Càng ý nghĩa hơn là khi được cụ Bùi Văn Bỉnh, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh Hòa Bình (nay là Sở Nội vụ), một nhân chứng sống của lớp học “Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu” kể lại những sự kiện lịch sử tiêu biểu, lòng yêu nước, yêu dân tộc của những chiến sĩ thời đó đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công của Cách mạng tháng 8/1945.
Với địa hình núi rừng hiểm trở thuận lợi cho phong trào hoạt động cách mạng nên Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định chọn Mường Khói để xây dựng chiến khu cách mạng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Tại chiến khu Mường Khói do đã có cơ sở cứu quốc từ trước, mặt khác lang đạo (người có chức sắc của tộc Mường) Mường Khói đã được giác ngộ, quyết tâm đi theo cách mạng, tích cực giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ Việt Minh về gây dựng phong trào, tuyên truyền, tập hợp quần chúng tham gia vào đoàn thể cứu quốc.
Lúc đó, tại Mường Khói đã tập hợp được một trung đội tự vệ cứu quốc với khí thế cách mạng sục sôi cùng các loại vũ khí thô sơ như dao, nỏ, giáo mác, gậy gộc ngày đêm luyện tập, sẵn sàng chờ thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Cụ Bùi Văn Bỉnh chính là con trai của cụ Bùi Văn Mão, một lý trưởng yêu nước thời bấy giờ đã từng nuôi giấu các đồng chí cách mạng trốn khỏi nhà tù Sơn La của thực dân Pháp. Năm nay đã 88 tuổi nhưng vẫn còn khá minh mẫn, tỉnh táo, cụ Bỉnh vẫn còn giữ gìn cẩn thận rất nhiều sách, tài liệu ghi chép về những tháng ngày lịch sử của xã Tân Mỹ của huyện Lạc Sơn.
Cụ Bỉnh hồi tưởng lại, để chuẩn bị cho lớp học, cách mạng đã cử đồng chí Vương Thừa Vũ vừa mới ra tù ở Tuyên Quang về tìm địa điểm mở lớp và làm giảng viên, kiêm hiệu trưởng. Qua nhiều ngày khảo sát, tháng 7/1945, đồng chí Vũ đã đến Lạc Sơn nhờ cụ Bùi Văn Mão đi tìm địa điểm mở lớp ở khu vực Mường Lọt. Địa điểm chọn đặt làm lớp học là xóm Lọt vì ở sau dãy núi kín đáo, lại có bãi phẳng để luyện tập, rất phù hợp cho việc đóng quân.
Lớp học hồi ấy có khoảng 30 người là lãnh đạo quân sự của các tỉnh Sơn La, Sơn Tây, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình… Các học viên chia thành 3 tiểu đội, ăn ngủ tại 3 địa điểm của xóm Lọt. Ở giữa bãi tập chôn 2 đoạn tre có lỗ để giữ lấy cây hóp to, có con xỏ xiên ngang làm cột cờ.
Sáng nào học viên cũng xếp hàng chào cờ, hát bài “Tiến quân ca” rồi mới tập đội ngũ, xạ kích, ném lựu đạn, đâm lê… cập nhật tình hình trong nước và thế giới, cách xây dựng cơ sở quần chúng, chỉ đạo phong trào cách mạng, chiến thuật đánh du kích.
Lớp học nhận được sự che chở, đùm bọc của nhân dân Mường Lọt và sự bảo vệ an toàn tuyệt đối qua nhiều vòng. Để bảo vệ an toàn cho lớp học đặc biệt ấy, Ban Cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình đã tuyển chọn 36 tự vệ phố Vụ Bản ngày đêm canh gác, chia thành nhiều vòng.
Còn tại xóm Lọt đã thành lập tổ cảnh giới do chính cụ Bỉnh làm tổ trưởng với nhiệm vụ kiểm soát những người lạ ra vào xóm. Gia đình cụ Bỉnh cũng chính là điểm tiếp nhận lương thực từ cấp trên chuyển đến xóm Cai để sau đó các hội viên Hội cứu quốc chuyển đến xóm Lọt. Gia đình cụ Bỉnh cũng tích cực vận động quần chúng nhân dân ủng hộ lương thực để duy trì lớp học.
Ngày 17/8/1945, lớp học tổ chức các hoạt động bình thường, ăn cơm chiều xong, thầy Vương Thừa Vũ cho tập hợp lớp rồi trịnh trọng tuyên bố bế giảng sau hơn nửa tháng, vì đã có lệnh tổng khởi nghĩa. Ngay trong đêm, các học viên của lớp cũng là lãnh đạo quân sự các tỉnh tức tốc lên đường trở về địa phương lãnh đạo khởi nghĩa.
Tại tỉnh Hòa Bình, bám sát ý kiến chỉ đạo của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ về lệnh khởi nghĩa, để chắc thắng, châu Lạc Sơn đã được chọn khởi nghĩa đầu tiên trong ngày 20/8/1945. Sáng 20/8/1945, lực lượng vũ trang, các đoàn thể Việt Minh ở khu căn cứ Mường Khói, nhân dân các xã xung quanh châu lỵ, lực lượng cứu quốc và quần chúng nhân dân đã rầm rập biểu tình, giành chính quyền tại Vụ Bản.
Trước khí thế sôi sục đó, quân lính của châu đã xin đầu hàng, giao nộp vũ khí gồm 50 khẩu súng, nhiều đạn dược cho lực lượng cách mạng. Khởi nghĩa Lạc Sơn đã thành công. Khí thế đó nhanh chóng lan rộng ra toàn tỉnh, Hòa Bình cùng cả nước đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, mở ra trang sử mới của đất nước.