Vì sức khỏe công nhân lắp ráp điện tử - Bài cuối:

Minh bạch thông tin và kiện toàn các quy định

Để phát triển một nền công nghiệp điện tử an toàn, bền vững, trách nhiệm không chỉ thuộc về doanh nghiệp. Người lao động, liên đoàn lao động, các bên liên quan và các nhà khoa học phải cũng phải vào cuộc.

 

Một trong những nguyên nhân khiến công nhân chủ quan với sức khỏe của chính họ, đồng thời ảo tưởng về một môi trường làm việc “sạch” chính là vì chưa có được thông tin về những nguy hại có thể đến với mình.


DN phải công khai


Trên một số trang web về việc làm, khá nhiều lời chào mời tuyển dụng dành cho vị trí “công nhân lắp ráp điện tử”. Nội dung chủ yếu là “lương cao, công việc ổn định, có xe đưa đón, ngồi làm việc trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát, có máy điều hòa”... Khi trao đổi với ứng viên và khi công nhân ký hợp đồng, cũng không doanh nghiệp nào tiết lộ về những nguy cơ đối với sức khỏe do công việc mang lại.

 

Nhiều công nhân lắp ráp điện tử không dùng thiết bị bảo hộ khi làm việc.


Ông Vũ Như Văn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam nhận định: Các doanh nghiệp điện tử không phải không biết về những nguy cơ từ môi trường làm việc đối với sức khỏe công nhân lao động của mình. Nhưng họ sợ, nên không muốn công khai điều đó.


Trong khi đó, công nhân đa phần là lao động phổ thông từ các làng quê, thiếu thông tin, không có kỹ năng bảo hộ lao động. Chính vì vậy, doanh nghiệp muốn bảo vệ đội ngũ lao động của mình và thể hiện trách nhiệm xã hội, thì phải công bố danh mục các hóa chất sử dụng trong các công đoạn sản xuất, nguy cơ của chúng và hướng dẫn người lao động về biện pháp bảo hộ.


Điều này cần được quy định trong các văn bản có hiệu lực pháp luật. Theo ông Vũ Như Văn, Luật An toàn vệ sinh lao động đang được soạn thảo cần có nội dung quy định khắt khe với ngành điện tử và một số ngành khác liên quan; trong đó yêu cầu doanh nghiệp công khai thông tin về hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất. Trên cơ sở đó, có thể xây dựng những văn bản hướng dẫn cho từng ngành nghề. Thậm chí, các cơ quan nhà nước phải có những hướng dẫn, ví dụ thành lập quỹ để các doanh nghiệp ngành này đóng vào, là nguồn giải quyết thiệt hại, đền bù cho công nhân.


Ông Sanjiv Pandita (Giám đốc Trung tâm Giám sát nguồn nhân lực châu Á) gợi ý: Thậm chí, cần xây dựng mạng lưới “nạn nhân”, gia nhập với mạng lưới công nhân điện tử các nước trong khu vực. Chỉ từ chỗ tư liệu hóa các vi phạm của các tập đoàn, có tổng hợp số liệu, dữ liệu đủ thuyết phục, thì mới có thể yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm với công nhân của mình.


Thay mặt các chuyên gia của CDI, bà Ngô Vân Hoài đề xuất: Về lâu dài, doanh nghiệp cần tăng cường các biện pháp cải thiện môi trường lao động nhằm giảm tác hại của gánh nặng tâm sinh lý, thay những hóa chất độc hại bằng các hóa chất có độ an toàn cao hơn, sử dụng rôbốt trọng các khu vực đặc biệt, tăng cường các giải pháp kỹ thuật để giảm tác hại của điện từ trường tại nơi làm việc.


“Cần phải thực hiện nghiêm túc việc lập hồ sơ sức khỏe của công nhân, từ trước, trong và sau quá trình làm việc tại các nhà máy điện tử” - bà Hoài phân tích.


Đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp


Để có thể yêu cầu doanh nghiệp thực thi trách nhiệm của mình, rất cần sự nỗ lực của các bên liên quan.


TS. Bác sĩ Thomas H.Gassert - Khoa Y tế công cộng (ĐH Harvard) là người có nhiều năm nghiên cứu về bệnh nghề nghiệp, trong đó có bệnh nghề nghiệp của công nhân ngành điện tử. Theo ông, bên cạnh việc doanh nghiệp công khai thông tin, cần có một hệ thống thanh tra giám sát đủ hiệu lực, được tập huấn đầy đủ, có mặt ngay tại doanh nghiệp, nói cách khác là có đại diện của người lao động ngay trong Ban y tế của các nhà máy. Đội ngũ này phải được đào tạo, tập huấn đầy đủ. Đây cũng là nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

Cạnh đó, tổ chức công đoàn cần kịp thời thông tin, tuyên truyền để các lao động trong ngành điện tử hiểu được các nguy cơ của mình. Công đoàn cũng cần phối hợp các tổ chức liên quan và doanh nghiệp để xây dựng thỏa ước lao động tập thể ngành, trong đó chú ý đến việc xây dựng chế độ thời gian làm việc - nghỉ ngơi, thời gian khám sức khỏe định kỳ, tư vấn sớm phát hiện bệnh nghề nghiệp.


Thực tế, cũng có doanh nghiệp tổ chức cho công nhân khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Ngọc Ngà, có công nhân khi khám bệnh theo “tuyến” của doanh nghiệp thì không thấy “không sao”, nhưng đi khám nơi khác thì lại phát hiện nhiều dấu hiệu bệnh. Thêm vào đó, hiện nay, tại nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam, bệnh nghề nghiệp không được xác định do thiếu chẩn đoán. Nghiên cứu tại các doanh nghiệp điện tử của châu Á cũng dẫn tới kết luận: Các cơ sở khám phát hiện không đủ điều kiện hoặc chẩn đoán không đúng trách nhiệm, che giấu sự thật; bệnh bụi phổi silic thường được chẩn đoán là bệnh lao. Do vậy, công đoạn “khám sức khỏe định kỳ” trong doanh nghiệp lắp ráp cũng cần có những quy định cụ thể, gắn với đặc thù công việc của lao động ngành. Ví dụ, phải có những bảng hỏi về các biểu hiện về cơ xương, về thị lực, về tim mạch... Điều này đòi hỏi phải có các phòng khám chuyên khoa về bệnh nghề nghiệp, với các bác sĩ hiểu được quy trình làm việc của từng ngành nghề.


Tại nước ta, hiện nay, Luật An toàn vệ sinh lao động đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng. Theo đề xuất của các chuyên gia, cần rà soát đưa nghề/công việc sản xuất, lắp ráp điện tử vào danh mục nghề/công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm (do Bộ LĐTBXH - Bộ Y tế ban hành). Các cơ quan chức năng cần rà soát xây dựng hệ thống quy chuẩn an toàn vệ sinh lao động về hóa chất, điện từ trường, phóng xạ.. sao cho đảm bảo sức khỏe cho người lao động và tiếp cận chuẩn quốc tế. Khi xây dựng Luật An toàn vệ sinh lao động cần có các chương riêng cho các yếu tố nguy hiểm.


Để làm được những điều trên, cần có thêm những khảo sát trên quy mô rộng và phương pháp điều tra sâu hơn nữa về môi trường làm việc; xác định các hóa chất, bức xạ, phóng xạ và các nguy cơ từ chúng; tìm kiếm biện pháp kiểm soát cần thiết, hiệu quả các nguy cơ đó (ví như chuẩn bị phương tiện bảo hộ lao động; đào tạo tập huấn cho người lao động; trang bị hệ thống thông khí) nghỉ ngơi, có chương trình y tế chuyên biệt (phòng khám hay bệnh viện y tế chuyên khoa)...


Việc tăng cường nghiên cứu về ảnh hưởng điều kiện lao động sản xuất và lắp ráp điện tử đến sức khỏe người lao động và môi trường là nhằm để có các biện pháp phòng ngừa, nhằm kéo dài tuổi đời, tuổi nghề của lao động, đặc biệt lao động nữ. Chỉ khi có những căn cứ thuyết phục từ các nghiên cứu khoa học, kết hợp với việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ thông tin an toàn sức khỏe nghề nghiệp, thì mới có căn cứ đủ để khuyến nghị các đề xuất sửa đổi chính sách, giảm thiểu tác động, đồng thời góp phần phát triển bền vũng ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động, có những đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước này.


Thùy Hương

Ảo tưởng về ngành công nghiệp “sạch”
Ảo tưởng về ngành công nghiệp “sạch”

Ngành lắp ráp điện tử có nhiều đóng góp trong giải quyết việc làm cho lao động Việt Nam, nhất là lao động phổ thông khu vực nông thôn. Tuy nhiên, để nước ta thực sự có một ngành công nghiệp điện tử an toàn, phát triển bền vững, cần chăm lo hơn nữa sức khỏe cho đội ngũ công nhân của chính ngành này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN