Lý Ngọc Minh, người thầy hết lòng vì an toàn dầu khí

Ngày 22/10/2011, Viện Môi trường và Tài nguyên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã trao bằng Tiến sĩ Kỹ thuật cho thầy giáo Lý Ngọc Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường của Đại học Công nghiệp TP.HCM, người đã thực hiện luận án tiến sĩ với đề tài: “Nghiên cứu xây dựng phương pháp đánh giá sự cố môi trường trong sử dụng khí hóa lỏng (LPG) ở Việt Nam” thuộc chuyên ngành “Sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường” .

Đây là luận án tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực đánh giá rủi ro và phòng ngừa sự cố môi trường (SCMT) công nghiệp. Nghiên cứu về đánh giá rủi ro và phòng ngừa sự cố môi trường (SCMT) đã được quan tâm nhiều trên thế giới. Tuy nhiên, ở nước ta, nghiên cứu về đánh giá rủi ro, nhất là đánh giá rủi ro công nghiệp thì chưa có những nghiên cứu chuyên sâu, mang tính hệ thống. Lý Ngọc Minh là người đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu không chỉ về mặt lý thuyết mà còn cả trong thực tiễn về đánh giá rủi ro công nghiệp và phòng ngừa SCMT trong công nghiệp chế biến và sử dụng dầu khí.

Tiến sĩ Lý Ngọc Minh cùng hai thầy hướng dẫn khoa học (bên phải là TS.NCVC Nguyễn Văn Quán và bên trái là PGS.TS Đinh Xuân Thắng).


Luận án đã tổng hợp các đặc tính nguy hại của LPG, khảo sát một số SCMT đã xảy ra trong chế biến và sử dụng LPG trên thế giới và ở Việt Nam như rò rỉ, cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và môi trường; nêu và phân tích đặc điểm trong sử dụng LPG ở Việt Nam; đề xuất tiêu chí xây dựng kịch bản sự cố, tổng hợp các kịch bản có thể xảy ra và lựa chọn kịch bản sự cố nổ hoàn toàn thiết bị (TB) bồn chứa LPG là sự cố nguy hiểm nhất và có nguy cơ xảy ra rất cao trong sử dụng LPG ở Việt Nam do bản thể thiết bị không bảo đảm an toàn hoặc do tác động cơ - nhiệt từ bên ngoài để xây dựng phương pháp đánh giá sự cố; đồng thời xây dựng bổ sung, hoàn thiện cơ sở khoa học (CSKH) đánh giá sự cố nổ TB chứa LPG; xây dựng quy trình đánh giá sự cố nổ TB chứa LPG và áp dụng nghiên cứu trường hợp điển hình: Đánh giá sự cố nổ bồn 20 tấn LPG; khảo sát, đánh giá thực trạng, nguyên nhân gây sự cố trong sử dụng LPG ở Việt Nam; đề xuất khái niệm “an toàn môi trường thiết bị” và xây dựng cơ sở quản trị rủi ro (QTRR) kỹ thuật trong sử dụng LPG; đề xuất giải pháp phòng ngừa SCMT trong sử dụng LPG ở Việt Nam. Với các kết quả nghiên cứu đã đạt được, luận án đã mang lại các ý nghĩa khoa học - thực tiễn, kinh tế - xã hội như: Xây dựng CSKH đánh giá SCMT một cách định lượng, góp phần bổ sung CSKH về QTRR kỹ thuật để phòng ngừa SCMT do TB chứa LPG và là cơ sở để xây dựng phần mềm tính sức bền TB chứa LPG, phần mềm tính phát tán LPG do sự cố nổ TB chứa LPG với đặc điểm là năng lượng cao, phát tán nhanh, gián đoạn… và áp dụng đối với các môi chất được chế biến và sử dụng ở nhiệt độ trên nhiệt độ sôi bình thường của môi chất; góp phần bổ sung, hoàn thiện tài liệu giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đánh giá rủi ro, đánh giá tác động môi trường. Nêu và phân tích nguyên nhân một số bất cập, đề ra giải pháp đồng bộ, mang tính hệ thống để phòng ngừa sự cố trong sử dụng LPG ở Việt Nam và những nước có điều kiện KT-XH tương tự; xác định tiêu chí xây dựng kịch bản sự cố trong sử dụng LPG ở Việt Nam và lựa chọn kịch bản sự cố nổ TB chứa LPG là sự cố có nguy cơ xảy ra cao và gây thiệt hại nghiêm trọng về con người, tài sản và môi trường; góp phần bổ sung, hoàn thiện cơ sở xây dựng tiêu chuẩn ATMT trong sử dụng LPG và môi chất có đặc tính, điều kiện chế biến, sử dụng tương tự; xây dựng phương pháp đánh giá SCMT trong sử dụng LPG. Luận án còn góp phần bổ sung CSKH để đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong chế biến và sử dụng LPG; dự báo khả năng ảnh hưởng của các sự cố có thể xảy ra khi xây dựng các cơ sở sử dụng LPG cũng như sử dụng hóa chất nguy hại khác có đặc tính tương tự như LPG. Đáp ứng yêu cầu đánh giá rủi ro kỹ thuật cho các dự án có sử dụng LPG đang ngày càng phát triển ở nước ta, đề ra các giải pháp phòng ngừa sự cố trong sử dụng LPG ở Việt Nam. Có thể vận dụng phương pháp đánh giá cho công nghiệp hóa chất, kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí; bổ sung CSKH và thực tiễn để góp phần quy hoạch công nghiệp, quy hoạch môi trường, quy hoạch đô thị, khu dân cư, dự báo sự cố, quản lý môi trường trong chế biến và sử dụng LPG; phương pháp đánh giá SCMT được đề xuất giúp các nhà quản lý ra quyết định đúng để quản lý ATMT trong sử dụng LPG. Từ đó, có chiến lược ngăn ngừa và ứng cứu sự cố nhằm giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn, BVMT.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Huỳnh, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực an toàn môi trường dầu khí, nguyên Giám đốc Trung tâm an toàn môi trường dầu khí, đã nhận xét: “Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến SCMT do LPG gây ra đã được công bố trong và ngoài nước, nhưng luận án này là một trong những công trình nghiên cứu cơ bản, hệ thống về SCMT do LPG. Luận án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn nhằm đề xuất phương pháp đánh giá SCMT và giải pháp bảo đảm an toàn, phòng ngừa SCMT trong sử dụng LPG phù hợp với điều kiện Việt Nam và cũng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Kết quả nghiên cứu của luận án đóng góp một phần vào việc bảo đảm cho việc sử dụng lâu dài và có hiệu quả LPG ở Việt nam”.

Kết quả nghiên cứu của TS Lý Ngọc Minh cũng được đánh giá cao tại các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Tại hội nghị quốc tế lần thứ nhất về phòng ngừa tai nạn tổ chức tại Hàn Quốc năm 2010 – hội nghị quy tụ các nhà khoa học hàng đầu thế giới về đánh giá rủi ro và quản trị thảm họa, TS Lý Ngọc Minh đã được mời báo cáo tham luận và được mời làm đồng chủ tọa phân ban “đánh giá và quản lý rủi ro”. Kết quả nghiên cứu của luận án cũng được mang ra phục vụ cộng đồng.

Điều đáng nói ở đây, TS Lý Ngọc Minh, cháu nội của nhà cách mạng tiền bối Bùi Hữu Diên, anh là cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội, người gắn bó lâu năm và tâm huyết với công việc bảo đảm an toàn thiết bị công nghiệp đã trải qua một hoàn cảnh không bình thường. Từ gần 15 năm qua, Lý Ngọc Minh mắc một căn bệnh khá hiểm nghèo là u rễ thần kinh cột sống. Anh đã phải trải qua gần chục cuộc đại phẫu tại các bệnh viện hàng đầu trong và ngoài nước. Mỗi lần lên bàn mổ là mỗi lần chiến đấu với tử thần. Nhưng cứ qua một lần mổ anh lại như được tái sinh về tinh thần và ý tưởng, vẫn lạc quan, yêu cuộc sống và sống đầy trách nhiệm, nhân ái, bao dung. Luận án thạc sĩ và tiến sĩ của anh ra đời giữa các lần mổ, nhiều vấn đề được viết trên giường bệnh; và viết một cách xuất sắc. Với anh, niềm đam mê lớn nhất là đem những hiểu biết của mình đến cho sinh viên, người dân để hạn chế thấp nhất những tai nạn khi sử dụng dầu khí. Vì vậy, hàng ngày, trên chiếc xe lăn, TS Lý Ngọc Minh vẫn đều đặn lên giảng đường, có khi anh còn lên tận Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai giảng dạy. Anh còn viết và cho xuất bản hàng ngàn trang sách về đề tài An toàn công nghiệp và các vấn đề khác. Thật là một người thầy tâm huyết và có nghị lực đáng khâm phục.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cầu chúc TS Lý Ngọc Minh có đủ sức khỏe để đi tiếp con đường của một nhà giáo – nhà khoa học hết lòng vì sự an toàn dầu khí.

Minh Hạnh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN