục có ý kiến với các bộ, ngành có liên quan đề xuất Chính phủ xem xét, quyết định khoản chi phí bồi thường, hỗ trợ tăng thêm của Dự án Thủy điện Đăk Đrinh để tỉnh sớm giải quyết dứt điểm cho người dân. Bên cạnh đó, bố trí kinh phí cho tỉnh Kon Tum lập Dự án ổn định đời sống sản xuất của người dân sau tái định cư tại các thủy điện lớn.
Lấy kinh nghiệm từ điểm sáng tái định cư
Trong bức tranh mang “gam màu xám” của tái định cư thủy điện tại Kon Tum, thì xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy lại là điểm sáng trong bức tranh đó. Xã được thành lập từ năm 2006 từ việc di dân 748 hộ do ảnh hưởng trong quá trình xây dựng Thủy điện Plei Krông. Những năm đầu, khi thực hiện di dân tái định cư, việc thay đổi nơi ở, nơi sản xuất, cơ sở hạ tầng, tập quán sinh hoạt, văn hóa truyền thống,… đã khiến không ít gia đình bất chấp nguy hiểm quay trở lại làng cũ bên lòng hồ thủy điện sinh sống.
Ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kon Tum cho biết, từ năm 2014 đến 2019, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với Viện Tư vấn phát triển Hà Nội (CODE) tư vấn, vận động người dân ở bốn làng Kà Bày, Đăk Do, Đăk Vơt, Kơ Tu (xã Hơ Moong) nhận giao đất, giao rừng 86,1 ha từ chính quyền địa phương. Các cộng đồng đã tiến hành bảo vệ và phát triển thêm các loại cây bản địa có giá trị cao như Hương, Trắc, Cẩm lai, Sao xanh, Bời lời, Sa nhân tím,… Qua đó, mang lại sinh kế, tạo thêm thu nhập cho người dân gần rừng.
Bên cạnh đó, đại diện người dân cũng được đưa đi học tập mô hình trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp để phát triển kinh tế. Đến nay, xã đã phát triển được hơn 2.800 ha cây trồng; trong đó, có gần 2.000 ha cây ăn quả, cà phê, cao su, bời lời,… mang lại thu nhập cao cho người dân. Cùng với đó, lòng hồ Thủy điện Plei Krông cũng được định hướng làm nơi nuôi trồng và đánh bắt thủy sản cho người dân, với sản lượng bình quân 60 tấn/năm. Các nghi lễ truyền thống của người dân tộc thiểu số cũng được chú trọng bảo tồn và phát huy với những lễ hội như Cúng máng nước, lễ Giọt nước,…
Năm 2022, tổng giá trị sản xuất của xã Hơ Moong đạt gần 243 tỷ đồng; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 32,3 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,3%; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệt, từ một xã khó khăn, có nguồn gốc từ tái định cư thủy điện, đến nay, xã đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tập trung các nguồn lực, phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023. Đây là điểm sáng để các cấp, sở, ngành, địa phương của tỉnh Kon Tum nghiên cứu, đưa ra giải pháp ổn định cho các khu tái định cư thủy điện còn lại.
Các chính sách, giải pháp đều đã được các chuyên gia, sở, ngành của tỉnh Kon Tum đưa ra, thế nhưng làm thế nào để các chính sách, giải pháp ấy đi vào thực tế thì vẫn còn là câu chuyện dài ở phía trước. Nó đòi hỏi chính quyền các địa phương cũng như chủ đầu tư các dự án thủy điện phối hợp, cùng triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để người dân tại các khu tái định cư thủy điện có một cuộc sống tốt hơn.
Có thể sẽ phải mất 10 năm hỗ trợ liên tục thì bà con mới ổn định được cuộc sống ở khu tái định cư thủy điện như TS. Phạm Quang Tú nhận định, song nếu không bắt đầu thực hiện các giải pháp quyết liệt ngay từ bây giờ, thì 10 năm sau, hoặc thậm chí là 20 năm sau, câu chuyện về các thôn, làng tái định cư thủy điện vẫn sẽ được nhắc lại, với những thiếu sót trong tái định cư. Còn người dân - những người sẵn sàng bỏ nhà cửa, ruộng nương của mình cho các thủy điện làm hồ chứa - vẫn sẽ phải sống “lay lắt” trong những ngôi làng từng được hứa hẹn là nơi “đáng sống”.