Bộ Nội vụ vừa công bố kết quả khảo sát thí điểm đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại 6 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó, thủ tục cấp giấy phép xây dựng và cấp quyền sử dụng đất khiến người dân không hài lòng nhất. Kết quả này phản ánh đúng thực tế đang diễn ra, với những bức xúc của người dân như báo Tin Tức đã thông tin trong bài “Người dân ngán thủ tục nhà đất”, trong số báo ra ngày 1/4.
Cấp “sổ đỏ” đứng cuối bảng
Theo ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), hơn 1.000 người dân tại 6 địa phương (gồm: Lạng Sơn, Hà Nội, Nghệ An, Gia Lai, Đồng Nai và Bạc Liêu) đã tham gia vào cuộc khảo sát này. Mức độ hài lòng dựa trên bốn tiêu chí: tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, sự phục vụ của công chức và kết quả giải quyết công việc.
Nhân viên văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) lập hồ sơ cho người dân. |
Kết quả khảo sát cho thấy, lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đứng cuối bảng về độ hài lòng của người dân. Tiếp đó là 5 dịch vụ gồm giấy phép xây dựng, chứng minh nhân dân, chứng thực giấy tờ, giấy khai sinh và đăng ký kết hôn. Trong lĩnh vực cấp sổ đỏ, Đồng Nai là tỉnh có tỷ lệ người dân không hài lòng nhiều nhất về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, thái độ phục vụ của công chức và kết quả nhận được. Để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần lớn người dân phải đến cơ quan hành chính từ 2 đến 3 lần, trong đó nhiều người cho biết cơ quan hành chính trễ hẹn từ 1-2 lần.
Đối với dịch vụ cấp giấy phép xây dựng, người dân được hỏi ở 6 tỉnh đều cho biết, họ chủ yếu tiếp cận thông tin qua chính quyền xã và tại cơ quan cấp giấy phép xây dựng. Ở mỗi tỉnh, mức độ thuận tiện hoặc khó khăn khi tìm hiểu thông tin có sự khác nhau. Đáng lưu ý, Hà Nội là thành phố lớn, hiện đại nhưng tỷ lệ người được hỏi cho biết có sự khó khăn trong tiếp cận nguồn thông tin về giấy phép xây dựng lại cao nhất trong 6 tỉnh, thành phố. Hà Nội cũng bị đánh giá là địa phương có cơ sở vật chất tại nơi cung cấp dịch vụ chưa giúp ích nhiều cho việc giao dịch của người dân. Thực tế cho thấy, bộ phận một cửa của UBND quận Hoàng Mai khá khang trang, nhiều ghế ngồi cho người dân chờ làm thủ tục và được lắp đặt các thiết bị tra cứu thông tin nhưng khi sử dụng máy tính (cảm ứng) thì máy không hoạt động được. Trong khi đó, tại UBND huyện Thanh Oai lại ít ghế cho người ngồi chờ và không có các thiết bị tra cứu thông tin.
Sẽ đo “độ hài lòng” trên phạm vi cả nước
Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, Bộ Nội vụ đã thiết kế phiếu khảo sát trong đó có phần lấy ý kiến người dân. Kết quả cho thấy, người dân mong muốn cơ quan hành chính nhà nước cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian làm thủ tục, mở rộng các hình thức cung cấp dịch vụ và cải thiện hệ thống cơ sở vật chất tại nơi cung cấp dịch vụ.
Cụ thể, người dân Hà Nội cho rằng, các cơ quan quản lý cần ưu tiên giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân trong dịch vụ cấp giấy phép xây dựng và rút ngắn thời gian cấp giấy khai sinh. Riêng đối với 3 tỉnh Gia Lai, Đồng Nai và Bạc Liêu, người dân cho rằng, cần cải thiện hệ thống cơ sở vật chất tại nơi cung cấp dịch vụ hành chính công. Đối với vấn đề cấp sổ đỏ, người dân cả 6 tỉnh, thành phố đều mong muốn cơ quan nhà nước tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian cấp.
Theo Bộ Nội vụ, sau quá trình thí điểm tại 6 tỉnh, thành phố nêu trên, phương pháp đo lường độ hài lòng của người dân sẽ chính thức được áp dụng trên phạm vi cả nước. Đây là công cụ chủ yếu giúp đánh giá các địa phương có đạt mục tiêu mà chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 đặt ra hay không và để so sánh sự chuyển biến về mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với dịch vụ hành chính công .
Sau 20 năm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước cho thấy, kết quả cải cách còn nhiều hạn chế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như mức độ chuyên nghiệp, kỹ năng hành chính của cán bộ công chức còn thấp; tệ cửa quyền, quan liêu, tham nhũng vẫn còn là vấn nạn. Đặc biệt, cơ chế phản hồi của người dân về chất lượng các dịch vụ công do các cơ quan hành chính nhà nước cung ứng còn chưa được các cấp chính quyền quan tâm. (Nguồn: Bộ Nội vụ) |
Thu Phương