Mong ngóng một cây cầu

Phía Tây là vách núi dựng đứng, phía Đông là sông Vu Gia chắn ngang, khu 2 Đại Lộc (gồm bốn thôn Tân Đợi, Đồng Chàm, Tam Hiệp và Đầu Gò - xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) tựa như ốc đảo co ro giữa cây rừng. Một cây cầu treo nối đôi bờ là khắc khoải bao đời của người dân.

Hốt hoảng tiền đò

Muốn qua khu 2 thì phải qua bến đò Tân Đợi. Ở khắp Quảng Nam, con đò nào cũng chỉn chu, được trang bị áo phao đàng hoàng. Trong khi đó, con đò Tân Đợi này chỉ rộng chừng hơn 1 mét, vừa đủ chiều dài một thân xe gắn máy; lạ lùng, không có đến một cái áo phao, dù đây là vùng đầu nguồn, nước Vu Gia chảy rất xiết.

Ông Võ Ba (58 tuổi, thôn Hội Khách Đông, Đại Sơn), người đưa đò bến Tân Đợi, ngồi tròng trành trên con đò của mình, nói: “Ở cái xứ xa lắc này có con đò như ri là đã quý rồi”. Cho dù, khách bước lên, chao nghiêng, máy nổ mà phát run.

Người dân Tân Đợi rất cần một cây cầu.


Đường lên Đại Sơn, vắt vẻo dốc đèo. Qua bến đò Tân Đợi, ngược lên Tây mới tới Đồng Chàm, Tam Hiệp; rồi chạm ngã ba sông Cái và sông Bung. Từ đây, phải qua lần đò nữa để tới thôn Đầu Gò. Đò qua Đầu Gò còn tròng trành hơn nữa, và cũng vẫn không một cái áo phao nào.

Nhưng người dân khu 2 chịu khổ đã quen, với họ, đò tròng trành mấy không là vấn đề. Cái họ ngán nhất là tiền đò. Ở bến Tân Đợi, đi không có xe máy mỗi người 3 nghìn đồng, kèm thêm xe thì mỗi người đến 10 nghìn. Còn đỡ hơn bến đò qua Thác Cạn, đi không là 5 nghìn đồng, có xe thì lên đến 15 nghìn đồng. Trong khi đó, bảng giá theo quy định chỉ là 7 nghìn đồng một xe cùng người. “Chúng tôi chả dám đi đâu. Chả lẽ có việc phải đi bộ, mà dắt theo xe máy là phải tốn 20 nghìn đồng cả đi lẫn về. Một ngày hai lần đi là sạch túi” - ông Phan Thành Lâu, 32 tuổi, Đồng Chàm, than thở.

Và, như vậy, vì phải qua hai lần đò, một người dân ở thôn Đầu Gò nếu đi xe máy thì khi đến trung tâm xã rồi trở về, phải tốn 50 nghìn đồng, trong khi trung tâm xã tính theo đường chim bay chỉ cách nhà chừng 7 cây số. 50 nghìn đồng ở cái xứ nghèo này, quá lớn! “Nhà tôi trong hóc núi, ra ngoài như thế thì ai dám ra. Đấy là chưa kể mùa nước lũ, tiền đò đi lại tăng lên đến 20 - 30 nghìn đồng một lần qua. Chúng tôi một ngày làm gì kiếm được như vậy?” - ông Nguyễn Ngọ (50 tuổi, thôn Thác Cạn) bức xúc.

Khốn đốn vì không cầu

Quanh năm, người dân khu 2 mưu sinh bằng việc phát rẫy trồng thơm (dứa). Tới mùa thu hoạch, vì không có cầu, thơm của họ phải được thương lái đưa đò dọc tới tận nơi thu mua. Từ đó, dẫn đến tình trạng ép giá. Một trái thơm bán chỉ chừng 400 đồng, trong khi ở huyện Nam Giang bên cạnh lại bán với giá gấp đôi: 800 đồng! Ông Nguyễn Đình Hạnh (thôn Đồng Chàm), cho biết thêm: “Mùa nắng, nếu thủy điện A Vương không xả nước, nước sông cạn, đò dọc không thể lên, thơm không để lâu được, đành thối”.

Khắc khoải cảnh chờ đò.


Khu 2 không có trạm y tế. 18 giờ đò nghỉ đưa, ai đau ốm gì không biết xoay xở thế nào. Chợ ở bên kia sông, mỗi lần đi chợ là tốn thêm tiền đò. Trường THCS, THPT cũng ở bên này sông, mỗi học sinh đi học cũng tốn 20 nghìn đồng/tháng tiền đò. Ông Nguyễn Như Hoa (40 tuổi, Đồng Chàm), có hai đứa con học cấp 2, nói: “Tôi đi đò, rồi các cháu cũng đi, tiền đò trả không nổi, nhưng cái tôi lo nhất là đò quá sơ sài, mùa mưa lũ tụi nó đi học tôi lo nơm nớp”.

Còn khi mưa bão về, đò không đưa, mọi liên hệ với bên ngoài đều bị cắt đứt. Cô giáo Dương Thị Cúc (giáo viên trường tiểu học Đồng Chàm), nhớ lại: “Có lần lũ, thủy điện xả nước, lũ bỗng tới đột ngột; tôi không về nhà được, ở nhờ nhà dân cả mấy tuần liền mà lo nươm nớp nhà cửa bên kia sông”.

Theo thống kê của UBND xã Đại Sơn, tỷ lệ hộ nghèo ở khu 2 cao ngất ngưởng; Cả 4 thôn có hơn 300 người thì chỉ có 15 hộ khá, còn lại là nghèo và cận nghèo. “Nghèo vì không có cầu. Mấy năm nay, dân khu 2 chúng tôi chỉ mong mỏi có một cây cầu treo bắt qua bến đò Tân Đợi. Mong đến cháy lòng” - ông Tăng Văn Binh, cán bộ mặt trận thôn Đồng Chàm, nói.

Nhiều năm qua, người dân khu 2 đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi chính quyền xã, và trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, cũng kiến nghị xây một cây cầu treo nối đôi bờ khu 2; đã có lời hứa hẹn nhưng vẫn không thấy tin tức gì. Theo ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, nếu có cây cầu nối đôi bờ khu 2 thì không chỉ đời sống người dân khu 2 được thuận lợi, mà cả vùng đông Đại Lộc có thêm cơ hội phát triển khi trung tâm xã được nối liền với tuyến đường Hồ Chí Minh, giao thương từ đó thuận lợi.

“Xây cầu thì cầu phải dài đến hơn 150 mét, ít nhất phải mất 2 tỷ đồng mới xây được. Tiền đâu xã có ngần ấy” - ông Trung bộc bạch.

Bài vả ảnh: Mai Thành Dũng

Mơ về những cây cầu khang trang
Mơ về những cây cầu khang trang

Quê tôi rất nghèo. Trong xã vẫn còn nhiều cây cầu khỉ đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ. Mỗi ngày, nhìn bọn trẻ cắp cặp, cắp dép đi qua cầu là tôi lại thấy ái ngại, lo lắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN