Tại nhiều địa phương, công tác bảo vệ môi trường đã dần được quan tâm và có chuyển biến. Thống kê đến tháng 4/2017, cả nước có 33 huyện và 2.656 xã (29,76%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 4.525 xã đạt tiêu chí môi trường, chiếm tỉ trọng 50,7%.
Ngày 23/1/2018, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ tổ chức lễ công nhận xã Đông Thắng đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm/TTXVN. |
Nâng cao chất lượng mô hình Báo cáo của Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương nêu rõ: Trước đây, việc thực hiện và công nhận đạt chuẩn được dựa vào bộ tiêu chí ban hành theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện bộ tiêu chí này đã được điều chỉnh theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 và Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ tiêu chí huyện, xã nông thôn mới được ban hành có nhiều điều chỉnh so với giai đoạn trước, trong đó tiêu chí môi trường từ 5 chỉ tiêu tăng lên là 8 chỉ tiêu, với nhiều nội dung mới (nội dung liên quan đến an toàn thực phẩm, nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi...). Một số quy định đã khắt khe hơn (tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định).
Theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “nghiên cứu, chỉ đạo thí điểm các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu; đề xuất các tiêu chí nâng cao chất lượng đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí xây dựng mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.
Để thực hiện nhiệm vụ này, một trong những vấn đề đặt ra là đẩy mạnh thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đối với các huyện, xã đã được công nhận đạt chuẩn trong khi đây là một trong những tiêu chí có kết quả thực hiện khiêm tốn nhất trong giai đoạn 2010 - 2016. Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động, tích cực trong việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới sau khi đã được công nhận đạt chuẩn, nhằm nâng cao chất lượng đời sống nông thôn về mọi mặt, góp phần vào công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.
Tại Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số /2016/QĐ-UBND ngày 11/8/2016 ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Hà Tĩnh, trong đó tiêu chí môi trường đã được định lượng hơn (4 chỉ tiêu). Tuy vậy, so với bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg, tiêu chí về tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước đạt chuẩn QCVN 02:2009/BYT lại thấp hơn (trên 55% so với chuẩn quốc gia là trên 60%).
Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 3263/QĐ-UBND ngày 7/10/2016, trong đó các chỉ tiêu cũng đã được định lượng cụ thể hơn so với bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (6 chỉ tiêu). Một số địa phương khác như Quảng Ninh, Nam Định cũng đã chủ động nghiên cứu và xây dựng bộ tiêu chí phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trong đó đề ra chuẩn thực hiện cao hơn so với chuẩn quốc gia đã ban hành.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang triển khai kế hoạch khảo sát nghiên cứu thí điểm mô hình xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu để có cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ nghiên cứu, đề xuất tiêu chí xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Mặc dù còn chưa thống nhất về tên gọi của mô hình xã, huyện nông thôn mới đã đạt chuẩn tiếp tục phấn đấu và phát triển là “kiểu mẫu”, “nâng cao”, “bền vững và phát triển” hay “văn minh”, “đáng sống”. Song việc nghiên cứu và xây dựng mô hình cùng các tiêu chí đánh giá cụ thể là cần thiết để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.
Thực tế khảo sát tại một số huyện, xã đã được công nhận đạt chuẩn cho thấy, tình hình thực hiện tiêu chí môi trường có nhiều chuyển biến, không những sạch đường làng, ngõ xóm mà còn tiến tới đẹp, gọn gàng; công tác kiểm soát ô nhiễm đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có những chuyển biến; việc thu gom và xử lý chất thải đã dần đi vào quy củ. Tuy vậy, các địa phương vẫn còn lúng túng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí môi trường, việc đề ra tiêu chí đánh giá còn chưa rõ ràng ảnh hưởng tới việc đề ra mục tiêu phấn đấu của cả tỉnh và từng huyện, xã. Tại một số tỉnh, cấp huyện chủ động xây dựng và ban hành tiêu chí đánh giá nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí môi trường kiểu mẫu nên có sự khác nhau giữa các huyện trong cùng một tỉnh. Việc thực hiện tiêu chí môi trường tại thời điểm khảo sát tại nhiều xã đã được công nhận đạt chuẩn trong giai đoạn 2010 - 2015 vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg.
Đưa các quy định thành đạo đức, lối sống Để nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí môi trường đối với các xã, huyện đã công nhận đạt chuẩn nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí môi trường, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đề xuất một số nội dung cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là cần rà soát lại tổng thể việc thực hiện tiêu chí môi trường đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn trước ngày 01/12/2016 (là thời điểm Quyết định số 1980/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành).
Đối với một số chỉ tiêu chưa đạt được hoặc chưa được đánh giá trong giai đoạn trước, các địa phương cần có lộ trình thực hiện và đánh giá lại nhằm đáp ứng với yêu cầu của giai đoạn mới. Việc đánh giá cần được thực hiện khách quan, không du di và châm chước và không vì mục tiêu giữ vững số lượng xã đã công nhận đạt chuẩn mà bỏ qua các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường.
Muốn vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành hướng dẫn việc thực hiện và công nhận đạt chuẩn tiêu chí môi trường theo Quyết định số1980/QĐ-TTg để các địa phương làm căn cứ thực hiện.
Trong khi Thủ tướng Chính phủ chưa ban hành các tiêu chí nâng cao chất lượng đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí xây dựng mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu làm căn cứ để áp dụng thống nhất trong cả nước. Các tỉnh, thành phố cần chủ động nghiên cứu, đề xuất bộ các tiêu chí có thể áp dụng cho địa phương theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết được những vấn đề có tính bức xúc như chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, ô nhiễm làng nghề...
Đối với các địa phương đã ban hành bộ tiêu chí kiểu mẫu, đặc biệt là những địa phương ban hành trước khi Quyết định số 1980/QĐ-TTg có hiệu lực như Hà Tĩnh, Quảng Ninh, cần rà soát lại để đảm bảo các tiêu chí kiểu mẫu không thấp hơn so với yêu cầu của Quyết định số 1980/QĐ-TTg. Bên cạnh đó cần nghiên cứu và tổ chức mô hình thí điểm về xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó việc thực hiện tiêu chí môi trường đối với các xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu chú trọng nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, biến các quy định bắt buộc về bảo vệ môi trường thành đạo đức, lối sống của nhân dân thông qua các hương ước, quy ước; củng cố và phát triển các tổ tự quản về môi trường.
Ngoài ra, cần có các mô hình điểm trong việc thực hiện tốt chỉ tiêu về cảnh quan môi trường tại địa phương, từ đó nhân rộng ra các xã khác trong tỉnh, thành phố (mô hình phải giải quyết được các mục tiêu như trồng cây xanh như thế nào là phù hợp, việc quản lý các tuyến đường ra sao để không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, vai trò của chính quyền địa phương và cộng đồng như thế nào trong việc giám sát chất lượng cảnh quan...).
Đối với việc thu gom và xử lý chất thải rắn, bên cạnh việc xử lý hiệu quả, đạt quy chuẩn các hệ thống xử lý chất thải rắn của địa phương, cần nâng cao chất lượng thực hiện thông qua việc đẩy mạnh công tác phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và lượng rác thải phải xử lý - giải quyết khâu đầu vào của quy trình quản lý chất thải. Từng bước cải tiến công nghệ xử lý hiện đại, tiết kiệm chi phí và giảm tối đa tỉ lệ chôn lấp, thậm chí sản xuất năng lượng, phân bón hữu cơ từ xử lý chất thải - giải quyết khâu đầu ra của quy trình quản lý chất thải...
Bên cạnh việc thực hiện tốt, bền vững các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường theo yêu cầu của Quyết định số 1980/QĐ-TTg, cần nghiên cứu đề xuất nội dung tiêu chí môi trường của xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng có cả các chỉ tiêu “cứng” bắt buộc áp dụng (như về tỉ lệ chất thải được thu gom và xử lý, tỉ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh...), chỉ tiêu “mềm” để các địa phương linh hoạt điều chỉnh (như về tỉ lệ nguồn lực xã hội hóa cho bảo vệ môi trường), với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường.