Theo Cục Quản lý giá, việc trích quỹ bình ổn giá (BOG) ở nước ta nhằm tạo ra một nguồn lực tài chính để thực hiện bình ổn giá xăng dầu góp phần vào việc bình ổn mặt bằng giá chung. Nếu thời gian qua không sử dụng quỹ BOG thì giá xăng dầu tăng đã phải điều chỉnh tăng nhiều lần và có thể tác động làm tăng thêm giá thành lúa là 1,09- 1,16%, cà phê là 0,93- 1,17%, đánh bắt hải sản xa bờ 10,95-11,5%, thép 3%, vận tải là 6%... làm tăng trực tiếp chỉ số giá tiêu dùng từ 0,33- 0,494%... Chính vì những tác dụng của Quỹ như vậy nên việc hình thành và sử dụng quỹ là cần thiết. Đây cũng là biện pháp điều tiết giá có hiệu quả mà nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo "Điều hành giá xăng dầu ở Việt Nam hiện nay", không nên để quỹ BOG tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Quỹ này phải được quản lý ở Kho bạc Nhà nước, mọi quyết định thu chi quỹ phải do Chính phủ hoặc Bộ được ủy quyền quyết định trên cơ sở đảm bảo hạch toán kinh doanh, lợi ích hợp lý của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc tồn tại quỹ BOG giá xăng dầu là không cần thiết bởi hoạt động trích lập quỹ khiến người tiêu dùng chịu thiệt nhiều, cơ chế quản lý hành chính làm méo mó giá cả thị trường...
Ông Nguyễn Lộc An- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay: Quỹ BOG được xác định là một khoản mục chi phí trong cấu thành giá cơ sở của thương nhân đầu mối, được thương nhân đầu mối quản lý, hạch toán vào một tài khoản riêng của thương hiệu nhưng khi sử dụng lại phải theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước là một bất cập, khiến cho thương nhân đầu mối không có tính chủ động trong xử lý Quỹ BOG trong các trường hợp điều chỉnh giá.
Hơn nữa, thực tế trong điều hành kinh doanh xăng dầu thời gian qua cho thấy, trong bất cứ trường hợp nào, dù kinh doanh lỗ hay lãi, thương nhân đầu mối đều phải trích một khoản cố định 300 đồng/lít, kg vào Quỹ BOG. “Một câu hỏi cần phải đặt ra là khi kinh doanh bị lỗ vốn, thương nhân đầu mối vẫn phải trích, vậy nguồn lực để trích quỹ BOG lấy ở đâu ra. Vì vậy Bộ Tài chính cần sớm tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG; xác định quy mô Quỹ BOG cần thiết để can thiệp thị trường xăng dầu; trên cơ sở đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giải pháp điều hành trong thời gian tới cho phù hợp” ông An bày tỏ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng thừa nhận, Quỹ BOG sẽ cần có cơ chế khác. Cơ quan nào sẽ giữ quỹ này, vấn đề bảo toàn tăng trưởng ra sao, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tổng kết.
Minh Phương