Biển quảng cáo giao thông bị lạm dụng để quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến khả năng quan sát, tập trung của người tham gia giao thông, từ đó dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Thông tin quảng cáo được đăng tải xen lẫn với nội dung hướng dẫn giao thông. ẢNH: CTV |
Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều tuyến phố trọng điểm của Hà Nội như: Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Khánh Toàn, Đại Cồ Việt, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương..., các biển điện tử hướng dẫn giao thông đều được lắp đặt ở những vị trí đẹp, dễ nhận biết, ngay tại các ngã ba, ngã tư. Điều đáng nói, các bảng biển này được lắp đặt nhằm để tuyên truyền, hướng dẫn giao thông cho mọi người, nhưng lại dành phần lớn diện tích cho quảng cáo và chỉ nhường một phần nhỏ cho nội dung tuyên truyền, hướng dẫn giao thông.
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Tin tức, những biển quảng cáo điện tử có kèm hướng dẫn giao thông này thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Vina Media, đơn vị chuyên về quảng cáo ngoài trời. Theo giới thiệu của Vina Media trên website chính thức của đơn vị này: “Công ty cổ phần Vina Media được thành lập để thực hiện dự án “Lắp đặt bảng điện quang VMS và camera quan sát giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Những biển do Vina Media quản lí được đặt trên một cột sắt to, có chiều cao 5 - 6 m, chìa ra ngoài đường bảng khổ lớn (2,5x2,5 m). Bảng chia làm 2 phần: Phía trên là các tấm đèn LED, phía dưới màu sáng, có các cảm biến như hình lò xo. Ban đầu những bảng này chỉ hiển thị những khẩu hiệu tuyên truyền, những lời cảnh báo hoặc chỉ dẫn giao thông. Nhưng sau một thời gian, nửa còn lại của biển hướng dẫn giao thông có thêm những nội dung quảng cáo.
Anh Nguyễn Trung Thành, một người dân sống ở đường Nguyễn Khánh Toàn cho biết: “Tấm biển này đã xuất hiện ở đây hơn 1 năm. Ban đầu, tấm biển được dựng lên để chỉ đường và hướng dẫn giao thông. Tuy nhiên, thời gian gần đây, toàn thông tin quảng cáo trên đó...”.
Đáng lưu ý, đối với tấm biển quảng cáo điện tử, cứ 5 giây, tấm biển xuất hiện một dòng quảng cáo và phải mất 3 đến 5 phút sau, một khẩu hiệu tuyên truyền hoặc bảng hướng dẫn giao thông mới xuất hiện.
Theo nhận xét của nhiều người, do những tấm biển này có khổ lớn, chạy đèn LED điện tử rất bắt mắt, dễ thu hút sự chú ý của người tham gia giao thông, dễ khiến người đi đường mất tập trung, không quan sát được đường và dễ gây va chạm giao thông bất ngờ.
Theo quy định về Biển chỉ dẫn đường bộ Việt Nam trong Luật Giao thông đường bộ, nhóm biển chỉ dẫn giao thông gồm có 48 kiểu (được đánh số thứ tự từ biển số 401 đến biển số 448) để báo cho người tham gia giao thông biết những định hướng cần thiết trong hành trình. Trong số các biển chỉ dẫn giao thông kể trên, không có loại biển chỉ dẫn giao thông được thiết kế theo dạng biển điện tử. Ngoài ra, cũng không có quy định nào cho phép quảng cáo trên các biển chỉ dẫn giao thông.
Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: "Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, các công trình, biển quảng cáo không được phép đặt trong phạm vi hành lang ATGT đường bộ, chứ chưa nói đến đặt trên đường giao thông. Nếu biển quảng cáo đặt trên đường sẽ gây mất tập trung và ảnh hưởng đến khả năng quan sát của người đi đường gây mất ATGT. Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ kiểm tra lại và làm việc cụ thể với với Ban ATGT TP Hà Nội về vấn đề này".
Luật Quảng cáo có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 cũng quy định từ năm 2013 "Bãi bỏ việc cấp giấy phép thực hiện quảng cáo trên bảng biển, băng rôn, màn hình đặt nơi công cộng, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di dộng khác...”. Do đó, các cơ quan hữu quan cần rà soát và xử lý ngay tình trạng mập mờ giữa quảng cáo và hướng dẫn giao thông đang diễn ra hiện nay.
Nguyễn Tiến