Hội thảo “Điều hành giá xăng dầu ở Việt Nam hiện nay” do Bộ Tài chính chủ trì diễn ra tại Hà Nội hôm qua (20/9) đã thu hút được sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và cả dư luận.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở những ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những kiến nghị với Chính phủ về cơ chế điều hành giá xăng dầu cho hợp lý.
Không chấp nhận lỗ do chủ quan
Nghị định 84/2009/NĐ-CP ban hành từ 15/10/2009 khẳng định thị trường hóa kinh doanh xăng dầu có sự quản lý của Nhà nước, theo đó doanh nghiệp được quyết định giá bán lẻ. Tuy nhiên sau gần 2 năm, quy định này vẫn chưa thực hiện, gây nhiều bất cập, khó khăn trong điều hành và hoạt động của doanh nghiệp.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Nói về chuyện lỗ lãi của doanh nghiệp, Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo rất bức xúc vì theo ông, một số nhà hoạch định chính sách thường chỉ nêu giá dầu thô trên thế giới giảm nhưng lại không làm rõ thực tế là giá xăng, dầu thành phẩm không diễn biến cùng chiều với giá dầu thô: "Nhiều thời điểm, giá dầu thô giảm nhưng giá xăng dầu thành phẩm lại tăng rất cao. Nếu không làm rõ điều này, dư luận trong nước sẽ rất dễ hiểu nhầm là giá xăng dầu trong nước thường “tăng nhanh, giảm chậm”". Đại diện Petrolimex còn cho biết: Từ đầu năm tới nay, Petrolimex đã lỗ 1.800 tỷ đồng và nếu cơ chế giá xăng dầu tiếp tục vận hành như hiện nay thì tháng 9/2011 sẽ lỗ khoảng 200 tỷ đồng...
Phó Tổng giám đốc PV Oil Lê Xuân Trình đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu kịp thời, phù hợp với Nghị định 84/2009/NĐ-CP để đảm bảo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đủ bù đắp chi phí, giá vốn và kinh doanh có lãi trong thời gian tới. PV Oil đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ hoặc có chính sách điều hành vĩ mô để đảm bảo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu mua được USD theo giá niêm yết để thanh toán LC nhập khẩu xăng dầu đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước. Ngoài ra, Bộ Tài chính nên xem xét áp dụng mức trần thù lao cho các đại lý, tổng đại lý phù hợp để hạn chế cạnh tranh nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, tăng mức chi phí kinh doanh xăng dầu trong giá cơ sở từ 600 đồng/lít (400 đồng/kg đối với dầu FO) lên 860 đồng/lít. Theo PV Oil, do các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng, dầu không được tăng giá bán lẻ trong nước để thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ nên Nhà nước cần có biện pháp xử lý các khoản lỗ phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2011.
Trả lời báo giới xung quanh việc doanh nghiệp kêu về chuyện lỗ lãi, người đứng đầu Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Bộ Tài chính sẽ làm rõ việc doanh nghiệp “than” một cách cụ thể xem lỗ ở mặt hàng nào, mức lỗ ra sao... Khi nào có tài liệu đầy đủ, Bộ Tài chính sẽ phúc tra và công bố. Bộ Tài chính và người dân chỉ chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp nếu việc kinh doanh bị lỗ là do lý do khách quan. Chứ không chấp nhận việc bị lỗ do yếu tố chủ quan của doanh nghiệp”.
Can thiệp vào giá xăng dầu để kiềm chế lạm phát
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thừa nhận: Cơ chế điều hành giá xăng dầu trong nước chưa hoàn toàn được vận hành theo cơ chế thị trường. Nhà nước vẫn phải can thiệp vào giá xăng dầu bằng cả các biện pháp kinh tế và biện pháp hành chính để giữ ổn định giá như giảm thuế nhập khẩu, sử dụng Quỹ bình ổn giá… “Sở dĩ như vậy do có nguyên nhân khách quan là tình hình lạm phát tăng cao, nếu để giá xăng dầu trong nước tăng liên tục theo giá thế giới sẽ tác động đẩy mặt bằng giá tăng nên phải có sự can thiệp của Nhà nước”, ông Thỏa nhấn mạnh.
Đại diện Cục Quản lý giá cho rằng: Việc điều hành giá như vậy chỉ là những biện pháp tình thế và sẽ tạo ra những khó khăn nhất định cho sản xuất, kinh doanh, làm cho hệ thống giá không phản ánh đúng giá trị thị trường và tạo cơ hội cho nạn buôn lậu xăng dầu hoạt động. Tuy nhiên, các biện pháp này lại có tác dụng tích cực đối với việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Tại hội thảo, phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng: Vấn đề quan trọng nhất là cần đổi mới phương thức can thiệp của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu. Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, chúng ta chưa thể thả nổi hoàn toàn giá xăng dầu theo thị trường. “Thử hình dung thị trường hoàn toàn tự do và sẽ ra sao nếu 3 công ty xăng dầu lớn chiếm 90% thị phần trong nước là Petrolimex, PV Oil và Saigon Petro đi đêm với nhau. Thị trường sẽ thế nào nếu ở một nơi nào đó, người ta không có quyền lựa chọn mua xăng dầu của nhà phân phối này hay nhà phân phối khác”, ông Huệ nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, chúng ta phải kiên trì điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tuy nhiên lộ trình liều lượng phải thích hợp với mục tiêu của Nhà nước và kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trên cơ sở minh bạch về chính sách và minh bạch về thông tin. Vì thế, mặc dù chúng ta không quay trở lại thời kỳ bao cấp như trước đây nhưng vẫn phải kiên trì nguyên tắc thị trường nhưng có định hướng, có lộ trình phù hợp. Việc can thiệp vào giá xăng trong thời kỳ lạm phát là điều không mong muốn nhưng vẫn phải làm.
TS. Vương Đình Dung - Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội: Nên định giá trần xăng dầu
Theo tôi, Nhà nước không nên trực tiếp định giá mà có thể định hướng, điều tiết giá cùng với doanh nghiệp. Về nguyên tắc, giá cả xăng dầu trong nước cần được xác định sao cho vừa phù hợp với giá quốc tế, vừa phù hợp với mặt bằng giá cả trong nước, bảo đảm lợi nhuận cho nhà kinh doanh, đảm bảo lợi ích chung của nền kinh tế, thuế suất đối với xăng dầu cần phải tính bằng trị số tuyệt đối và cần ổn định.
Cần kiên quyết và triệt để thực hiện việc giao cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng quyết định giá mua, giá bán các mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên Nhà nước vẫn phải giữ vai trò định hướng và tham gia điều tiết khi có biến động giá quốc tế. Nhà nước đặt ra mức giá trần, mức giá này có thể cho một năm, hai năm tuỳ theo mục tiêu kinh tế của Nhà nước. Theo tôi, mức giá trần trong giai đoạn hiện nay nên là 1 USD/lít, trên cơ sở đó nếu giá thế giới biến động làm cho giá bán lẻ trong nước cao hơn 1 USD/lít thì Nhà nước mới can thiệp. Đồng thời với định giá trên 1 USD/lít, Nhà nước cũng đưa ra mức thu các loại thuế, phí quĩ BOG vào một mức thu cố định trên lít hoặc tấn ổn định cho một kỳ kế hoạch (thường là một năm) và tất cả các khoản thu, chi này đều thống nhất vào nguồn thu ngân sách nhà nước do Nhà nước quản lí, điều hành. Trường hợp đặc biệt, Nhà nước mới cần can thiệp tăng giảm mức thu này. Theo tôi, hiện nay nên xác định tổng hợp các mức thu các loại thuế, phí, quỹ BOG là 5.000 đồng/lít (trừ thuế giá trị gia tăng).
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh - Viện Kinh tế Tài chính: Loại bỏ cơ chế xin cho
Sự khác biệt về giá xăng dầu giữa các quốc gia chủ yếu do sự khác biệt giữa các khoản thu ngân sách từ xăng dầu, do đó có đủ cơ sở để Chính phủ công bố trần giá bán lẻ xăng dầu, theo đó vừa loại bỏ cơ chế xin cho, vừa buộc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tìm kiếm lợi nhuận không dựa vào đề nghị tăng giá mà phải dựa vào giảm chi phí sản xuất kinh doanh, dựa vào cơ chế cạnh tranh, dựa vào tăng doanh thu. Căn cứ vào thực tế dự trữ và lưu thông xăng dầu hiện nay, giá trần công bố này thực hiện hàng tháng. Cơ chế này sẽ buộc cơ quan nhà nước kiểm soát chặt doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để tránh thất thu ngân sách nhà nước. |
Minh Phương