Ghi nhận tại huyện Krông Ana, số nhà dân bị ngập từ 0,2 - 0,5 mét trên địa bàn huyện là 57 nhà; hai trường học tại xã Dur Kmăl bị ngập sân trường (một trường tiểu học và một trường mầm non), huyện đã chỉ đạo cho học sinh nghỉ học từ ngày 2/12 cho đến khi có thông báo mới để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Krông Ana có 166,93 ha ao nuôi cá bị ngập lụt gây thất thoát cá theo dòng nước lũ; 119 lồng bè cá nuôi trên sông thuộc địa phận thị trấn Buôn Trấp bị ảnh hưởng bởi dòng nước chảy xiết, trong đó có 5 lồng bè bị mất trắng với diện tích 360 m2; 114 lồng bè bị thiệt hại 65% với diện tích 8.208 m2, sản lượng bị thiệt hại khoảng 740 tấn cá.
Mưa lũ cũng làm một người mất tích là anh Nguyễn Văn Long, sinh năm 1978, trú tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Sáng 2/12, khi đánh bắt cá trên sông Krông Nô (thuộc địa phận của huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), ông Long bị rơi xuống sông mất tích, hiện vẫn chưa tìm thấy. Trước đó, ngày 1/12 tại xã Ea Ô, huyện Ea Kar ghi nhận một người tử vong do tai nạn lật thuyền khi kiểm tra ao nuôi cá của gia đình, nạn nhân là anh Nguyễn Ngọc Tuấn (sinh năm 1998).
Theo thống kê, đến nay, lũy kế toàn tỉnh Đắk Lắk có 430 lượt nhà bị ngập (hiện tại còn 157 nhà bị ngập, trong đó: Krông Ana 57 nhà, Krông Pắk 30 nhà, Krông Bông 20 nhà, Lắk 50 nhà, toàn bộ đã được sơ tán); lũy kế có 5 hộ bị cô lập (hiện tại còn 393 hộ bị cô lập tạm thời do đang bị ngập đường, khu vực bị cô lập vẫn đảm bảo các nhu yếu phẩm cần thiết); có 32 hộ phải di dời khẩn cấp (huyện Cư Kuin 2 hộ, Krông Bông 30 hộ do ảnh hưởng sạt lở đất).
Mưa lũ cũng làm 1.057 ha cây trồng toàn tỉnh Đắk Lắk bị thiệt hại, trong đó huyện Krông Ana 85 ha, Krông Bông 897 ha, Cư Kuin 50 ha, Ea Kar 12 ha, Lắk 14 ha. Diện tích bị ngập chủ yếu là trồng lúa nước, cà phê, khoai lang nhật và hoa màu và 5.000 con gia cầm bị nước cuốn trôi. Về công trình thủy lợi, toàn tỉnh có 4.121m kênh bị xói, lở, hư hỏng; một công trình đầu mối là Đập Dang Kang thượng bị hư hỏng, một trạm bơm bị hư hỏng.
Về công trình giao thông, Quốc lộ 26 bị sụt lún nghiêm trọng với chiều dài khoảng 50m, sâu 10m (từ km53+0 đến km53+430) đã được khẩn trương khắc phục và thông xe trở lại vào chiều 3/12; có 12.855m đường giao thông các loại (liên huyện, liên xã) bị sạt lở hư hỏng; 5.710 m đường bị ngập; 3 cầu và 2 cống bị cuốn trôi. Ngoài ra, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn (chủ yếu đường đất) bị hư hỏng, lầy lội giao thông đi lại khó khăn.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, mực nước lúc 15 giờ ngày 3/12 tại trạm Giang Sơn trên sông Krông Ana là 424,23m (trên báo động 3: 0,23m); tại trạm Bản Đôn trên sông Sêrêpôk là 173,70m (dưới báo động 3: 0,30m). Cần đề phòng sạt lở đất, ngập lụt tại các huyện: M’Đrắk, Ea Kar, Krông Năng, Krông Pắk, Krông Búk, Krông Bông, Lắk, Cư Kuin, Krông Ana, Buôn Đôn và các vùng lân cận.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố và chính quyền các cấp tổ chức trực ban theo quy định, phân công lực lượng chức năng trực tại các vị trí đường giao thông bị ngập lụt, sạt lở, hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn. Các địa phương cắm biển cảnh báo tại các vị trí nguy hiểm đề phòng tai nạn; chỉ đạo lực lượng quân sự xã tổ chức sơ tán các hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt; theo dõi cập nhật tình hình mưa lũ, sẵn sàng chủ động ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.