Đây là lần thứ 3 diễn ra Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Tỉnh ủy với công nhân lao động, đại diện người sử dụng lao động và cán bộ Công đoàn (lần đầu tiên vào năm 2017, lần thứ hai vào năm 2019).
Long An có trên 350.000 lao động trong và ngoài tỉnh làm việc trong các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da - giày, điện, điện tử, cơ khí, xây dựng, chế biến… Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An Nguyễn Văn Quí cho biết, năm 2021, Long An là một trong những tỉnh “tâm dịch” của cả nước. Trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có trên 200.000 công nhân lao động bị thất nghiệp tạm thời do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, phần lớn lưu trú ở các khu nhà trọ; gần 600 doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” với 50.000 công nhân lao động; đời sống công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn…
Trước tình hình đó, các cấp Công đoàn đã thực hiện song hành hai nhiệm vụ then chốt, đó là sát cánh cùng công nhân lao động và đồng hành cùng doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2021, các cấp Công đoàn đã chăm lo cho đoàn viên, công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch tổng kinh phí hơn 140 tỷ đồng từ nguồn tài chính Công đoàn.
Tại hội nghị, đại diện công nhân lao động bày tỏ mong sớm thực hiện nâng lương tối thiểu vùng, vì đã 2 năm lương tối thiểu vùng không được tăng, đời sống người lao động sau dịch vẫn còn nhiều khó khăn. Các công nhân cũng quan tâm đến chính sách thu hút và giữ chân người lao động của địa phương; giải pháp để giám sát thời gian làm thêm giờ nhằm hạn chế việc doanh nghiệp ép người lao động tăng ca quá mức theo quy định; vấn đề nhà ở cho người lao động; việc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên không gian mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Ngoài ra, người lao động cũng đề cập đến việc xây dựng cầu thay thế bến phà Long Cang thuộc địa phận hai huyện Tân Trụ và Cần Đước, việc sửa chữa nâng cấp Quốc lộ 62 tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại…
Trong đó, công nhân lao động đặc biệt quan tâm đến chính sách giáo dục, trường lớp cho con em. Theo chị Nguyễn Thị Thùy Oanh, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quick Pack Việt Nam, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11/2020 quy định trẻ em là con công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp - khu chế xuất học tư thục, có ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng tiền ăn trưa, không quá 9 tháng/năm học. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công nhân lao động có con đang đi học chưa nhận được tiền trợ cấp này.
Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Long An Phan Thị Dạ Thảo cho biết: Nghị định số 105/2020/NĐ-CP đã được triển khai tới các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Các địa phương bước đầu thực hiện tốt các nội dung này, đặc biệt đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp tại các khu - cụm công nghiệp; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ ở các xã đặc biệt khó khăn. Đến nay, đã có 15/15 huyện, thị, thành phố đã thực hiện chính sách này. Thống kê năm 2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ ăn trưa cho hơn 1.400 trẻ, tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng; năm 2022 đã hỗ trợ 1.640 trẻ tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời gian qua do dịch bệnh, việc tổ chức hoạt động dạy và học cho trẻ ở các trường, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không ổn định nên chưa cập nhật thông tin kịp thời con em công nhân lao động ở các đơn vị này. Thời gian tới, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo cho các Phòng Giáo dục và Đào tạo rà soát thường xuyên, cập nhật thông tin, nắm số trẻ là con các công nhân lao động, nhằm bảo đảm phân bổ kịp thời, chính xác các chế độ, chính sách cho con em công nhân, lao động.
Đặc biệt quan tâm đến chính sách giáo dục trẻ, Bí thư Tỉnh ủy Long An cho rằng, vẫn còn sót nhiều trường hợp con công nhân lao động chưa được nhận chế độ, do đó cần quy trách nhiệm về đơn vị, địa phương nào chưa thực hiện. Ông Nguyễn Văn Được giao UBND tỉnh giải quyết vấn đề này, chỉ đạo các địa phương nắm và thực hiện ngay, đặc biệt là các địa phương có đông công nhân lao động như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc… và có báo cáo sớm nhất.
Tại buổi đối thoại, các câu hỏi của công nhân lao động cũng được các sở, ngành liên quan giải đáp. Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cũng chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức công đoàn kịp thời phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc, khó khăn, khắc phục những tồn tại, bất cập cho công nhân lao động.
Bí thư Tỉnh ủy Long An khẳng định, địa phương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, coi khó khăn của doanh nghiệp chính là khó khăn của địa phương. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Được cho rằng, cần quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa công tác phân luồng học sinh, nếu làm tốt công tác này, lực lượng lao động qua đào tạo sẽ nâng lên rất nhiều.