Mưa muộn, triều cường, lũ vượt tần suất
Năm nay, cùng với khu vực miền Trung, mùa mưa ở Khánh Hòa đến muộn. Riêng đợt mưa lớn từ ngày 11 - 15/12 khiến nước lũ từ đầu nguồn đổ về với lưu lượng lớn, gây ngập lụt cho vùng hạ du, đặc biệt là các khu dân cư ven sông Cái ở Nha Trang.
Gia đình chị Thành, ở phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang khá bất ngờ vì bị ngập lụt vào tháng 12. Chị cho biết, ngày 15/12, nước từ các hồ chứa xả để điều tiết, gia đình chị vẫn đi làm bình thường, đến tối về mới dọn dẹp. “Gia đình tôi nghĩ qua 23/10 âm lịch, dù mưa vài ngày cũng không thể lụt được nên cả nhà không chủ động dọn dẹp sớm. May mắn là tài sản trong nhà không bị hư hại lớn", chị Thành nói.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, từ ngày 23 - 25/12, do ảnh hưởng của rìa Nam không khí lạnh tăng cường, kết hợp với rìa Bắc rãnh áp thấp xích đạo, có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên khu vực phía Nam Biển Đông; khu vực tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to.
Ông Trần Văn Hưng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ cảnh báo, đợt mưa lớn cuối năm 2024 sẽ có gió mạnh trên biển. Ngư dân làm việc trên biển cần cảnh giác, đề phòng, chủ động đảm bảo an toàn.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa cũng cảnh báo tình hình mùa mưa năm 2024 đến muộn. Do đó, các địa phương, đơn vị không được chủ quan; thông báo đến các địa phương, người dân cần chủ động rà soát, kiểm tra các khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực trũng thấp, ngập lụt… Từ đó có phương án ứng phó, sơ tán người dân đến nơi an toàn; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn tại các ngầm, tràn; vận động người dân ở khu vực trũng thấp, thường xuyên bị ngập lụt chủ động kê cao tài sản, vật dụng gia đình để tránh thiệt hại…
Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa thông tin, tình trạng ngập lụt vùng hạ du, nhất là tại các xã vùng ven thành phố Nha Trang trong những năm qua ngày càng tăng cả về thời gian lẫn phạm vi. Đặc biệt, năm nay ghi nhận lũ xuất hiện muộn hơn. Nguyên nhân có thể là do biến đổi khí hậu làm xuất hiện các đợt mưa lớn trên diện rộng, gây lũ vượt cường độ lẫn tần suất. Sông Cái cũng không đảm bảo khả năng thoát nước nên gây ngập, nhất là trong thời gian xuất hiện triều cường như mấy ngày qua.
Ngoài ra, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nhiều công trình hạ tầng ở vùng hạ du làm thu hẹp dòng chảy. Hệ thống tiêu thoát nước trong các khu vực dân cư ven sông Cái chưa được nạo vét, khơi thông thường xuyên cũng là nguyên nhân gây ngập lụt kéo dài. Các công trình kè dọc bờ sông chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, rất nhiều đoạn sông có bờ thấp hơn mực nước lũ trên sông Cái, nên về mùa mưa, nước sông hay tràn vào từ các vị trí này gây ngập cục bộ, ông Quang chia sẻ.
Đảm bảo an toàn cho người dân
Theo ông Nguyễn Duy Quang Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có 32 hồ chứa, hiện đạt 76% so với tổng dung tích thiết kế, đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ Đông Xuân năm 2024 - 2025. Thời gian tới, việc điều tiết nước hồ chứa sẽ chủ động vận hành trước với các hồ (đặc biệt là hồ Hoa Sơn, Suối Dầu, Tà Rục) để đón lũ đợt mưa cuối năm 2024, nhằm đảm bảo an toàn công trình, ổn định cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất năm 2025, hạn chế gây ngập lụt ở vùng hạ du.
Hiện tại, Khánh Hòa đã hoàn thành bản đồ sạt lở ở khu vực thành phố Nha Trang và các nơi khác trong tỉnh. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để chủ động ứng phó với thiên tai, những năm qua tỉnh đã lập các trạm quan sát và hệ thống camera để giám sát lòng hồ thủy lợi, đảm bảo việc xả lũ an toàn và kịp thời cảnh báo cho người dân vùng hạ lưu. Đây là biện pháp hiệu quả. Tỉnh cũng thường xuyên tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về việc phòng, chống thiên tai; đồng thời thực hiện di dời người dân khỏi các vùng ngập lụt, sạt lở. Nếu có mưa bão thì kiên quyết đưa người dân ở lồng bè trên biển về đất liền, thực hiện các biện pháp thủy lợi, đảm bảo thông tuyến dòng chảy của lũ…
Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành văn bản số 10187/UBND-KT ngày 12/9/2024 để chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai trong những tháng cuối năm. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị đặc biệt quan tâm ứng phó với mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở ở khu vực xung yếu; tiến hành kiểm tra, rà soát khu vực thường xuyên sạt lở, ngập lụt, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nhằm kịp thời ứng cứu, đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi có thiên tai xảy ra.
Ngày 15/12, mưa lớn gây sạt lở nặng trên tuyến đèo Khánh Lê, ở xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh. Ngay sau đó, các cơ quan, đơn vị chức năng của Khánh Hòa đã kịp thời dọn dẹp đất đá bị sạt trượt trên tuyến Quốc lộ 27C; cung cấp nước uống, đồ ăn và đảm bảo an toàn cho người, phương tiện bị mắc kẹt trở về an toàn. Mặc dù đã nỗ lực khắc phục sạt lở, nhưng đến chiều 17/12 vẫn chưa thể thông tuyến.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa Hòa, tại Km43, Quốc lộ 27C, đơn vị thi công sau khi san dọn lớp bùn đất đã phát hiện thêm 2 khối đá lớn. Các công nhân đã liên tục khoan, đục, chia nhỏ khối đá và dùng máy múc đẩy các khối đá ra khỏi mặt đường.