Việt Nam là quốc gia có sự đa dạng sinh học cao trên thế giới. Trong số đó, có nhiều nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, công tác bảo tồn những nguồn gen quý này còn gặp nhiều khó khăn và một số nơi còn chưa khai thác hết giá trị kinh tế mà nguồn gen này mang lại.
Bài 1: Mong ước truyền đời giống ổi Đông Dư
Cách cầu Thanh Trì 1,3 km, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đang ngày một khang trang hơn với những ngôi nhà cao tầng san sát và những vườn ổi sum suê. Trái ổi Đông Dư đã thành một thương hiệu được nhiều người biết đến, đây chính là “công thần” trong việc phát triển đời sống kinh tế của Đông Dư. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy thương hiệu giống cây giá trị này lại vẫn bị xem nhẹ.
Bén duyên đất Đông Dư
Không ai biết giống ổi này có ở Đông Dư từ khi nào, nhưng hiện giống ổi Đông Dư đã được thị trường rất ưa chuộng. Giống ổi này dễ trồng, khả năng sinh trưởng tốt, cho quả quanh năm. Quả ổi nhỏ, tròn căng, từ lúc xanh đến lúc chín, da chuyển từ xanh thẫm sang vàng trắng. Ổi ương giòn, vị mát, ngọt vừa. Ổi chín lại thơm, mềm, ngọt đậm. Vụ nào cũng sai trĩu quả và “rộ” nhất vào khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch. Đặc biệt, giống ổi này nếu trồng ở địa phương khác lại không có được hương vị độc đáo như được trồng ở nơi này.
Lứa ổi sắp tới vụ thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Thống Nhất. Ảnh: Thu Hồng |
Ông Nguyễn Quang Huy, chủ nhiệm Hợp tác xã Đông Dư cho biết: “Từ năm 2000 - 2005, nhận thấy được những ưu điểm và hiệu quả kinh tế của giống ổi này, người dân bắt đầu tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng ổi tại các ruộng kém, ven sông Hồng. Đông Dư từng là vùng chuyên sản xuất rau nhưng hiện toàn xã có đến 113 ha đất tập trung trồng ổi”.
Giống ổi Đông Dư dễ chăm sóc lại mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Ông Huy chia sẻ, bình quân một sào lúa, sau một năm thu hoạch được khoảng 400 kg thóc, tính ra người dân sẽ thu được khoảng 2,4 triệu chưa trừ các chi phí. Trong khi đó, một sào trồng ổi, mỗi vụ thu hoạch từ 1,2 - 1,5 tấn, ổi bán tại vườn hiện có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Bình quân, 1 ha ổi thu được khoảng 300 triệu đồng. So với trồng cây lương thực và các loại rau thì trồng ổi đem lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần.
Trăn trở giữ giống
Với lợi ích kinh tế lớn như vậy, trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều hàng nhái, tức là nhập ổi ở các vùng khác rồi “gắn mác” ổi Đông Dư, trà trộn với ổi Đông Dư thật, gây ảnh hưởng tới uy tín của giống ổi địa phương. Ý thức được điều này, năm 2006, Hợp tác xã Đông Dư đã đăng ký giấy chứng nhận thương hiệu “Ổi bốn mùa Đông Dư” với Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), với mục tiêu biến ổi Đông Dư thành mặt hàng mũi nhọn để phát triển kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chọn Đông Dư để xây dựng mô hình chuỗi nông sản an toàn. Năm 2013, Sở kết hợp với Ủy ban xã thực hiện nhiều hoạt động như treo biển, tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân thực hiện sản xuất nông sản an toàn. Ổi Đông Dư được trồng theo đúng các yêu cầu kĩ thuật, sử dụng các phương pháp cơ học để diệt sâu bệnh, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, giá trị của quả ổi Đông Dư ngày càng tăng lên.
Tuy vậy, tình trạng ổi vùng khác trà trộn, bán chung với ổi Đông Dư không vì thế mà giảm đi. Vào mùa ổi, tình trạng ổi các vùng khác chất lượng thấp hơn “giả danh” ổi Đông Dư vẫn phổ biến khiến người dân trồng ổi trong xã vô cùng bức xúc.
Cũng như nhiều giống cây đặc sản khác, nguồn giống ổi Đông Dư chủ yếu được bảo tồn một cách tự nhiên trong dân. Sự phổ biến của cây ổi với hơn 600 hộ gia đình trong xã khiến cho đại bộ phận người dân ở đây chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn giống cây đặc sản này. Nhận định về điều này, ông Nguyễn Thống Nhất, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Dư cho biết: “Hiện nay, giống ổi Đông Dư chỉ được bảo tồn theo phương pháp chiết cành, lưu hành trong dân chứ chưa áp dụng kĩ thuật khoa học gì cả”.
Thực tế cho thấy, đối với việc bảo tồn một giống cây quý hiếm trong dân, cách tốt nhất là phải đảm bảo giống cây đó đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, khiến người dân ý thức được vai trò và lợi ích của những giống cây này. Bài học về giống cây cải bẹ năm nào tại Đông Dư vẫn khiến ông Nguyễn Quang Huy ngậm ngùi khi nhớ lại. Chẳng là, Đông Dư từng nổi danh với giống cây cải bẹ cho năng suất rất cao, mỗi cây khi thu hoạch nặng từ 7 - 8 kg. Tuy nhiên hiện nay, nó chỉ còn là một cái tên. Đó cũng là bài học về sự phát triển bền vững với trái ổi Đông Dư.
Ông Huy cũng chia sẻ mong ước về một công nghệ chế biến nước quả từ trái ổi Đông Dư, nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Ngoài ra, ông cũng mong muốn gen của giống cây ổi quý này sẽ được lưu trữ trong Trung tâm Tài nguyên thực vật và truyền cho đời sau như một giống cây quý của Việt Nam.
Thu Hồng - Tiến Hà
Bài 2: Gà Đông Tảo - nguy cơ thoái hóa gen