Ở Bạc Liêu, việc xây dựng nông thôn mới tuy đã làm khá lâu, nhưng chưa thật sự bài bản. Chỉ đến năm 2011, khi huyện Phước Long được chọn là một trong số 64 huyện của cả nước được Trung ương tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM), công việc mới dần đi vào chiều sâu và bước đầu cho nhiều tín hiệu vui. Kết quả thu được trong 6 tháng thực hiện xây dựng NTM ở Phước Long đã giúp cho huyện và tỉnh rút ra những ''bài học'' cụ thể, thiết thực trong tổ chức chỉ đạo điều hành và cũng từ thực tiễn, có ''vấn đề'' nảy sinh, và sẽ trở thành ''vấn đề lớn'' nếu không có giải pháp khắc phục tốt. Đó là tình trạng lao động nông thôn đang có xu hướng "ly nông-ly hương''.
Nhiều vùng trồng lúa ở nông thôn Bạc Liêu, hiện nay rất khó tìm được đủ lao động để phục vụ cho việc làm ruộng, đặc biệt là trong khâu thu hoạch lúa, nhất là ở trà lúa hè thu và đông xuân hàng năm.
''Ly nông bất ly hương'' người xưa nói vậy, nhưng hiện nay, việc này đang bị phá vỡ, khi đã có đến 50-60% lao động nông nhàn đã và đang tiếp tục rời quê lên thành phố kiếm sống. Do cuộc sống tại quê nhà ngày càng chật vật trước tình trạng vật giá không ngừng leo thang, khi sản xuất còn đơn điệu, ngành nghề phụ chậm phát triển, thời gian nông nhàn trong năm quá dài, cuộc sống không thể chỉ trông vào ''vài ba công ruộng-ao tôm'' mà có thể đủ sống, trong khi gia đình nào cũng ''con bầy, cháu đàn"...
Vụ lúa hè thu năm 2011 sắp thu hoạch, cần đến hàng chục ngàn lao động thu hoạch, phơi sấy lúa, nhưng người trồng lúa đang lo ngày đêm vì viễn cảnh thiếu nhân công thu hoạch lúa do lao động nông nhàn đã ly hương quá nhiều, người biết nghề gặt lúa tại chỗ không còn được bao nhiêu. Do đó dù giá công gặt hiện nay đã tăng gấp đôi vụ hè thu năm 2010, và nhiều hộ nông dân còn mạnh dạn đặt tiền cọc trước để giữ chân người có nghề gặt lúa, nhưng cũng khó tìm đủ lao động phục vụ việc thu hoạch lúa hè thu.
Nông dân kêu, các địa phương vùng trồng lúa kêu, các nhà quản lý biết, nhưng rồi chuyện cứ xảy ra khi mùa vụ thu hoạch lúa lại về. Theo tính toán của cơ quan chức năng, hàng năm tổn thất lúa sau thu hoạch ở Bạc Liêu, vụ hè thu lên đến 15% sản lượng. Lúa vụ hè thu của Bạc Liêu hàng năm cho sản lượng từ 300-320 ngàn tấn, con số thiệt hại là không nhỏ chút nào.
Trong khi đó, máy gặt đập liên hợp dùng cho thu hoạch lúa, toàn tỉnh đếm được trên đầu ngón tay. Chủ trương về đẩy mạnh cung cấp tín dụng cho nông dân mua sắm trang thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo Chỉ thị 297 /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở Bạc Liêu thực hiện quá ''ì ạch'' mà nguyên nhân chính là do phía ngân hàng quá chặt tay, sợ rằng nông dân làm không được, bị thua lỗ, khó mà thu hồi vốn. Từ đó việc đầu tư cho mua sắm: Máy gặt đập liên hợp; máy sạ hàng; làm sân phơi - lò sấy lúa... rất khó khăn, đòi hỏi đủ thứ thủ tục, nông dân ngán ngẩm, không còn mặn mà "xin vay" để có vốn mua những công cụ về phục vụ sản xuất. Cho nên ''ly hương'' rời quê ra chợ, lên thành phố là con đường được người lao động nông nhàn ở Bạc Liêu lựa chọn như là cứu cánh hiện nay.
Thực trạng này đang đặt ra nhiều vấn đề về xã hội khá phức tạp cần được các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để tìm lối ra cho người lao động, giữ chân nông dân với ruộng đồng. Không thể hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn khi lao động không còn mặn mà với đồng ruộng quê nhà nữa.
Cao Thăng