Xã Cát Chánh, huyện Phù Cát là nơi ngập sâu nhất do mưa lũ trong những ngày qua. Có thời điểm trung tâm xã bị ngập sâu gần 2m. Một số khu vực dân cư vùng ven ngập sâu gần 3m, chia cắt nhiều ngày liền. Đến chiều 2/12, chỉ còn 60 nhà dân ở thôn Chánh Định bị ngập.
Ngay sau khi lũ rút, người dân tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, bàn ghế, làm khô thóc lúa để buôn bán, kinh doanh trở lại và khôi phục sản xuất.
Bà Võ Thị Thu, xã Cát Chánh (huyện Phù Cát) cho biết, nước lũ lên nhanh khiến cho 20 tấn lúa trong kho bị ướt do không kịp di chuyển đến nơi cao ráo. Do vậy, khi nước lũ vừa rút, gia đình bà đã tranh thủ làm sạch lớp bùn bám vào lúa và làm khô.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Đương, xã Cát Chánh (huyện Phù Cát) cho biết, nhà anh ở khu vực phía Đông của xã nên bị ngập rất sâu, có thời điểm cao gần 3m nên nhiều đồ đạc trong nhà như bàn ghế, giường, tủ đã bị lớp bùn non trong nước lũ bám vào. Anh đang cố gắng làm sạch nhà cửa để sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, lũ lụt những ngày qua gây nhiều thiệt hại cho các địa phương trong tỉnh. Toàn tỉnh có 3 người chết và 2 người bị thương; 20 ngôi nhà bị sập; trên 3 km kè, 30 km kênh mương, 8 km bờ sông bị sạt lở; trên 12 km đường giao thông bị hư hỏng.
Ngoài ra, 55 điểm trường bị ảnh hưởng do lũ lụt; gần 500 ha lúa và hoa màu bị hư hại, trên 76 ha ruộng bị sa bồi thủy phá, 400 con gia súc bị chết, trên 12.000 con gia cầm bị nước cuốn trôi. Tổng thiệt hại ước tính 219 tỷ đồng.
Hiện nay, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, đồng thời huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục các tuyến giao thông, công trình hạ tầng thiết yếu...