Tình trạng phá rừng trái pháp luật tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong năm 2011 có xu hướng tăng so với năm trước.
Trên 1.000 ha rừng bị phá
Thống kê của Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, so với cả nước, tình trạng phá rừng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên khá nghiêm trọng. Trong 10 tháng đầu năm 2011, đã phát hiện 1.377 vụ phá rừng trái pháp luật, gây thiệt hại 1.313,51 ha rừng. Diện tích rừng bị phá chiếm tới trên % diện tích rừng bị thiệt hại của cả nước, tăng 61,48% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, rừng sản xuất bị thiệt hại nặng nề nhất.
Một góc rừng ở xã Suối Bạc, huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên) vừa bị đốt phá. Ảnh: Thế Lập - TTXVN |
Trọng điểm phá rừng trái pháp luật ở các địa phương hiện nay là các huyện Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Ngo của tỉnh Đắk Nông; huyện Krông Năng, Ea H’leo, Ea Súp của tỉnh Đắk Lắk; huyện Măng Yang, K’bang của Gia Lai; huyện Kon Plông và rừng đặc dụng Đăk Uy của tỉnh Kon Tum; huyện Sơn Hòa và Sông Hinh của tỉnh Phú Yên; huyện Vân Canh của tỉnh Bình Định; các huyện Phước Sơn, Nam Trà My, Hiệp Đức của tỉnh Quảng Nam và huyện Sơn Hà của Quảng Ngãi.
Các đối tượng phá rừng, chủ yếu vì mục đích lấy đất sản xuất, trồng sắn và một số loại cây công nghiệp; để mua, bán sang nhượng trái pháp luật, đòi các dự án đền bù. Tại Phú Yên, theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm, nạn phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép đã tăng đột biến trong năm 2011. Bởi, năm nay giá cả của một số nông sản như sắn, mía tăng cao, nhu cầu đất sản xuất của đồng bào dân tộc càng lớn. Hệ quả, 10 tháng đầu năm, diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm lên tới trên 8.700 ha.
Điều đáng nói, có một số vụ phá rừng diễn ra có tổ chức, công khai, tập trung đông người và đưa ra các yêu cầu về giải quyết đất đai không đúng quy định của pháp luật. Trong đó, có tình trạng không cho các doanh nghiệp được phê duyệt dự án trên đất lâm nghiệp thực hiện dự án.
Hệ lụy từ thiếu quỹ đất canh tác
Theo lãnh đạo Cục Kiểm lâm, một trong những nguyên nhân hàng đầu của tình trạng phá rừng là do thiếu đất cho người dân sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, tại khu vực tái định cư của các công trình thủy điện, thủy lợi, giao thông… người dân không đủ đất canh tác.
Báo cáo của Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 10/2011, tại khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 thuộc xã Trà Bui đã phát hiện 25 hộ gia đình chặt phá 9,08 ha rừng phòng hộ để lấy đất tỉa lúa. Việc làm này đã gây thiệt hại trên 400 m3 gỗ tròn các loại.
Quảng Nam là một trong những tỉnh có nhiều dự án công trình thủy điện, với 43 dự án (một số đang được xây dựng và sắp xây dựng). Theo ông Phạm Thanh Lâm, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, nhìn chung, tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất tại các khu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn biến phức tạp. Để xây dựng thủy điện phải tiến hành di dời và tái định cư cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng dự án. Đa số các hộ dân được bố trí tái định cư tập trung. Tuy nhiên, có nơi người dân chỉ được bố trí chỗ ở mà không có hoặc thiếu đất sản xuất. Để có đất sản xuất họ phải phá rừng, chiếm đất.
Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép tại Phú Yên trong năm nay cũng diễn ra phức tạp. Thống kê của Chi cục Kiểm lâm cho thấy, Phú Yên có trên 53% diện tich là đồi núi, dân số đông và thành phần dân tộc phong phú với nhiều tập quán canh tác còn lạc hậu. Trình độ dân trí và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ rừng còn thấp. Cuộc sống đồng bào dân tộc chủ yếu còn dựa vào đất rừng, số ít còn du canh, du cư. Có nhiều hộ gia đình là người dân tộc thiểu số đã bán phần đất sản xuất nông nghiệp của mình cho một số đối tượng ở đồng bằng lên đầu cơ đất. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất và người dân phải phá, đốt rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để làm nương rẫy.
Nhìn nhận chung về thực tế tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, ông Triệu Văn Lực, Cục phó Cục Kiểm lâm kết luận, đối tượng trực tiếp phá rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc tại chỗ, dân di cư tự do thuộc diện nghèo. Hình thức phá rừng ngày càng tinh vi, như: Tổ chức phá vào ban đêm, cắt cử người cảnh giới, sử dụng công cụ cơ giới như cưa xăng có gắn thiết bị giảm thanh, khi bị phát hiện, lập biên bản thì tìm mọi cách lẩn trốn, chống lại người thi hành công vụ. Các đối tượng này đa phần thuộc diện nghèo, kinh tế khó khăn nên gây khó khăn cho công tác xử lý, thu tiền phạt.
Mạnh Minh