Nghề rèn truyền thống, ấp Trung I, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân (An Giang) tồn tại hơn một trăm năm đang giúp người dân địa phương có thu nhập ổn định. Vượt qua thăng trầm trong buổi giao thời công nghiệp hóa, những người có trách nhiệm và chính bản thân người thợ cùng chung quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống của cha ông…
Hình ảnh những người thợ lưng trần nhễ nhại mồ hôi hì hục nện những tấm thép được nung đỏ rực đã trở nên quen thuộc với người dân Phú Mỹ trong hơn một trăm năm qua. Tuy nhiên, có dịp đến thăm “bản doanh” nghề rèn ban đầu chúng tôi không khỏi cảm giác hơi thất vọng với quy mô hiện tại. Được biết, mấy năm gần đây, sự ra đời liên tiếp của các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là máy xới thay thế cuốc, máy gặt đập liên hợp thay thế lưỡi hái… đã ảnh hưởng lớn đến những sản phẩm của ngành rèn. Ông Nguyễn Văn Thanh Tao, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Mỹ cho biết, hiện chỉ còn 28 cơ sở lò rèn. Đã qua cái thời hoàng kim, của tiếng đập đều đặn vang lên khắp nơi tạo nên không khí đặc trưng để người từ phương xa nhận ra ngay tức thời. Và người tha phương thì chỉ nhớ nhịp điệu ấy đầy đặn trong ký ức năm nào…
Sản phẩm rèn Phú Mỹ luôn được người dân tin dùng. |
Quyết tâm giữ nghề
Để duy trì và phát triển nghề, địa phương vận động các chủ lò rèn thành lập tổ hợp tác, tạo điều kiện cho người dân có nơi giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn lẫn nhau. Để sản phẩm làm ra cạnh tranh được trên thương trường, các chủ lò chủ động đầu tư, trang bị nhiều máy móc tiên tiến, như: Máy làm leng, máy làm răng cưa, máy cắt thép, moteur đá mài… Đồng thời, cải biến phương thức sản xuất, thay đổi mẫu mã các loại sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Hỗ trợ tìm kiếm đầu ra và bình ổn giá cho sản phẩm, giúp người dân ổn định cuộc sống là điều địa phương luôn quan tâm. Quyết tâm giữ nghề đã phần nào mang lại kết quả. Nghề rèn vẫn là nghề thủ công tạo công ăn, việc làm ổn định cho gần 100 lao động nhàn rỗi với thu nhập bình quân 100.000 đồng/ngày/người.
Nghề không phụ người
Thời kỳ cơ giới hóa nông nghiệp, sản phẩm chủ lực lưỡi hái không được ưa chuộng như trước nên các cơ sở chuyển ngay sang làm leng, dao, búa, móc cấy lúa… Anh Phạm Văn Lợi, ngụ ấp Trung I, chủ cơ sở vui vẻ cho biết: “Tuy giá nguyên liệu có tăng cao hơn năm trước đôi chút nhưng cơ sở của tôi vẫn không tăng giá sản phẩm. Lưỡi leng được bỏ mối cho các bạn hàng với giá từ 17.000 - 25.000 đồng/lưỡi (tùy loại), còn leng nguyên cây bán với giá 34.000 - 60.000 đồng/cây. Cơ sở chúng tôi vẫn duy trì sản xuất theo nhu cầu thị trường…”. Còn Phạm Huy Trung, một nhân công thông tin: hàng ngày, anh cắt trấu lưỡi hái được 80 lưỡi, thu nhập khoảng 120.000 đồng… Số tiền trên nói chung đủ để đảm bảo cuộc sống gia đình vùng nông thôn.
Ông Phạm Văn Bé ( tuổi) được xem là một trong những thợ cao niên nhất nơi đây. “Nghề rèn sử dụng sức mạnh cơ bắp là chính nhưng không hề dễ, trải qua nhiều công đoạn. Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh vừa đẹp, vừa bền và sắc bén đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo nhất định và cần một vài bí quyết riêng”, ông chia sẻ. Ông tự hào nhận định: Sở dĩ luôn được người dân khắp nơi tin dùng bởi chất lượng cao. Độ bền và sắc bén độc đáo của sản phẩm không nơi nào có thể làm được… Yếu tố quyết định ấy tạo nên uy tín. Sản phẩm rèn Phú Mỹ xuất lò không chỉ cung cấp cho thị trường các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung mà còn được tiêu thụ sang Campuchia. Mỗi ngày cơ sở ông Bé sản xuất và bỏ mối cho các bạn hàng bình quân trên 100 sản phẩm các loại, chủ yếu là lưỡi hái, dao… Sau khi trừ đi chi phí, gia đình cũng thu về lợi nhuận từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày.
Bốn mươi năm theo nghề rèn cũng đủ để ông lão thợ rèn yêu nghề nếm trải bao vui buồn. “Công việc khá vất vả, sản phẩm lại phải cạnh tranh ngày một gay gắt trên thị trường nhưng người dân nơi đây vẫn quyết bám trụ, giữ gìn nghề truyền thống của ông cha ta để lại…”, ông Bé trải lòng.
Mỹ Huyền