“Trung úy Sa Minh Ngọc và các đồng đội, đã phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tới Nam Sudan, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”, dự thảo Báo cáo Tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2016-2020), phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 đánh giá về nữ Trung úy cùng các đồng đội.
Chia sẻ về cái duyên đến với hoạt động cao cả, mang tầm vóc nhân loại của Liên hợp quốc, Trung úy Sa Minh Ngọc cho biết: "Tôi biết đến hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Cùng với mơ ước được trở thành người chiến sỹ trong Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Malaysia về nước, tôi đã viết đơn tình nguyện xin vào phục vụ quân đội và nộp hồ sơ tuyển dụng vào Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, chính thức được lựa chọn và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình từ năm 2015. Thời điểm đó, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam vừa mới được thành lập tròn 1 năm".
Năm 2016, Trung úy Sa Minh Ngọc được cấp trên tin tưởng và giao nhiệm vụ tham gia vào đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, tập kết tại Bệnh viện Quân y 175 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, chị đảm nhận vị trí Sỹ quan hành chính, thuộc Ban Điều hành Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1.
“Trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, mỗi người một hoàn cảnh, có những khó khăn, vất vả khác nhau. Đối với tôi, nhận nhiệm vụ vào thời điểm trước ngày cưới của mình tròn 5 tháng, nhưng với phẩm chất và bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ, cùng sự quan tâm, động viên sâu sát và tạo điều kiện của thủ trưởng các cấp, chúng tôi luôn xác định rõ tinh thần trách nhiệm, cùng đoàn kết để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ”, Trung úy Sa Minh Ngọc tâm sự.
Việt Nam chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc vào năm 2014. Tháng 1/2018, Việt Nam cử nữ sỹ quan đầu tiên tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc làm sỹ quan tham mưu tác chiến ở Phái bộ tại Nam Sudan. Tháng 10/2018, Việt Nam triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đến phái bộ UNMISS tại Bentiu, Nam Sudan, trong đó có 10 nữ quân nhân trên tổng số 63 cán bộ, nhân viên y, bác sỹ, chiếm gần 16% - tỷ lệ nữ cao hơn mức kêu gọi của Liên hợp quốc.
Tháng 11/2019, Việt Nam triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 và tiếp tục duy trì bảo đảm tỷ lệ nữ quân nhân tham gia như trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (10/63 đồng chí). Đối với hình thức cá nhân, Việt Nam hiện đang duy trì số lượng 3 nữ sỹ quan tham gia trên tổng số 16 đồng chí, chiếm gần 19% và cũng cao hơn nhiều so với mức kêu gọi của Liên hợp quốc.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, sau này đến Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, các nữ quân nhân của Việt Nam đều tham gia với tỷ lệ cao, bảo đảm hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ, khẳng định được phẩm chất, năng lực và để lại hình ảnh ấn tượng về người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Quân đội trong môi trường hoạt động đối ngoại đa phương hết sức đặc thù của Liên hợp quốc trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Hiện nay, khi châu Phi đang trở thành điểm nóng của đại dịch COVID-19, bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Liên hợp quốc và Bộ Quốc phòng giao, cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ tại Cộng hòa Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi vẫn tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Liên hợp quốc, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và phòng, chống dịch bệnh, để lại hình ảnh tốt đẹp của dân tộc, con người và quân đội Việt Nam đối với thế giới, với nhân dân các quốc gia nơi các chiến sỹ đóng quân, góp phần làm sáng mãi phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.
Với những kết quả đạt được, các nữ quân nhân của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, khả năng hoàn thành nhiệm vụ và là điểm sáng trong nhiều hoạt động của Liên hợp quốc tại các phái bộ thực địa, nhất là trong công tác đối ngoại nhân dân.
Những nữ quân nhân của Việt Nam tham gia không chỉ vào các hoạt động của Phái bộ, mà còn cả các hoạt động bên ngoài của Phái bộ như giúp đỡ nhân dân ở các vùng đóng quân trong những sinh hoạt đời thường như: trồng rau, giúp người dân nuôi dạy con cái, may khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19. Đó là những hình ảnh rất cảm động về khả năng của người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, kiên trung, cũng như khẳng định những đóng góp rất tích cực của Việt Nam vào việc thực hiện Chương trình nghị sự Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trong khu vực và trên trường quốc tế, đóng góp vào sự thành công của Việt Nam trong việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục có chủ trương duy trì, xem xét khả năng nâng cao hơn nữa tỷ lệ nữ tham gia vào hoạt động này; nhất là việc nữ quân nhân nộp hồ sơ để ứng thi vào làm việc tại các vị trí cao hơn tại trụ sở Liên hợp quốc và Sở Chỉ huy phái bộ. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động nghiên cứu để tiếp tục quan tâm bảo đảm tốt hơn các chính sách đãi ngộ, trọng dụng để hỗ trợ phụ nữ yên tâm tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình với hiệu quả công việc ngày càng chất lượng hơn.