Cơ hội có lương hưu
Chúng tôi gặp ông Phan Phước Tùng (58 tuổi), Chủ tịch Nghiệp đoàn Xích lô Hội An vào một buổi sớm tháng 8 oi bức. Thời điểm này khách còn ít, ông Tùng tranh thủ tuyên truyền cho một số đoàn viên nghiệp đoàn về việc tham gia BHXH tự nguyện.
Ông Tùng cho biết: "Cách đây đúng 1 năm, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) thành phố Hội An và Bảo hiểm xã hội (BHXH) tổ chức tư vấn về loại hình BHXH, lúc đó tôi mới biết về loại hình an sinh xã hội này do Nhà nước hỗ trợ và sau này cũng sẽ có lương hưu nếu tham gia đủ thời gian. Tôi đã dành thời gian tìm hiểu về mức đóng, thời gian đóng, bởi dù gì cũng là “đồng tiền liền khúc ruột”. Đồng thời, tìm hiểu cả về những quyền lợi và lợi ích được hưởng. Rồi từ đó, tôi căn cứ vào thu nhập hiện tại để lựa chọn mức đóng hợp lý, vừa để làm gương nhưng cũng phù hợp với hoàn cảnh của gia đình".
Do con cái cũng đã lớn, thu nhập cũng ổn định dần do du lịch phục hồi, nên ông Tùng lựa chọn mức đóng trên 1,1 triệu đồng. Trong đó, mức đóng này có sự hỗ trợ 10% theo quy định chung của Nhà nước và 5% mức hỗ trợ thêm của tỉnh Quảng Nam (nhóm đối tượng khác).
“Tôi cũng thường tuyên truyền lồng ghép với các hoạt động của nghiệp đoàn về lợi ích của BHXH tự nguyện để mọi người tham gia, coi như là một sự tích luỹ cho tuổi già. Dù vậy, liên quan đến vấn đề cơm áo gạo tiền, thu nhập của từng người, nên tuỳ vào nhận thức và nhu cầu thiết thực của bản thân, các thành viên sẽ có lựa chọn thời điểm tham gia. Nếu biết sớm về loại hình BHXH tự nguyện này, tôi đã tham gia sớm hơn để có lương hưu. Hiện nay, Nghiệp đoàn có 10 người tham gia BHXH tự nguyện”, ông Tùng chia sẻ.
Nghiệp đoàn xích lô Hội An thành lập cách đây 25 năm, với mục tiêu ban đầu quy vào một mối để quản lý về an ninh trật tự, thống nhất về giá, không để xảy ra tình trạng “chặt chém” khách. Ông Tùng là một trong những người có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với nghiệp đoàn nên hiểu khá rõ từng hoàn cảnh thành viên.
“Hiện nghiệp đoàn chỉ thu 200.000 đồng tiền hội phí vào quỹ chung để duy trì hoạt động hiếu kỷ. Thu nhập của ai người đó hưởng với mức bình quân khoảng 8-10 triệu đồng/tháng. Do đó, việc vận động tham gia loại hình BHXH tự nguyện nên theo hình thức mưa dầm thấm lâu bởi giờ giấc làm việc khác nhau, cách hiểu cũng khác nhau. Muốn tham gia loại hình này, trước tiên là phu xe như chúng tôi phải có thu nhập ổn định và đóng khá dài 20 năm”, ông Tùng chia sẻ.
Anh Nguyễn Tiến Mạnh (32 tuổi, phường Cẩm Nam) đã có 6 năm gắn bó với nghề này cho biết: “Trước bố tôi cũng làm nghề này, nay tôi kế nghiệp. Hiện tôi chưa tham gia BHXH tự nguyện vì còn cân nhắc do liên quan đến mức đóng và mức hưởng và hoàn cảnh gia đình hiện tại. Trước tôi cũng đã từng tham gia BHXH bắt buộc khi đi làm công nhân nên biết BHXH bắt buộc có nhiều lợi ích hơn. Do đó, nếu Nhà nước có cho thêm những quyền lợi vào Luật BHXH sửa đổi sắp tới sẽ hấp dẫn với lao động tự do như chúng tôi”.
Ông Huỳnh Tân, 47 tuổi với mức thu nhập khoảng 10 triệu/tháng cũng do dự chưa tham gia BHXH tự nguyện do đang phải nuôi hai con học đại học và THPT. “Tuy nhiên, việc tham gia BHXH tự nguyện tôi cũng sẽ cân nhắc thêm khi có chính sách mới về lĩnh vực này ổn định, cụ thể hơn với lao động tự do”, ông Huỳnh Tân chia sẻ.
Trong khi đó, anh Trần Ngọc Duy (27 tuổi), xã Cẩm Hà, thành phố Hội An tham gia BHXH tự nguyên được mấy tháng nay, với mức đóng 800.000 đồng tháng. “Thu nhập của tôi cũng như mọi người tầm khoảng 8 triệu đồng. Lý do tôi tham gia BHXH tự nguyện là do trong gia đình có bố mẹ đã tham gia BHXH tự nguyện được vài năm nay, nên thấy cũng cần tích luỹ khi có khả năng lao động kiếm tiền”, anh Trần Ngọc Duy chia sẻ.
Một loại hình phục vụ du lịch khác với lao động tự do địa phương là Nghiệp đoàn ghe bơi Sông Hoài cũng đang có những bước đi đầu tiên về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Lê Vương (48 tuổi), Chủ tịch Nghiệp đoàn Ghe bơi du lịch Sông Hoài cho biết, năm 2008, thành phố có thành lập đội tự quản với 140 hội viên. Sau đó, đến năm 2017 đội tự quản được chuyển thành Nghiệp đoàn ghe bơi du lịch Sông Hoài.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, không có khách du lịch nên hội viên cũng tản mát. Khi du lịch phục hồi, Nghiệp đoàn ghe bơi du lịch Sông Hoài cũng hoạt động trở lại và có 252 đoàn viên vào cuối năm 2022 và nay đã lên 293 đoàn viên.
Vào tháng 7/2022, Nghiệp đoàn được LĐLĐ và BHXH thành phố Hội An tuyên truyền về lợi ích tham gia BHXH tự nguyện. “Tôi cũng có tìm hiểu và đang tham gia mức đóng trên 1 triệu đồng/tháng. Với những lao động tự do, để tham gia, trước hết phải biết thông tin và quyền lợi để vận động. Khi thấy được lợi ích, đoàn viên sẽ tham gia, mới đây có 2 đoàn viên Trần Thị Bông và Trần Văn Cho tham gia đóng BHXH tự nguyện. Tính đến thời điểm hiện tại, Nghiệp đoàn Ghe bơi sông Hàn có 16 người đang tham gia đóng BHXH tự nguyện”, ông Lê Vương cho biết.
Tạo niềm tin từ hỗ trợ đóng
Khi được hỏi về kiến nghị với cơ quan chức năng để thu hút thêm các thành viên tham gia, cả 2 Chủ tịch nghiệp đoàn có tính đặc thù tại Hội An đều cho rằng: Trước tiên phải tuyên truyền để thay đổi nhận thức.
Ông Phan Phước Tùng cho biết: "Nếu đóng đúng thời gian quy định hiện hành thì phải đến năm 77 tuổi mới có lương hưu. Do đó, tôi mong muốn chính sách đóng để hưởng tuổi nghỉ hưu giảm từ 20 năm xuống 15 năm dự kiến nghị sửa Luật BHXH đang được lấy ý kiến. Có như vậy thì khoảng năm 70 tuổi, tôi đã có thể lĩnh lương hưu".
Tiếp đó là chính sách hỗ trợ đóng được duy trì dài và ổn định hơn. Bên cạnh quy định hỗ trợ đóng của Nhà nước, tỉnh Quảng Nam đang hỗ trợ thêm cho nhóm đối tượng khác tham gia BHXH tự nguyện là 5% đến năm 2025. “Do đó, chúng tôi mong muốn tăng mức hỗ trợ này và kéo dài sau năm 2025 để những người lao động tự do như chúng tôi có động lực để đóng tiếp, bởi dù sao cho thấy đây là loại hình do Nhà nước “bảo trợ. Nhất là trước đó, một số loại hình bảo hiểm nhân thọ, thương mại cũng đã tiếp cận người lao động nhưng có một số lùm xùm liên quan đến đáo hạn, tất toán trước thời hạn”, ông Tùng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Vương kiến nghị thêm, do Nghiệp đoàn ghe bơi có lao động nữ nên mong muốn BHXH tự nguyện có thêm chế độ thai sản. Có như vậy mới thu hút thêm lao động tự do nữ tham gia khi thấy gia tăng quyền lợi.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hội An cho biết, cùng với Liên đoàn Lao động và Ban Chấp hành Nghiệp đoàn xích lô Hội An và Nghiệp đoàn ghe bơi du lịch sông Hoài tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho các đoàn viên. Ban đầu, số đoàn viên hưởng ứng tham gia chính sách này rất ít, nhưng “trong cái khó ló cái khôn”, bằng việc thay đổi phương pháp tuyên truyền sang hình thức đối thoại, tư vấn trực tiếp tại các tuyến đường trong khu vực phố cổ, bến Bạch Đằng. Cách làm này đã mang lại hiệu ứng tích cực, từ chỗ chỉ có 3 đoàn viên tham gia (năm 2022), đến nay đã có 26 đoàn viên tham gia.
“Điều này đã nói lên tính hiệu quả của việc làm mới phương thức tuyên truyền. Để phấn đấu có ít nhất 20% đoàn viên tham gia trong năm 2023 theo chỉ đạo của Thành phố, BHXH thành phố sẽ tăng cường phối hợp với Ban chấp hành các Nghiệp đoàn tiếp tục lồng ghép, tuyên truyền những lợi ích thiết thực của chính sách BHXH tự nguyện đến các đoàn viên để họ tham gia nhiều hơn”, ông Nguyễn Hồng Quang cho biết.
Chia sẻ về việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại nhóm lao động tự do như xích lô, ghe bơi, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết: “Kinh nghiệm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại hai nghiệp đoàn cho thấy việc tuyên truyền theo nhóm nhỏ, hiểu đặc thù công việc của họ và nói theo ngôn ngữ của họ một cách dễ hiểu mới mang lại hiệu quả”.
Tuy nhiên, cùng với tuyên truyền, gốc rễ vẫn là nâng cao đời sống người dân. “Khi có thu nhập, kinh tế ổn định họ sẽ trích nguồn tiền tham gia BHXH tự nguyện. Hội An có đến 90% số lao động liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới du lịch. Sau dịch COVID-19, du lịch Hội An đã phục hồi được 60%. Từ đầu năm đến nay, Hội An đón hơn 1,9 triệu khách, trong đó 1,5 triệu khách quốc tế. Với đà phục hồi như hiện nay, dự kiến cuối năm 2023, du lịch sẽ phục hồi cơ bản và tăng tốc phát triển từ năm 2024. Đây là tiền đề để đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có phát triển BHXH tự nguyện”, ông Nguyễn Văn Lanh chia sẻ.
Từ góc độ thực hiện chính sách BHXH tại cơ sở, ông Nguyễn Văn Lanh cho rằng: Để hấp dẫn người dân tham gia BHXH thì chính sách gia tăng quyền lợi được hưởng, trong đó giảm thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; đồng thời chính sách các hộ kinh doanh đưa vào diện tham gia BHXH bắt buộc sẽ mở rộng độ phủ lưới an sinh xã hội, nhất là khi trên địa bàn có 9.000 hộ kinh doanh cá thể. “Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng được duy trì ổn định bởi đây vừa hỗ trợ tài chính nhưng cũng là để tạo niềm tin cho người tham gia với sự cam kết đồng hành vì mục tiêu an sinh”, ông Nguyễn Văn Lanh nhận định.
Liên quan đến chính sách BHXH tự nguyện tại Luật BHXH sửa đổi, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – đơn vị chủ trì soạn thảo dự án luật này cũng đang có những đề xuất mở rộng quyền lợi người tham gia BHXH tự nguyện như kiến nghị thêm chế độ thai sản; hạ thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm…