Tiền lương và năng suất lao động luôn song hành trong quá trình phát triển của doanh nghiệp cũng như đảm bảo an sinh xã hội.
Chất lượng nguồn nhân lực thấp
Câu chuyện tiền lương luôn là mối quan tâm của nhiều người lao động trong những lúc nghỉ ngơi tại các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội. Chị Đặng Thị Hoài, làm việc tại một công ty nhựa trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long chia sẻ: “Khi xin việc, vấn đề người lao động quan tâm nhất là tổng thu nhập nhận được. Làm công nhân thu nhập chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng, nếu làm tăng ca thì thêm khoảng 1 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này chỉ đảm bảo chi tiêu hàng ngày, nếu có con cái thì sẽ rất vất vả”.
Đào tạo kỹ năng nghề vẫn chưa được chú trọng. |
Những công nhân tại đây cho biết, đối với công việc đơn giản, doanh nghiệp chỉ cần tuyển lao động học hết THPT và huấn luyện 1 tuần là có thể đưa vào làm việc trong các dây chuyền với những việc làm không đòi hỏi chuyên môn cao và kỹ năng nghề đơn giản nhất. Anh Nguyễn Thanh Quang, chuyên viên nhân sự tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết: Với công việc đơn giản, mức thu nhập gần như ấn định bởi công ty trả theo vị trí làm việc. Nhiều người làm vài năm, thấy mức lương không cải thiện trong khi phải gánh vác nhiều chi phí cho gia đình đã tìm công việc khác. Chính vì vậy, việc thay đổi nhân sự công nhân liên tục.
Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: “Trong cơ cấu của doanh nghiệp các khu công nghiệp chúng tôi từng khảo sát, thì đến 70% là công nhân trình độ sơ cấp, đào tạo 1 tuần là có thể làm việc và đây không thể gọi là nghề. Chỉ có khoảng 20% là những vị trí có tay nghề và 10% là quản lý. Với công nhân, họ sàng lọc liên tục bởi những vị trí làm việc đó là lao động giản đơn, họ cần người trẻ, có đủ sức khỏe để làm. Đến khi công nhân không đáp ứng được công việc hoặc tiền lương phải trả cao là họ lại “thay” lứa công nhân mới. Trong khi đó với những vị trí cần tay nghề kỹ thuật, được cử đi đào tạo giữ lâu dài thì sẽ có chế độ lương, thưởng khá tốt”.
Không chỉ trong khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội đều cho rằng lao động Việt Nam, nhất là sinh viên mới tốt nghiệp đều thiếu kỹ năng làm việc. Ông Trần Quốc Hải, Phó giám đốc Công ty thương mại và sản xuất thực phẩm Lợi Hanh chia sẻ: “Dịp cuối năm, công ty chúng tôi cần tuyển khoảng 10 nhân sự vào các vị trí sản xuất, giao dịch, nhưng các ứng viên chỉ biết lý thuyết và khi hỏi vấn đề cụ thể đều biết lơ mơ và phải đào tạo lại”.
Tiền lương gắn với năng suất
Tay nghề kỹ thuật thấp dẫn đến năng suất và tiền lương không cao. Năng suất và lương thấp do có tới hơn 50% lực lượng lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp và cũng là lĩnh vực thu nhập thấp nhất. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), điều tra của lực lượng lao động năm 2013, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp có mức lương bình quân thấp nhất là hơn 2,6 triệu đồng/tháng, trong khi lao động thuộc lĩnh vực hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có mức lương trung bình hơn 7,2 triệu đồng/tháng.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, việc quản lý doanh nghiệp luôn phải gắn với việc giải quyết bài toán năng suất lao động và tiền lương. Khi lương tăng, nếu chủ sử dụng lao động không xử lý vấn đề năng suất lao động sẽ dẫn đến nguy cơ thua lỗ. Muốn trả lương tốt hơn cho người lao động thì phải xử lý được năng suất lao động. Trong lĩnh vực dệt may, tùy từng đơn vị sẽ áp dụng mô hình phù hợp để tạo sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Lương được coi là chi phí của doanh nghiệp nên để có sự cạnh tranh, các chủ doanh nghiệp lựa chọn tối ưu giữa tiền lương và năng suất lao động.
Ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: Trên thị trường lao động Việt Nam, lực lượng lao động phổ thông, không có tay nghề rất đông và dễ tuyển dụng, trong khi lao động tay nghề cao khan hiếm và phải trả lương rất cao. Hiện nay đang có sự chênh lệch phân hóa trong vấn đề tiền lương. Điều này cũng dẫn đến nghịch lý hiện nay, tiền lương của lao động trực tiếp thường từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng nhưng cũng có những lao động thu nhập 40 - 50 triệu đồng/tháng, chênh nhau đến chục lần. Do đó, để bảo vệ quyền lợi lao động, Việt Nam đã lập hệ thống tiền lương tối thiểu, có lợi cho người lao động hưởng lương thấp. Mức lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu mới bảo đảm tái sản xuất, phục vụ lợi ích doanh nghiệp. “Dù mức lương tối thiểu Việt Nam tăng mạnh trong 2 năm qua nhưng mức lương tối thiểu hiện vẫn chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu cuộc sống tối thiểu. Do đó để đạt mức sống tối thiểu, theo lộ trình đến 2017, mức tăng lương tối thiểu sẽ khoảng 15%”, ông Điều cho biết.
Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu phải căn cứ vào một loạt các yếu tố kinh tế và xã hội để cân bằng lợi ích của người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng trong năm qua gây tranh cãi giữa tiền lương và năng suất lao động. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong thời gian qua, tiền lương tối thiểu tăng nhanh hơn tỷ lệ tăng năng suất lao động và điều đó gây khó khăn cho doanh nghiệp trong cạnh tranh.
Ông Đặng Quang Điều cho biết, trong năm 2015, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam coi việc thương lượng tập thể để xác định lương cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh việc đảm bảo mức sống tối thiểu, việc thương lượng tập thể sẽ tạo điều kiện để người lao động có mức thu nhập tương xứng với năng suất và thành quả trong sản xuất kinh doanh. Để làm được việc này, thời gian tới công đoàn sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn với tổ chức công đoàn cơ sở, nâng cao kiến thức, pháp luật để khi đàm phán thương lượng với chủ sử dụng lao động sẽ đạt hiệu quả cao nhất.
“Đối thoại và thương lượng tập thể cung cấp cho người lao động và người sử dụng lao động một cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính xây dựng và tìm ra giải pháp hai bên cùng có lợi, tối đa hóa lợi ích cho cả hai bên và mang lại sự thích ứng với các hoàn cảnh thay đổi”, đại diện ILO cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Hợp tác phát triển quan hệ lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết: Việc xác định tiền lương khu vực tư nhân trong nền kinh tế thị trường dựa trên 2 mô hình. Mô hình đầu tiên là tiền lương được xác định trên cơ sở thỏa thuận và không cần tiền lương tối thiểu. Mô hình thứ hai có phần xác định lương tối thiểu của Chính phủ và phần trên lương tối thiểu, do người lao động và chủ sử dung lao động tự thỏa thuận.
Trên thực tế Việt Nam đang đi theo mô hình thứ hai. Tuy vậy với mô hình này thì Chính phủ ban hành hệ thống văn bản pháp luật về những tiêu chuẩn tối thiểu về điều kiện lao động, mức lương tối thiểu, đảm bảo quyền của hai bên trong việc tổ chức thương lượng. Đối với Việt Nam, thách thức lớn nhất là chưa bầu ra những người đại diện thực sự cho người lao động tại doanh nghiệp, dám đứng ra thương lượng. Do có sự thao túng, gây sức ép hoặc đối xử bất công từ chủ sử dụng lao động nên vấn đề thương lượng tập thể tại Việt Nam chưa hiệu quả và mức lương tối thiểu vẫn là cơ sở để ràng buộc các doanh nghiệp phải thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho người lao động phổ thông.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Giang: Quá trình tăng năng suất lao động luôn đi đôi với điều kiện tăng mức trang bị kỹ thuật công nghệ cho lao động. Như vậy phải có vốn đầu tư, phải tăng vốn đầu tư, cơ khí hóa, tự động hóa, tin học hóa sản xuất. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình thấp chiếm gần 29%; các doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình cao 10%; doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao chỉ khoảng 2%. Như vậy, thực trạng 88% doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ trung bình và trung bình thấp là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng năng suất lao động thấp và thu nhập đầu người thấp ở Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này, phải tăng đầu tư, bổ sung, hiện đại hóa thiết bị công nghệ. Một nguyên nhân khác là nền kinh tế của ta vẫn sử dụng nhiều lao động trong nông nghiệp và trình độ lao động nói chung còn thấp. Bà Sandra Polaski, Phó Tổng giám đốc ILO: Việc thành lập Hội đồng lương quốc gia để xây dựng mức lương tối thiểu vùng đã tạo ra mức sàn đảm bảo cuộc sống người lao động. Tuy nhiên, Việt Nam sớm thúc đẩy quá trình thương lượng tập thể để giải quyết mâu thuẫn và có giải pháp hai bên cùng có lợi, để tối đa hóa quyền lợi hai bên. Đặc biệt, việc thương lượng tập thể sẽ góp phần thiết lập tiền lương gắn với tăng năng suất. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và để tăng năng suất cần có giải pháp đồng bộ thông qua giáo dục và tập huấn. Ông Phan Văn Quý, Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương: Việc các doanh nghiệp khi nhận lao động vào làm việc đều phải đào tạo lại, cho thấy chất lượng đào tạo của chúng ta hiện có nhiều vấn đề. Vấn đề lớn nhất là giáo trình đào tạo nặng lý thuyết, không có kinh nghiệm thực tế. Do đó, việc đào tạo cần gắn liền với doanh nghiệp. Tùy mô hình quản lý và dựa trên công việc thực tế, doanh nghiệp sẽ trả lương theo khả năng và hiệu quả công việc người lao động mang lại. Việc nâng cao năng suất lao động sẽ liên quan đến công nghệ, tay nghề và năng lực quản lý. Trong đó, việc nâng cao kỹ năng nghề cần được triển khai sớm, nhất là khu vực nông thôn, để tạo sự chuyển dịch cơ cấu nhân lực. |