Cụ thể, đã có 1 người chết do sét đánh (anh Phạm Minh Tú, sinh năm 1990 tại phố Đông Tư, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Tại tỉnh An Giang, dông, lốc xảy ra vào chiều 14 và sáng 15/4 đã làm căn nhà của người dân tại hai địa phương bị sập và tốc mái (huyện Châu Phú có 28 căn, huyện Chợ Mới 10 căn). Ước tính thiệt hại khoảng 1,53 tỷ đồng.
Ngoài ra, dông, lốc còn làm tốc mái 5 cơ sở sản xuất ở xã Bình Thủy, huyện Châu Phú; trong đó có một cơ sở tốc mái hoàn toàn, 4 cơ sở tốc mái từ 30- 40%. Dông, lốc còn làm gãy một trụ điện trung thế, hai trụ điện hạ thế trên tuyến Quốc lộ 91 (huyện Châu Phú), gây mất điện cục bộ các xã dọc Quốc lộ 91 và một số xã vùng trong của huyện Châu Phú.
Khoảng 16 giờ ngày 15/4, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra cơn mưa dông kèm theo gió lớn. Mưa như trút trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một và thành phố Thuận An đã gây ngập cục bộ tại Suối Cát - đoạn đường Đại lộ Bình Dương làm nhiều xe qua đây chết máy.
Việc ngập nặng tại tuyến đường huyết mạch trên quốc lộ 13 khiến các phương tiện từ Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về Thành phố Hồ Chí Minh và chiều ngược lại gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, trận mưa dông đã gây thiệt hại, khiến nhiều cây xanh trên đường Lê Hồng Phong thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một bị gãy đổ.
Ngay sau khi thiệt hại xảy ra, chính quyền địa phương các tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên các hộ dân có người bị chết và có nhà bị thiệt hại do mưa dông. Đồng thời, chính quyền các địa phương huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống.
Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang đã kiến nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với địa phương thực hiện các thủ tục để hỗ trợ cho hộ dân bị ảnh hưởng bởi dông, lốc theo quy định.
Để tiếp tục ứng phó với thiên tai còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.