Trong văn bản này có nội dung: “Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tự xét nghiệm nhanh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động 3 ngày/1 lần; yêu cầu các tổ chức cá nhân đến liên hệ công tác phải tiêm đủ số mũi vaccine và xét nghiệm âm tính trong thời hạn quy định…”, đã gây xôn xao dư luận.
Nhiều cán bộ, công chức, người lao động cho rằng văn bản này gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan đơn vị, gây lãng phí nguồn ngân sách. Một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị lo lắng không biết tổ chức thực hiện ra sao, lấy nguồn kinh phí từ đâu để mua thiết bị xét nghiệm.
Ngày 22/11, phóng viên TTXVN tới liên hệ làm việc tại một số sở, ngành có văn phòng nằm trong Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng và đều được yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực, dù đã có xác nhận tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Tại cổng UBND tỉnh cũng có dán thông báo, đề nghị khách đến liên hệ công tác phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.
Lãnh đạo một Sở trong Trung tâm Hành chính tỉnh cho biết, các văn bản thường có hiệu lực ngay sau khi ban hành, nhưng đến hôm nay (sau 4 ngày), ngành Y tế vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện ra sao? Tập huấn cho cán bộ trong đơn vị tự test như thế nào? Mua kit thử ở đâu và nguồn kinh phí từ đâu? Đơn vị tự tổ chức xét nghiệm có thẩm quyền cấp giấy xác nhận âm tính cho cán bộ, công chức của ngành mình khi có công việc cần tới các cơ quan đơn vị khác liên hệ công tác không?... Vì vậy, đến thời điểm này các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trong Trung tâm Hành chính vẫn lúng túng chưa biết thực hiện ra sao.
Ông T.V.N, một cán bộ trong tỉnh cho biết, sau khi có văn bản trên, nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động rất bối rối. Hiện, cơ quan chưa tổ chức tự xét nghiệm SARS-CoV-2 cho nhân viên trong đơn vị. Tuy nhiên, khi có nhiệm vụ tới liên hệ làm việc với các đơn vị khác, đều được yêu cầu phải có giấy xác nhận âm tính. Muốn có giấy này, cá nhân phải tới các đơn vị y tế để xét nghiệm, với giá 250.000 đồng/lần xét nghiệm như ở Bệnh viện Hoàn Mỹ, 299.000 đồng/lần ở Phòng khám Phương Nam… Với mức giá này, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không có khả năng chi trả, bởi ít nhất sẽ phải xét nghiệm 8 lần/1 tháng.
Trả lời phóng viên TTXVN về vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng Ngô Văn Ninh cho rằng, khi cán bộ, công chức, người lao động đã được đơn vị của mình xét nghiệm và có kết quả âm tính có thể đi tới các đơn vị khác làm việc, do đó các đơn vị không nên đòi hỏi giấy xét nghiệm một cách “máy móc”. UBND tỉnh đang nghiên cứu tìm nguồn kinh phí mua thiết bị xét nghiệm, có thể từ nguồn xã hội hóa. Khi có nguồn, tỉnh sẽ cung cấp vật tư y tế cho các đơn vị để tổ chức test tại chỗ, cán bộ công chức và người dân tới liên hệ công việc sẽ không phải tự bỏ tiền. UBND tỉnh đang chỉ đạo ngành Y tế Lâm Đồng tổ chức hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các quy định theo văn bản 8403/UBND-VX3 của UBND tỉnh…