Ngập tràn không khí
Từ nhiều ngày nay, người dân TP Hồ Chí Minh đã tưng bừng đón chào mùa Giáng sinh an lành, hạnh phúc ngập tràn.
Những con phố quen thuộc ở trung tâm như Đồng Khởi, Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... trở nên rực rỡ hơn với những dãy đèn, hoa văn nhiều màu sắc. Tại các xóm đạo, nơi tập trung đông bà con giáo dân Tin lành, đồng bào Công giáo sinh sống như: khu xóm đạo quận 8, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú… đường sá rực rỡ với hàng triệu ánh đèn sao, đèn màu. Nhiều hộ gia đình, thậm chí cả một xóm, chung nhau xây dựng những chiếc hang đá, những cây thông noel khổng lồ trước thềm nhà. Những khu xóm đạo này thu hút rất đông người dân tìm đến trong mùa Giáng sinh vào mỗi tối. Càng gần thời khắc Thiên chúa Giáng Sinh, càng có đông người dân đổ về các khu xóm đạo để chiêm ngưỡng những hình ảnh rực rỡ, lung linh của các nhà thờ và không khí noel rộn ràng trên từng con phố nhỏ ở các xóm đạo.
Các chương trình văn nghệ chào mừng Giáng sinh tại Nhà thờ chính tòa Hải Phòng. |
Tại khu vực nhà thờ Đức Bà, quận 1, ngay cuối giờ chiều ngày 24/12, nhiều gia đình, những đôi bạn trẻ đã có mặt rất đông để hòa mình vào không gian náo nhiệt. Anh Nguyễn Công Hoan, giáo dân ở khu giáo xứ thánh Phaolô quận Bình Tân không giấu được niềm vui, anh chia sẻ: “Năm nay, tôi cảm nhận không khí chào đón Giáng sinh còn vui hơn năm ngoái. Mọi giáo dân đã trang hoàng nhà cửa, khu phố của mình từ rất sớm và đẹp hơn, lộng lẫy hơn. Điều này cho thấy cuộc sống của bà con giáo dân nơi đây ngày càng ổn định, làm ăn phát đạt”.
Tại khu xóm đạo quận 8, mặc dù là nơi tập trung bà con lao động nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng tất cả mọi giáo dân đều đoàn kết, chung tay chuẩn bị để đón mùa Giáng sinh thật đẹp. Bà Lê Thị Em, người dân ở khu xóm đạo này tâm sự: “Những năm qua, được sự chăm lo của chính quyền thành phố và cả địa phương, đời sống của bà con giáo dân ngày càng tốt hơn. Những dịp Giáng sinh về, là lúc chúng tôi cùng cầu nguyện cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp, đất nước ngày càng giàu mạnh hơn trong năm mới”.
Hòa cùng niềm vui chung của giáo dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Quận ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cùng các tổ chức đoàn thể tại thành phố cũng đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm và tặng quà các Giáo xứ, Tu viện, An dưỡng viện, thăm các Linh mục, Mục sư quản nhiệm các nhà thờ trên địa bàn quận. Tại các buổi gặp gỡ, lãnh đạo của thành phố cũng đã gửi lời chúc tốt đẹp đến các họ đạo, đồng bào giáo dân trên địa bàn thành phố hưởng mùa Giáng sinh an lành, hạnh phúc; đồng thời, ghi nhận những đóng góp tích cực của đồng bào giáo dân vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian qua.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: TP Hồ Chí Minh đạt được những thành tựu trên các lĩnh vực đặc biệt là sự thành công của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10 vừa qua chính là nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố, trong đó có sự đóng góp tích cực của đồng bào Công giáo. Vì vậy, trong thời gian tới, rất mong đồng bào Công giáo tiếp tục có những đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển chung, góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình; tích cực tham gia nhiều hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, góp phần xây dựng và mở rộng khối Ðại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
“Tốt đời, đẹp đạo”
Tại tỉnh Đắk Lắk, giáo dân của tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Bà con đã khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, gắn với thị trường mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đánh giá của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đắk Lắk, hiện nay hầu hết giáo dân đều có cuộc sống từ mức trung bình và giàu trở lên, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ rất thấp.
Không khí mừng đón Giáng sinh năm 2015 tại Nhà thờ chánh tòa Đà Lạt (tối 24/12/2015). |
Qua các phong trào thi đua lao động sản xuất, tại tỉnh Đắk Lắk đã có hàng ngàn giáo dân trở thành các gương điển hình tiên tiến về sản xuất, phát triển kinh tế. Ông Phạm Ngọc Liệu ở Giáo xứ Quỳnh Ngọc canh tác 7 ha cao su, 5 ha cà phê, 4.000 trụ tiêu, mỗi năm thu nhập trên 3 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Long ở Giáo xứ Vinh Đức, trồng trên 5.000 trụ tiêu, mỗi năm thu nhập trên 2 tỷ đồng. Ông Phạm Văn Cảnh, Giáo họ Kim Thành, xã Hòa Hiệp và Vũ Văn Tường, Giáo xứ Vinh Hòa, xã Ea Ktur (huyện Cư Kiun) phá bỏ diện tích các vườn cà phê đã hết chu kỳ kinh doanh, năng suất thấp chuyển sang chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, mỗi năm thu trên 1 tỷ đồng…
Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, giáo dân tại các giáo xứ, họ đạo đã tự nguyện đóng góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, nhất là nâng cấp, mở rộng, từng bước nhựa hóa đường liên thôn, liên xã và những con đường trọng yếu tại địa phương như đường vào trường học, vào chợ, khu sản xuất… Bà con cũng đóng góp trên 13 tỷ đồng xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, hỗ trợ vốn làm ăn cho hộ nghèo; đồng thời xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo, tham gia phong trào bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Toàn tỉnh Gia Lai có hơn 100.000 giáo dân Công giáo sinh sống và sinh hoạt yên bình ở khắp các buôn làng - khu dân cư trong tỉnh, trong đó có phần nhiều giáo dân là người dân tộc thiểu số. Bà con giáo dân trên địa bàn luôn sống phục thiện phục vụ Tổ quốc, phục vụ Thiên chúa với tinh thần "tốt đời, đẹp đạo"; góp phần tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh.
Khách du lịch nước ngoài hạnh phúc khi được đón Giáng sinh tại thành phố Đà Nẵng. |
Một trong những hoạt động thiện nguyện của người Công giáo ở Gia Lai là hiến máu nhân đạo đã được các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng tôn vinh, bởi đã góp phần cứu sống biết bao nhiêu con người trong khi đang mắc bệnh nguy kịch "thập tử nhất sinh". Nhất là trong những năm gần đây, số người Công giáo tự nguyện hiến máu nhân đạo ngày càng nhiều, mỗi năm có đến hàng trăm người Công giáo ở các giáo xứ Thăng Thiên, Thánh Tâm, Hoa Lư, Đức An, Plei Choét... hiến máu nhân đạo. Bên cạnh đó, đồng bào giáo dân Gia Lai còn tự nguyện góp công, góp của để xây dựng "Quỹ tình thương", Quỹ khuyến học", "Quỹ xóa đói giảm nghèo"... để giúp đỡ cộng đồng trong lúc khó khăn. Nhiều hộ nghèo ở các buôn làng dân tộc có được nhà ở, có được giống cây trồng, vật nuôi... vươn lên thoát nghèo cũng có sự đóng góp không nhỏ trên tinh thần bác ái của bà con giáo dân.
Với tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều được đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh tìm hiểu, thực hiện tốt, trong đó nổi bật là việc hưởng ứng cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Giáo dân tại nhiều địa phương trong tỉnh đã hưởng ứng rất nhiệt tình, nhất là tại các huyện Đắk Mil, Đắk Song, Cư Jút… Tại Giáo xứ Vinh An, xã Đức Minh (huyện Đắk Mil), trong 3 - 4 năm trở lại đây hầu hết các tuyến đường liên xã, liên thôn, đường vào rẫy, ra đồng ruộng đều đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi để bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa, phát triển sản xuất. Hình ảnh những tuyến đường chật hẹp, “nắng bụi mưa lầy” đi lại khó khăn đã cơ bản bị xóa sổ. Tại Giáo xứ Nghi Xuân, xã Nâm N’Jang (huyện Đắk Song), giáo dân đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, cùng với Nhà nước thực hiện các tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới như bê tông hóa đường giao thông, kiên cố hóa nhà ở, xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng. Bà con Giáo xứ Phúc Lộc, Phúc Thành (huyện Cư Jút), Giáo xứ Quảng Đà, (huyện Krông Nô)… đã đóng góp gần 20 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới…
Ông Cao Tiến Đạt, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Đắk Nông phấn khởi cho biết: Với tinh thần sống "tốt đời đẹp đạo", "kính Chúa yêu nước", những năm gần đây đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh đã cùng nhau đoàn kết, thi đua thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”.
Đón lễ Giáng sinh năm 2015, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình - nơi được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng lớn nhất của giáo dân tỉnh Ninh Bình đã được trang hoàng cờ hoa lộng lẫy. Mọi nẻo đường đổ về khu vực Nhà thờ đá Phát Diệm đẹp lung linh hơn những ngày thường.
Theo linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Công, Phó xứ Chính tòa Phát Diệm, trong mùa lễ Giáng sinh năm 2015, các giáo xứ, giáo dân được phân công nhiệm vụ trang trí tại Chính tòa Phát Diệm đã rất tích cực chuẩn bị. Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 77 giáo xứ thì riêng huyện Kim Sơn đã có tới 33 giáo xứ thuộc 11 giáo họ. Ngoài việc trang trí, thực hiện các công việc chuẩn bị cho nhà thờ tại mỗi giáo xứ, 11 giáo họ cũng tự chuẩn bị và trang hoàng cho 11 núi đá, hang đá đặt trong khuôn viên Nhà thờ đá Phát Diệm. Mỗi người một việc, người dựng mô hình mô phỏng hang đá, người đảm nhiệm việc treo cờ, hoa...
Chánh trương Chính tòa Phát Diệm Nguyễn Mạnh Đạt cho biết, cũng như mọi năm, đêm Giáng sinh năm 2015, tại Chính tòa Phát Diệm sẽ diễn ra các hoạt động chính của đêm lễ. Dự kiến đêm Giáng sinh sẽ thu hút khoảng 20.000 lượt giáo dân, khách du lịch đến dự lễ và thăm quan khu Nhà thờ Chính tòa. Đêm Giáng sinh tổ chức vào tối 24/12 tại khu sân khấu lớn, bao gồm hai phần: Phần hội là những chương trình, tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc với các ca khúc thánh ca, diễn ca, múa minh họa từ 19 giờ 30 đến 21 giờ 30, tiếp sau đó là nghi lễ Giáng sinh được tổ chức từ 22 giờ đến 24 giờ đêm.