Theo kế hoạch sản xuất rau, màu vụ Đông xuân 2016-2017, toàn tỉnh có gần 1.000 ha rau phục vụ nhu cầu thị trường Tết. Tuy nhiên, cơn mưa kéo dài trong 3 ngày qua đã làm cho nhiều diện tích trồng rau bị ảnh hưởng. Bà con trồng rau đang lo lắng có thể sẽ mất trắng mùa rau Tết nếu thời tiết bất lợi cứ kéo dài.
Người dân bơm nước cứu ruộng dưa hấu bị ngập trong nước. (Ảnh chụp chiều15/1). Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN |
Ông Hoàng Trọng Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Thành cho biết, vụ Tết năm nay, toàn huyện Tân Thành có khoảng 350 ha rau trồng các loại. cơn mưa kéo dài trong những ngày qua đã làm cho 50-60% diện tích rau của huyện bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là súp lơ trắng, với khoảng 40 ha thì đã có gần 30 ha đang trong tình trạng bị úng, thối phải nhổ bỏ. Còn với các loại rau như hành lá, ngò rí, hẹ, xà lách…, mưa lớn đã làm dập, úng gây tổn thất, hư hại khoảng 60-70%.
Hiện bà con xã Phước Hòa, huyện Tân Thành đều rất buồn vì rau chưa đạt năng suất nhưng phải thu hoạch sớm. Mưa lớn kéo dài những ngày qua đã làm cho gần nửa vườn súp lơ trắng với diện tích 2,5 sào của gia đình anh Phạm Ngọc Long, khu 5, ấp Phước Sơn, xã Phước Hòa, huyện Tân Thành bị hư hại nặng. Anh Long cho biết, vì súp lơ bị úng thối nên anh buộc phải thu hoạch non dù còn phải hơn 5 ngày nữa mới đúng thời điểm. Với tình hình này, anh Long dự kiến vụ Tết năm nay gia đình thất thu gần 30 triệu đồng.
Tương tự, 3,5 sào súp lơ trắng của gia đình bà Nguyễn Thị Ngát, thôn Láng Cát, xã Tân Hải, huyện Tân Thành cũng đang phải thu hoạch sớm vì đang trong tình trạng súp lơ bị úng nước. Nếu đúng ra phải 7 ngày nữa vườn của gia đình bà mới cho thu hoạch và đạt đủ trọng lượng, thế nhưng hầu hết bông súp lơ trong vườn đã bị hư do cây thừa nước và nước nhỏ vào bông gây ra hiện tượng bông bị hư. Do thu hoạch sớm và bị hư hỏng nhiều nên bà chỉ bán với giá 5.000 - 6.000 đồng/kg. Việc thu hoạch sớm khiến năng suất của vườn súp lơ bị giảm đến 50% năng suất. Theo nhẩm tính của bà, vụ súp lơ Tết này may ra bà thu được 10 triệu đồng, trong khi đó chi phí cho vụ súp lơ Tết này đã lên đến 20 triệu đồng.
Còn tại huyện Xuyên Mộc, cơn mưa kéo dài từ ngày 13 - 15/1 hiện làm cho hơn 100 ha lúa vụ Đông Xuân 14 ngày tuổi trên địa bàn xã Phước Thuận bị ngập nặng. Ông Dương Tấn Linh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết, hiện tại, bà con có lúa bị ngập đang tất bật thăm đồng, tranh thủ khai thông kênh mương thoát nước, hạn chế ảnh hưởng thấp nhất đến tình hình phát triển của lúa.
Bên cạnh các loại cây trồng, cơn mưa kéo dài những ngày qua cũng đã làm cho nhiều cánh đồng muối trên địa bàn tỉnh cũng bị hư hỏng. Ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối Chợ Bến, xã An Ngãi (huyện Long Điền) cho biết, vụ muối 2016-2017 được bà con diêm dân trên địa bàn tiến hành thực hiện từ cuối tháng 11/2016 đến nay đã được gần 2 tháng. Hơn nữa, muối trong ruộng đang bắt đầu kết tinh, nhưng mưa xuống trong những ngày qua đã làm hư hết các ruộng muối. Giờ các hộ diêm dân phải tháo nước bỏ đi, chờ nắng lên lu đất, làm nền, rồi dẫn nước làm muối lại.
“Trong khi giá muối thấp, lượng muối trong kho vẫn còn tồn diêm dân không bàn được, giờ thêm mưa trái mùa làm cho gánh nặng chi phí của bà con tăng thêm khi phải bắt đầu vụ muối lại từ đầu”, ông Thuyết chia sẻ.
Sau cơn mưa kéo dài nguyên ngày 14/1, ngay sáng sớm hôm sau, bà Trần Thị Ba (thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) đã có mặt tại ruộng dưa Tết của mình để khai thông nước trên ruộng tránh để dưa hấu khỏi bị ngập úng. Bà Ba cho biết, mùa Tết năm nay bà trồng khoảng 7.000 gốc dưa trên diện tích 8 sào. Với giá dưa hiện tại đã lên 14.000 đồng/kg, chỉ còn một tuần nữa là dưa bà có thể xuất bán nhưng cơn mưa trái mùa năm nay đã làm cho bà lo lắng, bất an.
“Giờ tôi chỉ còn hy vọng mưa sẽ giảm và thời tiết êm dịu đừng nắng quá gắt thì dưa của tôi sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, với tình hình này cũng có thể tôi sẽ thu non dưa để bán sớm tránh khỏi bị mất cả chì lẫn chày”, bà Ba cho biết.
Cũng tương tự như bà Trần Thị Ba, ngay từ sáng sớm hôm nay 15/1 cả gia đình 6 người của bà Cao Thị Vận đã có mặt trên ruộng dưa của gia đình để khai thông mương, bơm nước ra khỏi ruộng để cứu ruộng dưa đang sắp đến kỳ thu hoạch Tết của gia đình. Trong khi các con khai thông mương trên ruộng dưa thì 2 vợ chồng bà Vận tất bất với việc tìm những trái dưa rồi dùng hộp cơm nhựa lót bên dưới trái để dưa không bị úng, ngập nước.
Bà Vận cho biết: “Vườn dưa của gia đình tôi mấy ngày trước cũng vẫn chưa có thấy thương lái nào đến hỏi mua, tuy nhiên giá dưa hấu hiện giờ đang ở mức cao 13.000 - 14.000 đồng/kg nên chúng tôi vui mừng phấn khởi vì nghĩ rằng sẽ có được mùa dưa bán được với giá cao, nhưng đột nhiên trời lại mưa liên tục và kéo dài mấy ngày nay làm cho tôi đêm lo lắng thức trắng đêm, chờ đến sáng là cả nhà lao ngay ra đồng, tìm mọi biện pháp để cứu ruộng dưa. Giờ chỉ trông cho thời tiết ổn định, dưa không bị hư để vài ngày nữa tôi có thể xuất dưa bán có tiền ăn Tết”.
Tuy nhiên, bà Vận cũng cho biết thêm, dưa hấu khi gặp thời tiết mưa như thế này thì rễ không phát triển dinh dưỡng đưa lên trái vì vậy cũng ít đi nên trái cũng còi cọc, còn nếu trái nào bị ngập nước sẽ bị úng thối, trái nào nhiều nước cũng sẽ bị nứt, vỡ….
Tết Nguyên đán đã đến gần, đầu tuần trời còn nắng đẹp nhiều bà con nông dân đã vui mừng phấn khởi, vì đầu vụ rau màu cũng như dưa Tết thời tiết đã thất thường khiến nhiều diện tích phải xuống giống chậm hoặc phải xuống giống lại nhiều lần, những tưởng cuối vụ sẽ thuận lợi bà con sẽ bán được giá cao bù lại các khoản chi phí thuốc, phân cao gấp nhiều lần so với mọi năm. Thế nhưng, thời tiết bất thường, mưa trái vụ đã khiến nhiều nông dân lao đao.