Thu nhập kém, người lao động ở lại thành phố
Theo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, Tết năm nay, số công nhân, lao động không về quê nhiều hơn hẳn so với các năm trước. Khảo sát ban đầu của các cơ quan chức năng, số công nhân lao động và sinh viên học sinh đăng ký ở lại chiếm trên 70%, tương đương 200.000 người. Nguyên do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến lương thưởng bị giảm nên số công nhân không về quê tăng.
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, qua ghi nhận chương trình “Tấm vé nghĩa tình” tặng vé xe, vé tàu hỏa, vé máy bay cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết năm nay cho thấy, số lượng công nhân đăng ký vé giảm nhiều so với mọi năm.
Cụ thể, mọi năm các cấp công đoàn và doanh nghiệp thành phố hỗ trợ khoảng 40.000 vé miễn phí cho công nhân thì năm nay chỉ hơn 35.000 vé. Riêng khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố, năm trước, tặng hơn 4.000 vé thì năm nay cũng chỉ khoảng 1.500 vé.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch công đoàn các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố cho biết, ước tính, số công nhân ở lại thành phố ăn Tết khoảng từ 65 - 70%, tương đương trên 160.000 lao động trong tổng số khoảng 277.000 người lao động đang làm việc tại các khu ở lại ăn Tết.
Khó khăn càng thêm chồng chất khi dịch bệnh kéo dài suốt cả năm 2020 khiến cho gia đình chị Nguyễn Thị Phượng Loan, hiện làm tại Công ty TNHH Freetrend Việt Nam, Khu chế xuất Linh Trung 1 (quê ở Thái Bình) không có cơ hội về quê đón Tết. Chị Loan cho biết, qua năm đại dịch, cả nhà sinh sống được ở thành phố là đã tốt lắm rồi. Nhiều người còn khổ hơn do bị giảm giờ làm, giảm lương hay nghỉ việc càng thêm vất vả, không đủ tiền về quê lúc này.
Tương tự, anh Phạm Thanh Lâm từ tỉnh Quảng Nam vào thành phố làm ở Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi) đã hơn 8 năm nay có hoàn cảnh éo le khi cả nhà gồm vợ và 2 con chỉ trông chờ vào khoản lương của anh, chỉ được hơn 9 triệu đồng/tháng kể cả khi tăng ca. Anh Phạm Thanh Lâm chia sẻ: "Có tiếng là đi làm ở thành phố lâu năm, nhưng dịch bệnh và trong hoàn cảnh này thì làm gì có tiền để về quê đón Tết. Thôi thì đành ở lại thêm một năm nữa đón Tết xa nhà, đợi khi nào kinh tế ổn định sẽ tính đến việc đưa vợ con cùng về quê".
Không những thế, nhiều trường hợp công nhân lao động còn đáng buồn hơn khi được tổ chức Công đoàn, doanh nghiệp hỗ trợ vé xe nhưng không dám về. Nhiều người trong số đó cho biết, giờ về quê chí ít cũng phải có chút quà, bánh để gửi biếu bà con. Ngoài ra, còn đủ thứ chi tiêu phát sinh mới, trong khi, người lao động cả năm qua tiền sinh hoạt hằng tháng cho gia đình chắt chiu lắm mới đủ, huống gì về Tết.
Dịch bệnh, người lao động đón Tết xa nhà
Trong những ngày qua, dịch bệnh bùng phát trở lại ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên khiến cho số người ở lại thành phố ăn Tết tiếp tục gia tăng.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, thống kê đến thời điểm này, số lượng công nhân, người lao động ở lại thành phố đón Tết Tân Sửu 2021 đã hơn 850.000 người. Tuy nhiên, phần nhiều công nhân lao động ở lại do cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn; phần còn do e ngại dịch bệnh nên cũng trả hay đổi vé tàu hỏa, vé máy bay để năm sau có thể bắt tay vào việc ngay khi hết Tết.
Ngay trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hiện nay, Liên đoàn Lao động thành phố đã chỉ đạo Công đoàn các cấp tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, triển khai nhiều giải pháp chăm lo thiết thực cho công nhân, nhất là người lao động ở lại thành phố ăn Tết. Đồng thời, phát hành thư ngỏ kêu gọi đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động thành phố đẩy mạnh thực hiện biện pháp 5K theo khuyến nghị của Bộ Y tế; thường xuyên theo dõi thông tin dịch bệnh, hạn chế đi lại các địa phương có xuất hiện ca bệnh; ghi chép hành trình di chuyển; chấp hành quy định, yêu cầu của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch bệnh.
Ông Trần Đoàn Trung cũng khuyến nghị người lao động tuyệt đối không lan truyền thông tin sai sự thật, không rõ nguồn gốc. Đồng thời cho rằng, việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục hoạt động, phát triển kinh tế là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và đó cũng là điều kiện tiên quyết để duy trì việc làm, đảm bảo thu nhập, đời sống cho mỗi người lao động.
"Trong những ngày Tết, mỗi người lao động cần lưu tâm đến sự an toàn cho chính bản thân, gia đình và những người chung quanh. Đó là an toàn về thực phẩm, an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn khi tham gia giao thông… để cái Tết thật sự vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm", ông Trung nhấn mạnh.
Trước thực trạng gia tăng người lao động ở lại thành phố đón Tết năm nay, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương đánh giá tổng thể để tính toán nhu cầu và nguồn hàng đáp ứng phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời, yêu cầu toàn bộ người dân thành phố hạn chế tối đa việc đi lại, thăm hỏi, chúc Tết, liên hoan, họp mặt.
Khi ra khỏi nhà và đến nơi công cộng người dân phải đeo khẩu trang; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế và thành phố; vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công nhân viên tổ chức làm việc trong dịp tết, sinh hoạt tại chỗ...
Đồng hành cùng công nhân lao động Tết năm nay, các cấp Công đoàn thành phố cùng nhiều đơn vị, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội đã tìm nhiều giải pháp chung tay chia sẻ, hỗ trợ công nhân lao động trong hoàn cảnh dịch bệnh nhiều khó khăn. Nhiều chủ nhà trọ cũng đã giảm, giãn tiền thuê nhà, điện nước cho công nhân; nhiều doanh nghiệp dù khó khăn vẫn cố gắng có tiền thưởng Tết cho người lao động; đưa nhiều người lao động về quê đón Tết hay hỗ trợ chăm lo người lao động xa quê đón Tết đầm ấm giữa lòng thành phố.
Bài cuối: Ấm áp và nghĩa tình