Mái nhà của những mảnh đời bất hạnh

Hơn 15 năm qua, chùa Quang Châu (thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) là nơi “cứu nhân độ thế” cho nhiều mảnh đời bất hạnh. Với tâm nguyện một đời hướng Phật, vị sư cô Thích Nữ Minh Tịnh đã dang rộng vòng tay cứu giúp bao thân phận con người qua cơn giông bão.


Những số phận nghiệt ngã


Cách đây 18 năm, khi vùng nông thôn ngoại ô thành phố Đà Nẵng còn thưa thớt người, sư cô Thích Nữ Minh Tịnh vừa học xong trường Phật Phổ Đà đã xin về làm trụ trì chùa Quang Châu. Lúc mới nhập chùa, sư cô chỉ có một mình, quán xuyến tất cả mọi việc trong chùa.

Sư cô Minh Tịnh và những em nhỏ ở chùa Quang Châu.


Nói về cơ duyên đưa đẩy cô đến với những mảnh đời bất hạnh, sư cô tâm sự: “Từ thời còn đi học ở trường Phật, tôi đã có mong muốn được làm việc thiện. Người xuất gia phải phụng sự chúng sanh như phụng sự cho Phật, lo cho chúng sanh như lo cho Phật.” Mùa đông năm 1997, sư cô nghe tiếng khóc của một sinh linh trước cổng chùa. Sư cô chạy đến mới phát hiện có một đứa trẻ vừa mới sinh bị bỏ rơi. Đứa bé chỉ nặng chưa đến 2 kg, còn rất yếu ớt, môi tím tái đi vì lạnh. Sư cô lập tức đưa bé đi cấp cứu ở Bệnh viện Hòa Vang. Nhờ vậy mà đứa bé được cứu sống. Cũng có nhiều trường hợp, do cha mẹ quá nghèo, không đủ khả năng nuôi nấng con cái nên bế đến gửi nhờ sư cô chăm sóc rồi không còn quay trở lại. Sư cô Minh Tịnh cũng dang rộng vòng tay đón những đứa trẻ bị bỏ rơi trong thùng rác Hòa Cầm, thùng rác Hòa Sơn, được những người dân tìm thấy và mang đến chùa. “Có nhiều trường hợp không phải là họ nhẫn tâm bỏ đi đứa con mình dứt ruột sinh ra. Nhưng do nhiều hoàn cảnh, họ phải nhờ những vòng tay nhân ái giúp đỡ”, sư cô Thích Nữ Minh Tịnh tâm sự.


Đến nay, sư cô Thích Nữ Minh Tịnh đã cưu mang và nuôi dưỡng hơn 90 trẻ em bất hạnh, trong số đó có 25 trẻ sơ sinh. Tất cả các em đều được đi học. “Tuy phải lo cho từng bữa ăn giấc ngủ của các em, nhưng hằng đêm, nghe tiếng ê a tập đọc, đánh vần của chúng, tôi thấy rất vui, mọi mệt nhọc đều xua tan hết”, sư cô Minh Tịnh bộc bạch. Nhiều em có thành tích học tập tốt, trong đó có 2 em đang theo học trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng và một em đang du học ở Trung Quốc.


Hết lòng với những “người con”


Mới đây, sư cô Minh Tịnh đón thêm 5 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trước cổng chùa. Khi nhà chùa nhận vào thì phát hiện cả 5 em nhỏ này đều gặp vấn đề về sức khỏe. Sư cô đã phải thuê phòng trọ gần khu vực Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và thuê thêm người giúp việc để chăm sóc các cháu nhỏ. Sư cô Minh Tịnh luôn coi các em như những người con của mình. Còn những em từ nhỏ được cô nuôi nấng, dạy bảo cũng coi sư cô như người mẹ hiền của mình. Chùa Quang Châu còn là mái nhà của những người già không nơi nương tựa. Phần vì do hoàn cảnh quá nghèo, phần vì do con cái không nuôi dưỡng, ruồng bỏ nên những thân phận gần đất xa trời tìm đến nương nhờ cửa Phật.

Sư cô Minh Tịnh trò chuyện với những nhà hảo tâm đến đóng góp cho chùa.


Để có kinh phí nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ các em, sư cô Minh Tịnh đã phải xoay xở đủ đường. Ngoài nguồn kinh phí từ lòng hảo tâm của các phật tử, các mạnh thường quân giúp đỡ, sư cô Minh Tịnh còn sản xuất bánh kẹo chay bán ra thị trường. Chùa còn làm thêm 2 sào ruộng để có thêm gạo trong bữa ăn. Mỗi sáng sư cô Minh Tịnh đều phải dậy thật sớm, nấu mỳ Quảng mang ra chợ bán.


Người dân vùng quê xã Hòa Châu sống xung quanh ngôi chùa nhân ái ai cũng cảm động với những nghĩa cử cao đẹp của sư cô Minh Tịnh. Rồi có những người tự nguyện xin vào phụ giúp nhà chùa chăm sóc cuộc sống của những mảnh đời bất hạnh. Dì Châu là một trong số những người như vậy. Đã 6 năm qua, dì Châu tự nguyện đến phụ giúp sư cô Minh Tịnh, để sư cô bớt đi một phần khó khăn. “Nghĩa cử của sư cô Minh Tịnh, người dân ở đây ai cũng biết. Tôi chỉ mong góp một phần sức lực để nơi đây thực sự là mái nhà, là nơi cứu nhân độ thế cho những cảnh đời bất hạnh”, dì Châu cho biết.
Một ngày sư cô Minh Tịnh chỉ ngủ có 3 tiếng đồng hồ. Sức khỏe giảm sút, sư cô bị mắc thêm bệnh sỏi thận, phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) kiểm tra định kỳ. Bác sỹ khuyên nên nằm viện và mổ nhưng vì lo cho các con không có ai chăm sóc nên sư cô xin về. “Một ngày không có tôi, không biết bọn trẻ sẽ như thế nào. Thôi thì mổ sau. Tôi uống thuốc làm tan sỏi cũng thấy đỡ rồi. Chứ nằm trong đây mà cứ để lũ trẻ như thế tôi không an tâm”, sư cô Minh Tịnh tâm sự.


Bài và ảnh:Vĩnh Hàn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN