Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng đề nghị các tỉnh thường xuyên nắm bắt thông tin, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai cho các địa phương để chủ động ứng phó, trong đó các địa phương tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; kiểm tra, rà soát các khu dân cư, các hoạt động ven sông, suối, ngoài bãi sông, các hầm mỏ, khu vực khai thác khoáng sản, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; chủ động phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.
Các địa phương kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn, vận hành các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 24/8, mưa lớn, sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn đã làm 3 người chết là Phùng Thị Mai Duyên sinh năm 2011, Phùng Thị Ngọc Mây sinh năm 2012, Phùng Đức Thuận sinh năm 2015 là các con anh Phùng Văn Giờ, sinh năm 1990, dân tộc Mông, tại thôn Khâu Phiêng, xã Khâu Tinh, huyện Na Hang; 1 người bị thương (Thái Nguyên); 47 nhà bị sập và tốc mái tại các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên; 102,9 ha lúa, 274,3 ha rau màu bị ngập, thiệt hại.
Bên cạnh đó, mưa lớn và sạt lở đất làm 463 gia súc, gia cầm bị chết; 7,3 ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 4 tuyến đường tỉnh và một số tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở, ngập; 1 ô tô con bị nước cuốn trôi; sập đổ 25m tường rào UBND xã Vũ Chấn (Thái Nguyên).
Lũ xảy ra xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La vào rạng sáng 24/8 đã làm 550 hộ phải sơ tán tạm thời, 1 nhà bị cuốn trôi; sạt lở 6km đường giao thông và một số cống thoát lũ bị cuốn trôi; 37 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Hiện nay, đoàn công tác của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công đã xuống hiện trường để chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương trên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xuống hiện trường thăm hỏi, giúp đỡ, động viên, hỗ trợ... các gia đình có người bị chết, bị thương và thiệt hại nhằm giúp nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Sáng 25/8, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã đi kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại tỉnh Tuyên Quang. Đoàn công tác đã thăm hỏi động viên và tặng quà những gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai.
Sau khi đi kiểm tra, ông Trần Quang Hoài đề nghị tỉnh khẩn trương chỉ đạo cắm biển cảnh báo sạt lở, rào chắn không cho người, phương tiện vào khu vực có nguy cơ sạt lở, huy động lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai rà soát những nơi đang và sẽ có nguy cơ xảy ra sạt lở, khẩn trương di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực đến nơi an toàn.
Cùng với đó, ông Hoài yêu cầu tỉnh nhanh chóng kiện toàn bộ máy lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai; đào tạo, đầu tư các trang thiết bị thiết yếu để xử lý tình huống thiên tai; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", trong đó lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở là nguồn nhân lực quan trọng khi có thiên tai xảy ra, theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 9/7/2021 về việc xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; giao nhiệm vụ cụ thể cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở.
Tỉnh Tuyên Quang cần khẩn trương rà soát toàn bộ 53 khu vực có nguy cơ sạt lở, thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo kịp thời, tăng cường công tác thông tin truyền thông tới người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.