Long An: Sức sống mới ở vùng Đồng Tháp Mười

Vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) của tỉnh Long An gồm 6 huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Hòa và 7 xã phía bắc của 2 huyện Thủ Thừa và Bến Lức, với tổng diện tích tự nhiên gần 300.000 ha. Nơi đây, trước năm 1975 cũng là một chiến trường ác liệt mà địch luôn mở các trận càn quét, ruồng bố.

Thu hoạch lúa mùa lũ ở vùng Đồng Tháp Mười.


Bộ đội ta đã lợi dụng địa hình phức tạp ở đây để làm căn cứ bám trụ, nhằm có thể nhanh chóng đánh vào tiếp cận Tân An, Sài Gòn - Chợ Lớn khi thời cơ đến. Qua hơn 30 năm đầu tư khai thác, từ “vùng đất chết”, ĐTM đã trở thành vùng sản xuất nông nghiệp, là vựa lúa của cả tỉnh Long An, góp phần phát triển kinh tế, dân sinh trong toàn tỉnh.

Vùng đất hoang hóa

Trước đây, ĐTM của Long An không chỉ khó khăn phức tạp vì đất và nước nhiễm phèn nặng, mà còn bị ngập lụt không chu kỳ xảy ra thường xuyên. Nước ngập sâu trên 2 m, ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư và sản xuất. Nói về một thời gian khổ, ông Lê Thanh Tâm - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, nhớ lại: Đến năm 1979, vùng ĐTM vẫn còn là vùng đất chưa được biết nhiều, đất còn hoang trên 176.000 ha, thiếu nước ngọt sản xuất và sinh hoạt của người dân rất nghiêm trọng nhất là mùa khô, nắng hạn. Hầu hết canh tác lúa chỉ làm 1 vụ/năm, bằng các loại giống lúa dài ngày như Trường Hưng, Nàng Tây, Huyết Rồng,… với năng suất thấp và bấp bênh. Đất rộng, người thưa, phân bố rải rác và tỉ lệ đói còn cao; cơ sở hạ tầng còn yếu kém, kênh mương chưa nhiều, giao thông thủy bộ chỉ đếm trên đầu ngón tay, hàng hóa rất ít và lưu thông buôn bán gặp vô vàn trở ngại; bưu điện và điện lực chưa có gì đáng kể; trình độ dân trí thấp, y tế, giáo dục và cơ sở vật chất kỹ thuật - xã hội còn thô sơ, yếu kém. Bên cạnh đó, hậu quả nặng nề của chiến tranh chống Pháp - Mỹ xâm lược chưa khắc phục, lại chiến tranh biên giới Tây Nam không sản xuất được, ruộng đồng phải bỏ hóa - nhiều vùng bị gài bom mìn dày đặc, làm cho vùng đất hoang này đã khó, lại càng gian nan thêm.

Ông Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, khoảng năm 1989, ông cùng gia đình từ xã Mỹ Phước Tây (Cai Lậy, Tiền Giang) đùm túm đến huyện Vĩnh Hưng khai hoang, lập nghiệp. Vùng đất này ngày ấy rất hoang sơ, cỏ mọc cao khỏi đầu người, chỉ có cỏ năn, cỏ lác và tràm gió sống nổi. Mùa khô thì nắng cháy cả đồng, còn mùa mưa lũ về ngập nước trắng xóa; trồng lúa thì lúa chết, trồng cây bầu, mướp cũng không sống được. Nhiều người đến đây lập nghiệp, đành lặng lẽ rời bỏ mảnh đất khắc nghiệt này trở về quê. Bà Trần Thị Gương, ngụ xã Khánh Hưng (Vĩnh Hưng), cho biết thêm, cỏ là nơi thích hợp cho muỗi vùng ĐTM sinh sôi nảy nở. Đây là tai họa lớn, không giết người nhanh chóng nhưng gây bệnh sốt rét mãn tính lại thêm ăn uống kham khổ nên người dân nơi đây có tuổi thọ không cao…

Trước tình hình tưởng chừng như không thể vượt qua, đã tác động mạnh đến tâm tư tình cảm của lãnh đạo các cấp, các ngành Long An. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Long An đã bàn bạc và cùng nhau suy nghĩ để tìm hướng khai thác có hiệu quả vùng ĐTM. Qua đây, tạo ra bước đột phá thoát ra khỏi tình hình đói nghèo lạc hậu, tạo thành vùng lương thực, không để cho người dân rơi vào cảnh thiếu đói.

Khai thác Đồng Tháp Mười

Tại Đại hội III (năm 1983), Đảng bộ tỉnh Long An khẳng định và nêu rõ chủ trương đối với ĐTM. Theo đó, tỉnh tập trung chiến lược trước mắt và lâu dài về các vấn đề như: phục hóa, khai hoang mở rộng diện tích sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tạo điều kiện chuyển lúa mùa 1 vụ dài ngày-năng suất thấp-bấp bênh, sang làm lúa ngắn ngày- tăng vụ thâm canh- tăng năng suất, thay đổi tập quán làm ăn, nhanh chóng ổn định và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân ĐTM; đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, tập trung đẩy mạnh phát triển thủy lợi giao thông hoàn chỉnh, xây dựng hệ thống điện, bưu chính viễn thông- trường học-trạm xá, các cụm, tuyến dân cư, thị tứ,…; điều động, phân bố lại dân cư, chuyển vùng ĐTM thành trọng điểm lương thực (lúa), thực phẩm (lợn, gà, vịt, tôm,...) đưa cây công nghiệp (đay, bàng, tràm) phát triển tương xứng với đất đai.

Thực hiện các vấn đề trên, tỉnh Long An đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, tỉnh điều động dân cư từ các huyện phía Nam và phía Đông lên, điều động lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội kinh tế đến để xây dựng các công trình thủy lợi. Một trong những điểm sáng trong quá trình khai thác vùng ĐTM là tỉnh đã thành lập kịp thời các đoàn quân lao động chủ lực, mạnh về sức trẻ, chặt chẽ về tổ chức, cơ động, sẵn sàng thực hiện “tiến quân vào ĐTM”. Từ đoàn xây dựng kinh tế thử nghiệm đầu tiên được sự đồng ý của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Long An đã tích cực và khẩn trương tổ chức 5 đoàn xây dựng kinh tế Đồng Tháp và Đoàn xây dựng kinh tế Thanh niên, bố trí trên địa bàn ĐTM, nhất là dọc tuyến biên giới Campuchia. Các đoàn xây dựng này là quả đấm chủ lực lao động mạnh và tập trung; đồng thời, còn là nơi quy tụ đầu mối, tạo dựng thị tứ tại doanh trại mình để dân đi kinh tế mới đến lập nghiệp. Song song đó, Long An chỉ đạo chính quyền địa phương ra quy định cụ thể tất cả công dân Long An trong độ tuổi lao động đều có nghĩa vụ thực hiện chế độ lao động công ích hàng năm. Chính việc vận dụng sức trẻ, chỉ trong hai năm 1983 và 1984, tỉnh Long An đã huy động được hơn 4,2 triệu ngày công và 40 triệu đồng, đào đắp 3 triệu m3 đất, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi cho 9.500 ha ruộng ở vùng ĐTM.

Ngoài ra, hệ thống kênh mương, cống đập, trạm bơm tưới tiêu, xả phèn, ngăn mặn được xây dựng và mở rộng. Mạng lưới giao thông liên lạc bảo đảm thông suốt từ tỉnh đến huyện. Các công trình phục vụ sinh hoạt, đời sống cũng nối tiếp nhau hoàn thành,… Ông Lê Thanh Tâm cho biết thêm: “Thắng lợi bước đầu đó khẳng định một mô hình mới rất sáng tạo, nhiều triển vọng, có tính thuyết phục cao, được nhiều tỉnh, thành trong cả nước quan tâm tham quan, học tập. Chương trình ĐTM thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, quyết tâm cao và tinh thần tiến công mạnh mẽ của Đảng bộ Long An đối với vùng đất có tiềm năng to lớn nhưng còn nhiều khó khăn, gian khổ. Từ thực tiễn khai thác vùng ĐTM, Long An đã làm tăng thêm lòng tin cho nhiều nhà khoa học và giúp Trung ương có đủ cơ sở đánh giá đúng về tiềm năng nông-lâm-ngư nghiệp của ĐTM. Chính vì vậy, Trung ương tiếp sức cùng với tỉnh xây dựng cơ sở hạ tầng rộng lớn hơn, đặc biệt là thủy lợi, giao thông, các tuyến, cụm dân cư kinh tế mới”.

Vùng sản xuất nông nghiệp đầy tiềm năng

Cùng với việc đầu tư của Nhà nước, người dân các nơi đến lập nghiệp không chỉ làm ruộng dựa trên kinh nghiệm từ bao đời nay mà họ đã đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hạn chế rủi ro và tăng năng suất, chất lượng cho cây lúa. Các mô hình liên kết sản xuất ra đời đã giúp cho người dân ĐTM có điều kiện nâng cao giá trị cho cánh đồng của mình. Nhiều nông dân đã trở thành triệu phú từ việc trồng lúa kết hợp với chăn nuôi. Điển hình như ông Trần Quang Minh (SN 1940), ngụ ấp Mây Rắc, xã Bình Thạnh (Mộc Hóa, Long An). Từ nơi khác đến lập nghiệp, khởi đầu bằng việc thuê 0,5 ha đất để sản xuất, sau thời gian tích cực lao động, ông dành dụm được một số vốn và mua 5 ha đất canh tác. Ngoài việc sản xuất lúa, ông còn đào ao nuôi cá kết hợp với trồng cây ăn trái. Năm 1992, ông tích lũy số vốn khá lớn và mua 40 ha đất sản xuất. Bên cạnh đó, ông Quang Minh đầu tư 3 máy cày, 1 máy cắt xếp, 1 máy gặt đập liên hợp để chủ động trong việc gặt lúa trong gia đình và tranh thủ thời gian nhàn rỗi làm thuê cho các hộ lân cận. Bình quân hàng năm, ông Quang Minh cung cấp ra thị trường 400 tấn lúa, khoảng 2 tấn cá và 8 tấn cây các loại (cam, bưởi, xoài), với lợi nhuận 1,4 tỉ đồng/năm. Từ mô hình sản xuất gia đình, ông đã tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với mức lương 2 triệu đồng/người/tháng, và 50 lao động thời vụ với thu nhập 100.000 đồng/người/ngày. Không chỉ làm giàu cho bản thân, mỗi năm ông Minh giúp đỡ 15-20 hộ nghèo trên địa bàn, tích cực tham gia công tác xã hội từ thiện tại địa phương và đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn trên 50 triệu đồng.

Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết nếu như năm 1985, sản lượng lương thực của tỉnh là khoảng 600.000 tấn, thì đến nay, con số này đạt gần 2,5 triệu tấn. Trong đó, khu vực ĐTM đã chiếm gần 2 triệu tấn, trở thành vựa lúa của cả tỉnh. Đây là kết quả của sự đầu tư đồng bộ từ cơ sở hạ tầng sản xuất, mở rộng diện tích gieo trồng các chủng loại giống lúa chất lượng và phẩm cấp cao, ứng dụng rộng cơ giới, công nghệ sinh học đều tổ chức chuyển giao kỹ thuật tập trung qua xây dựng các cánh đồng lúa thâm canh “3 giảm, 3 tăng”, “cùng nông dân ra đồng” trên qui mô lớn. Cũng theo ông Lê Minh Đức, tiếp tục khai thác có hiệu quả vùng ĐTM, hiện tỉnh đã và đang xây dựng các “cánh đồng mẫu lớn”, thực hiện quy hoạch 40.000 ha lúa thâm canh chất lượng cao, tiếp tục các chương trình hỗ trợ nông dân ứng dụng giống, phát triển đa dạng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng cơ giới, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh,…

Có thể nói, những thay đổi ở vùng ĐTM đã làm cho người dân nơi đây an tâm sản xuất. Chúng tôi không ngờ rằng, nơi đây trước kia là vùng sình lầy, bưng trấp, nay như những khu đô thị sầm uất, có chợ búa đông đúc, khu dân cư tập trung với ti vi, xe máy, điện thoại,… được trang bị đầy đủ trong gia đình. Điều này, cho thấy sức vươn lên thật mạnh mẽ, sự tự lực đi lên khắc phục khó khăn của bà con nông dân ở vùng ĐTM.

Bài và ảnh: Thanh Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN