Năm 2010 được xem là năm vất vả của ngành đường sắt, lũ chồng lũ đã làm cho đường sắt tê liệt nhiều tuần liền. Tính chất phức tạp và mức độ tàn phá của mưa lũ năm nay là rất nghiêm trọng và khó lường. Thế nhưng, dù gặp nhiều khó khăn nhưng đường sắt đang nỗ lực cải tiến để phục vụ hành khách ngày một tốt hơn.
Chìm ngập trong lũ
Trong tháng 10 và 11/2010 vừa qua là những ngày khó khăn nhất với ngành đường sắt. Bão lũ liên tiếp đổ xuống khu vực miền Trung đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho ngành.
Dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ nhưng ngành đường sắt vẫn nỗ lực để phục vụ hành khách tốt hơn. |
Tuyến đường sắt Thống Nhất đã 3 lần bị chia cắt hoàn toàn, các đoàn tàu đều phải trú ẩn tại các ga nhiều ngày liền chờ lưu thông, còn hành khách thì được chuyển tải bằng ô tô (nếu như đường bộ được lưu thông).
Trong số 3 lần đường sắt bị lũ chia cắt, thì lần thứ 2 tại Hà Tĩnh thời điểm giữa tháng 10 là nặng nề nhất. Mưa lũ làm trôi mất cả đường lẫn cầu ở nhiều đoạn. Đặc biệt tại khu vực ga Yên Duệ (huyện Đức Thọ), điểm bị hư hại nặng nề nhất trên tuyến ĐS Bắc - Nam. Nền đường bị phá hỏng, xói sâu, có những đoạn đường sắt phải chạy trên nền ruộng. Đây là trận lũ lớn trong lịch sử hơn 50 năm gần đây, gây thiệt hại nặng nề. Các đơn vị của ngành phải làm việc không kể ngày đêm hàng tuần liền mới tạm thông tuyến.
Một cán bộ đường sắt kể rằng, trong tháng 10 dường như đường sắt chỉ làm công việc chính là khắc phục và sửa chữa các đoạn đường bị lũ tàn phá. Có những điểm công nhân tập trung đông tới gần 2.000 người, lao động liên tục cả ngày lẫn đêm, tất cả để sớm thông đường. Thế nhưng, vừa thông tàu được khu vực này thì thông tin xấu lại báo về: Phú Yên, Nha Trang, Phan Rang... đều bị gián đoạn.
Và những điểm sáng
Bất chấp những khó khăn do thiên tai, hạ tầng cũ kỹ, ngành đường sắt đang có những sự chuyển mình trong hoạt động kinh doanh vận tải nhằm mục đích phục vụ hành khách ngày một tốt hơn. Một số đơn vị vẫn khai thác các dịch vụ đường sắt đạt hiệu quả.
Nhiều đoàn tàu mới với thiết bị hiện đại, phong cách phục vụ đổi mới đã và đang được khai thác có hiệu quả, tạo được niềm tin của hành khách thời gian qua. Đoàn tàu khách SNT 1-2 Sài Gòn - Nha Trang được phục vụ theo đúng tiêu chí chất lượng cao, với nước uống, khăn lạnh, bộ kem bàn chải đánh răng và đặc biệt là hành khách được đọc báo Tin Tức miễn phí với sự tài trợ của Công ty Phú Mỹ Hưng.
Ông Hà Trọng Thắng, Giám đốc Xí nghiệp VTHKĐS Sài Gòn, đơn vị quản lý đôi tàu nói trên nhìn nhận: “Việc hành khách được đọc báo Tin Tức là những món quà tinh thần quý giá mà các cơ quan báo chí và doanh nghiệp đã ủng hộ ngành đường sắt. Vì vậy, chúng tôi phải tự nhủ luôn nỗ lực để phục vụ hành khách ngày một tốt hơn”.
Quản lý hai đoàn tàu Sài Gòn-Nha Trang và Sài Gòn-Phan Thiết và 18 ga nhỏ từ TP.HCM đến Phan Thiết, năm qua xí nghiệp này đã tăng trưởng trên 20%, doanh thu đạt trên 75 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng vượt ngoài dự kiến của xí nghiệp.
Chính sách lương khoán theo công việc mà xí nghiệp thực hiện thời gian là động lực thúc đẩy khả năng làm việc của mỗi cá nhân. Cán bộ công nhân viên chủ động sắp xếp thời gian để học tập và nâng cao trình độ. Công nhân đổi mới tư duy lao động để thay đổi phong cách, ứng xử nhằm phục vụ những hành khách du lịch, khách nước ngoài.
Chính sách bán vé linh động của ga Sài Gòn được người dân đánh giá cao so với cách bán vé theo kiểu phân phối như trước đây. Lần đầu tiên đường sắt giảm giá 50 - 80% chiều rỗng, và liên tục giảm giá 10-20% cho những hành khách mua vé trước.
Đây cũng là mục đích để hành khách lên kế hoạch đi lại, nhằm giảm sự dồn ứ hành khách dẫn đến quá tải trong những dịp lễ Tết. Nhân viên ga Sài Gòn còn giao vé tận nhà miễn phí trong bán kính 7km khu vực TP.HCM. Việc ở nhà mua vé qua mạng đang được ngành đường sắt triển khai trong dịp Tết đã mang lại diện mạo mới tích cực hơn trong con mắt của người dân.
Sĩ Dũng