“Mái nhà” miền Trung có tỷ lệ rừng trồng bù rất thấp

Nhiều chuyên gia cho rằng, lũ lụt miền Trung là do hệ quả của việc phá rừng gây ra. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp về vấn đề này.

Xin ông cho biết, vai trò của rừng đầu nguồn trong việc hạn chế lũ lụt ở miền Trung thời gian qua?

Rừng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phòng hộ, hạn chế tác động xấu của thời tiết bất thường như lũ lụt, sạt lở... Trong nhiều năm qua, diện tích rừng ở khu vực miền Trung đã được khôi phục và tăng lên về mặt diện tích. Tuy vậy, diện tích rừng tăng lên chủ yếu là rừng mới khoanh vùng, tái sinh, phục hồi, nên không có giá trị về bảo vệ môi trường phòng hộ như rừng nguyên sinh.

Thôn Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn đang bị nước lũ cô lập. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

Chúng ta đã cố gắng trồng rừng, đây cũng là một trong những giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn chế hậu quả của thiên tai. Việt Nam cũng có nhiều chương trình đầu tư cho rừng ở miền Trung, các tỉnh này cũng đang tham gia tích cực phát triển rừng, nhưng chúng ta vẫn phải nâng cao chất lượng rừng ở khu vực Tây Nguyên để rừng thực sự có giá trị phòng hộ tốt hơn cho khu vực hạ lưu.


Bộ NN&PTNT đang xây dựng Luật Lâm nghiệp, luật này sẽ có những quy định gì để giúp rừng không bị tàn phá thưa ông?

Chúng tôi xây dựng Luật Lâm nghiệp để thể chế hóa chủ trương quản lý rừng, phát triển kinh tế xã hội vùng bền vững, quan tâm đến độ che phủ của rừng, chất lượng rừng, để giảm tác động tiêu cực của thiên tai. Còn các chế tài xử lý về phá rừng đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, Luật về xử lý vi phạm hành chính. Việt Nam cũng đang sửa Bộ luật Hình sự theo hướng tăng chế tài xử phạt với hành vi vi phạm về rừng, tăng hình phạt cả về mặt hình sự và hành chính.


Xin ông cho biết, đến nay, các chủ đầu tư thủy điện đã trồng bù các diện tích rừng đã bị lấy làm thủy điện chưa?

Diện tích chuyển đất rừng sang làm thủy điện mà các nhà máy thủy điện phải trồng bù đến hết năm 2015 là trên 21.000 ha. Đến hết tháng 11/2016 đã trồng được trên 90% và cơ bản những thủy điện chưa thực hiện trồng bù đã nộp tiền vào quỹ bảo vệ phát triển rừng cấp tỉnh. Về tổng thể trên địa bàn toàn quốc, cuối năm 2016, các công trình thủy điện sẽ trồng bù đủ diện tích được chuyển đổi. Có một số tỉnh trồng vượt như ở Lai Châu, nhưng còn nhiều tỉnh vẫn “nợ”. Chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc các tỉnh này, đặc biệt là các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, việc trồng rừng thay thế nói chung và trồng rừng thay thế đối với các công trình thủy điện ở khu vực này đạt rất thấp, có tỉnh mới đạt 30%.

Xin cảm ơn ông!

“Đợt mưa tháng 12/2016 là đợt mưa lũ cuối cùng trong năm ở Trung và Nam Trung Bộ. Sau đó, thời tiết vẫn có thể có mưa, nhưng không xảy ra mưa lũ lớn như hiện tại. Thời điểm này, trung tâm nhiễu động vẫn tập trung ở Việt Nam gây mưa, xoáy thấp, cụ thể là áp thấp nhiệt đới vừa qua. Cũng do hoạt động của đợt rãnh thấp nhiệt đới này, nên dự báo mùa khô 2016 - 2017 vẫn có hạn hán, nhưng ít khốc liệt hơn so với mùa khô 2015 - 2016”. 

Ông Nguyễn Đăng Quang, Trưởng phòng Dự báo Hạn vừa hạn dài, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết


Hữu Vinh - Thu trang (thực hiện)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN