Mô hình kết hợp dạy văn hóa và nghề

Việc kết hợp cả dạy văn hóa và dạy nghề trong các trường vùng cao, tạo thuận lợi cho học sinh dân tộc thiểu số khi tốt nghiệp phổ thông sẽ có cả bằng trung cấp nghề, dễ dàng liên hệ công việc phù hợp, ổn định cuộc sống.

Rút ngắn thời gian, giảm chi phí học tập

Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên (GDTX) thực hiện chức năng vừa dạy văn hóa, vừa đào tạo nghề sẽ tạo điều kiện cho học sinh theo học rút ngắn thời gian, giảm chi phí học tập. Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống nên công tác dạy nghề, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn luôn được quan tâm.

Năm 2014, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành các quyết định thành lập Trung tâm Dạy nghề và GDTX các huyện, thành phố trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm GDTX. Sau khi thành lập, kiện toàn bộ máy và bước vào hoạt động, số lượng học sinh học văn hóa, tham gia học nghề tăng lên hàng năm.

Một buổi học văn hóa, một buổi học nghề sẽ giúp học sinh vùng cao giảm thời gian và chi phí học tập.

Tại Trung tâm Dạy nghề và GDTX thành phố Lào Cai, tuy mới được sáp nhập, cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu thốn, nhưng thầy cô giáo khắc phục khó khăn, đảm bảo công tác giảng dạy và quan tâm tới việc học, chỗ ăn ở cho các em học sinh. Em Lý Ông Kiếu, dân tộc Dao ở xã Tả Phời (TP Lào Cai), học sinh lớp 12 A, thuộc diện hộ nghèo. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Lý Ông Kiếu xác định chỉ học cấp ba và học thêm bằng nghề để xin vào làm công nhân cho các công ty trên địa bàn. Lý Ông Kiếu cho biết: “Nhà em nghèo, bố mẹ phải vất vả nuôi các con ăn học. Em tính học văn hóa tại Trung tâm Dạy nghề và GDTX để học thêm trung cấp nghề điện, ra trường xin việc, có thu nhập phụ giúp gia đình”.

Nhiều em học sinh và các bậc phụ huynh cho rằng một buổi học văn hóa, một buổi học nghề, không mất thêm thời gian học nghề là phù hợp với hoàn cảnh của gia đình họ. Học hết THPT, không có điều kiện theo học các trường trung cấp, cao đẳng, đại học thì khó tìm được một công việc để ổn định cuộc sống, sinh ra thất nghiệp. Có bằng trung cấp nghề, con em họ sẽ thuận lợi để xin làm công nhân tay nghề cho các doanh nghiệp ở địa phương.

Trung tâm dạy nghề và GDTX TP Lào Cai thống kê số lượng học viên tham gia các loại hình đào tạo để đánh giá hiệu quả trước và sau hai năm sáp nhập. Số lượng học văn hóa, học nghề và các loại chứng chỉ, giới thiệu việc làm của trung tâm đều tăng lên rất nhiều. Trung tâm dạy nghề và GDTX ở các huyện cũng khẳng định được ưu điểm, công tác đào tạo, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm đã chuyển biến tích cực.

Bà Vũ Tuyết Nhung, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và GDTX TP Lào Cai cho biết: “Hình thức đào tạo văn hóa gắn với dạy nghề cho học sinh trong trường THPT phù với vùng đồng bào dân tộc. Trung tâm sẽ tăng cường định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện thực tế từng đối tượng, tình hình phát triển của địa phương và đáp ứng thị trường lao động tại các doanh nghiệp”.

Đáp ứng nhu cầu lao động tay nghề cao

Hiện nay, biên chế cơ quan nhà nước dần thu hẹp nên số sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học ra trường “thất nghiệp” ngày một tăng. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang rất cần lao động có tay nghề, đặc biệt, ở vùng sâu vùng xa lao động có tay nghề lại khan hiếm. Với tỉnh có số đông đồng bào dân tộc sinh sống, việc chú trọng công tác đào tạo nghề là giải pháp tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nắm bắt thời cơ, tỉnh Lào Cai đã thực hiện tốt mô hình “3 nhà”: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lào Cai chủ động ký kết thỏa thuận, liên kết đào tạo và cung ứng lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp. Giai đoạn 2011 - 2015, đã tuyển sinh và đào tạo, giải quyết việc làm cho 3.000 lao động.

Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cho biết: “Theo định hướng phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, trong giai đoạn 2016 - 2020 một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh có nhu cầu sử dụng gần 26.000 lao động qua đào tạo nghề. Các trung tâm dạy nghề và GDTX làm tốt công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề, sẽ là cơ hội để bố trí việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp, giải quyết được nhiều lao động nông thôn”.

Để phát huy ưu điểm của mô hình đào tạo văn hóa kết hợp nghề, theo bà Đinh Thị Hưng chính quyền địa phương cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trung tâm dạy nghề và GDTX; Tăng cường tuyên truyền thông tin, định hướng và khuyến khích các em học sinh học nghề; Hỗ trợ kinh phí để giáo viên dạy văn hóa được đào tạo thêm chuyên môn nghề phù hợp, để trở thành giáo viên đa năng vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề. Chất lượng đào tạo được nâng lên sẽ kéo theo số lượng người tham gia học nghề tăng, giảm gánh nặng thất nghiệp cho xã hội.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lào Cai, bình quân mỗi năm cả tỉnh có 10.450 lao động vào độ tuổi lao động, dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đào tạo nghề cho hơn 60.000 lao động và giải quyết việc làm cho 55.000 lao động, xuất khẩu lao động hơn 2.000 người.


Bài và ảnh: Việt Hoàng
Hiệu quả từ mô hình dạy nghề truyền thống
Hiệu quả từ mô hình dạy nghề truyền thống

Lớp học dạy nghề tại xã Glar, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, từ lâu đã là địa chỉ tìm đến của các chị em trong xã. Mô hình này đã gắn bó với họ suốt gần chục năm nay, nhờ đó nhiều chị em đã có thêm nghề ngoài làm nông nghiệp, tăng thêm thu nhập, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN