Đại hội đại biểu Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI:

Mô hình tiêu biểu góp phần xây dựng 'hệ sinh thái nhân đạo trong bệnh viện'

Ngày 29/8, tại Diễn đàn “Hệ sinh thái nhân đạo” trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022 - 2027, các đại biểu đã chia sẻ, lắng nghe, bàn luận về những mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong công tác nhân đạo. Nổi bật là những mô hình hỗ trợ bệnh nhân khó khăn tại các bệnh viện.

Chú thích ảnh
"Diễn đàn Hệ sinh thái nhân đạo” tại phiên thứ nhất của đại hội tập trung đánh giá các lĩnh vực hoạt động trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ qua, đồng thời đưa ra những định hướng trong thời gian tới. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

“Hệ sinh thái” vì bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn

Để chăm sóc, giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn an tâm điều trị, những năm gần đây, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Thành phố Hồ Chí Minh) luôn chú trọng đẩy mạnh, kêu gọi cộng đồng xây dựng một “hệ sinh thái” gồm tất cả các nội dung để có thể hỗ trợ toàn diện cho người bệnh khó khăn khi điều trị trong bệnh viện.

Bệnh nhân có thể được hỗ trợ viện phí khẩn cấp, các bữa cơm (cả với bệnh nhân và người thân nuôi bệnh, với bệnh nhân ăn theo chế độ dinh dưỡng điều trị), hỗ trợ chi phí sinh hoạt thiết yếu, mua sắm giá rẻ tại gian hàng chia sẻ yêu thương, đến những chuyến xe nghĩa tình động viên tinh thần người bệnh.

Bác sỹ Võ Đức Chiến, Giám đốc – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chia sẻ, "Hệ sinh thái" này được khởi động ngay từ khi bệnh nhân nhập viện cấp cứu. Cụ thể, bất cứ người bệnh nào nhập viện mà không có khả năng thanh toán đều được các y, bác sỹ nhanh chóng mở hồ sơ trợ giúp với mức tạm ứng ban đầu là 5 triệu đồng. Số tiền được trích từ "Quỹ Ứng trợ khẩn cấp" do Quỹ Tâm nguyện Việt hỗ trợ.

Cùng với việc khởi động "Quỹ Ứng trợ khẩn cấp", Bệnh viện triển khai gian hàng "Chia sẻ yêu thương", bố trí ngay trong khuôn viên bệnh viện. Bác sỹ Võ Đức Chiến cho biết, mỗi năm, Bệnh viện khám trung bình hơn 560.000 lượt bệnh nhân ngoại trú, tiếp nhận và điều trị khoảng 45.000 lượt bệnh nhân nội trú, trong đó có nhiều bệnh nhân khó khăn. Bệnh viện mở gian hàng “Chia sẻ yêu thương” nhằm tiếp nhận các vật dụng, quần áo cũ nhưng vẫn còn sử dụng tốt để cung cấp cho những bệnh nhân khó khăn; tạo điều kiện cho nhân viên bệnh viện, người dân gần xa có mong muốn làm từ thiện, giúp đỡ người khác trong khả năng của mình; đáp ứng nhu cầu mua sắm của người bệnh có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian điều trị bệnh. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, một chút sẻ chia của Bệnh viện đến mọi người.

Được khai trương từ đầu tháng 9/2020, đến nay, gian hàng “Chia sẻ yêu thương” đã đón tiếp hàng ngàn lượt bệnh nhân, thân nhân người bệnh đến "mua sắm" các vật dụng cần thiết. Với mức giá từ 0 đồng đến tối đa 50.000 đồng, các mặt hàng tại đây rất đa dạng, gồm có: quần áo, giày dép, túi xách, ví, đồ điện gia dụng, đồ dùng sinh hoạt, đồ chơi thiếu nhi… do nhân viên y tế và các nhà hảo tâm, người dân các nơi quyên góp.

Ngoài các khoản hỗ trợ ban đầu và gian hàng "Chia sẻ yêu thương", Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng kết nối với chương trình "Dĩa cơm trên tường", cung cấp bữa ăn miễn phí mỗi ngày cho các bệnh nhân. Trong đó, không chỉ người bệnh được nhận bữa ăn đúng dinh dưỡng cần thiết mà người nhà bệnh nhân cũng được hỗ trợ suất ăn. Các suất ăn này được đảm bảo chất lượng bởi một công ty cung cấp suất ăn với 100% vốn của Đức.

Hiện tại, Bệnh viện cung cấp 480 suất ăn dựa theo tình trạng bệnh lý cho bệnh nhân các khoa như: Chạy thận, Nội tiết, Tim mạch, Ngoại, Nội tổng quát… Chương trình được các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn rất ủng hộ khi giúp họ yên tâm điều trị, không bỏ nửa chừng. Bên cạnh đó, một Câu lạc bộ tình nguyện của những người hảo tâm cũng hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện một khoản sinh hoạt phí thiết yếu hàng ngày.

Giám đốc – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết thêm, nhằm hỗ trợ tinh thần chia sẻ và động viên người thân có bệnh nhân hấp hối, tử vong, Bệnh viện còn triển khai hoạt động "Chuyến xe nghĩa tình", hỗ trợ xe di chuyển miễn phí cho mỗi bệnh nhân hấp hối và tử vong về nhà. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã chi trả cho gần 1.000 chuyến xe như vậy với số tiền lên tới hơn 500 triệu đồng.

“Bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo”

Chia sẻ về lý do xây dựng mô hình “Bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo” đang được Hội triển khai, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Thuận bày tỏ, ai đã từng điều trị tại bệnh viện đều thấu hiểu câu thành ngữ “Sểnh nhà ra thất nghiệp”. Người có điều kiện tốt phải ra khỏi nhà đã khốn đốn trăm điều, thiếu thốn mọi thứ; người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người không có thân nhân thăm nuôi mà còn phải nằm điều trị nội trú trong bệnh viện còn khó khăn hơn rất nhiều. Thấu hiểu điều đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Thuận tổ chức mô hình “Bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo” tại các bệnh viện.

Chú thích ảnh
"Diễn đàn Hệ sinh thái nhân đạo” tại phiên thứ nhất của đại hội tập trung đánh giá các lĩnh vực hoạt động trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ qua, đồng thời đưa ra những định hướng trong thời gian tới. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Từ bếp cháo từ thiện tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh năm 1997, đến bếp ăn từ thiện đầu tiên được UBND tỉnh ra quyết định thành lập năm 2005, hiện nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Thuận đã nhân rộng lên 7 “Bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo” hoạt động tại các bệnh viện và trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các Bếp ăn đều thành lập Ban điều hành gồm thành viên là cán bộ Hội Chữ thập đỏ, đại diện lãnh đạo bệnh viện và các ban, ngành liên quan. Bếp vận hành theo Quy chế hoạt động do Ban Điều hành xây dựng trên nguyên tắc công khai, minh bạch. Một số huyện điều kiện khó khăn, chưa thành lập được Bếp ăn từ thiện thì Hội Chữ thập đỏ huyện vận động các nhóm từ thiện tại địa phương hỗ trợ nấu cơm, cháo phục vụ bệnh nhân một số ngày trong tháng.

Bếp phục vụ 6/7 ngày (nghỉ Chủ nhật), mỗi ngày cấp 2 bữa cơm trưa và chiều với 120-140 suất ăn/bữa cho bệnh nhân. Thực đơn bữa ăn mỗi ngày đều được thay đổi và đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài phục vụ suất ăn cho bệnh nhân, Ban điều hành Bếp còn tham gia một số hoạt động cứu trợ xã hội như tặng quà Tết cho bệnh nhân nghèo không có điều kiện về quê ăn Tết hoặc bệnh nặng phải ở lại điều trị; tặng quà nhân dịp Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi cho bệnh nhi; hỗ trợ nạn nhân ngoại tỉnh bị tai nạn giao thông cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng không có người thân chăm sóc. Tính từ năm 2016 - 2021, các Bếp ăn từ thiện của tỉnh đã phục vụ bệnh nhân nghèo và người cơ nhỡ gần 2,7 triệu suất ăn miễn phí, với tổng trị giá trên 25 tỷ đồng.

Để duy trì các Bếp ăn và đạt được kết quả như trên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Thuận luôn tuân thủ tiêu chí minh bạch trong công tác huy động, quản lý nguồn hỗ trợ; cân đối giữa nguồn lực và nhu cầu hỗ trợ của người bệnh để suất ăn đến được những người khó khăn nhất; đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động nguồn lực cho hoạt động của Bếp ăn; chú trọng việc tuyên dương, khen thưởng, tri ân những tổ chức, cá nhân đóng góp tích cực.

Việc tiếp nhận nguồn lực ủng hộ phục vụ cho hoạt động của Bếp được thực hiện công khai, minh bạch, có chứng từ, sổ sách theo dõi đầy đủ, quản lý chặt chẽ, thu chi đúng theo quy định. Hội Chữ thập đỏ tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả hoạt động hàng tháng của Bếp. Cùng với đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với các báo, Đài Phát thanh và Truyền hình của tỉnh đưa tin, tuyên truyền hoạt động của Bếp ăn từ thiện để tạo sự lan tỏa rộng khắp, kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, do đó nguồn quỹ vận động cho Bếp luôn được duy trì trên 1 tỷ đồng để đảm bảo cho các hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn chia sẻ, “Bếp ăn từ thiện trợ giúp bệnh nhân nghèo” là mô hình hoạt động nhân đạo thiết thực, hiệu quả, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phù hợp với mục đích, tiêu chí hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, góp phần thiết thực vào thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước tại địa phương, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Thuận tự hào đóng góp mô hình Bếp ăn từ thiện/Bếp ăn tình thương vào Hệ sinh thái nhân đạo trong bệnh viện cũng như Hệ sinh thái nhân đạo chung của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

M.H (TTXVN)
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: 8 chỉ tiêu cơ bản của nhiệm kỳ 2022-2027
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: 8 chỉ tiêu cơ bản của nhiệm kỳ 2022-2027

Ngày 29 và 30/8/2022, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2022-2027) diễn ra tại Hà Nội, với chủ đề: “Xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước”. Đại hội đặt ra 8 chỉ tiêu cơ bản trong nhiệm kỳ 2022-2027, gồm: 100% tỉnh, thành của Hội triển khai phong trào: “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” Quản lý và trợ giúp ít nhất 500.000 ”địa chỉ nhân đạo” trong 5 năm Hỗ trợ một triệu trẻ em nghèo, khuyết tật trong chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” hỗ trợ ngư dân làm việc trên 90.600 tàu, thuyền đánh bắt cá…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN