Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sáng sớm 7/11, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện những cơn mưa lớn trên diện rộng kết hợp đợt triều cường trên mức báo động III, làm nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước, giao thông hỗn loạn. Do xảy ra đúng vào giờ cao điểm buổi sáng nên nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phải lội nước đi làm, đưa con đi học.Người dân dùng xuồng lưu thông trên tuyến đường Hòa Bình (Quận 11). Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN |
|
|
Nhiều khu vực trũng thấp của Thành phố Hồ Chí Minh như các quận 2, 4, 6, 7, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức, Bình Tân bị ngập sâu trong nước. Điển hình như các tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn trước tòa nhà The Manor), Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, Nguyễn Cửu Vân, Quốc lộ 13, Đường D2, D5 thuộc quận Bình Thạnh; đường Hoàng Diệu, Nguyễn Tất Thành (quận 4); Huỳnh Tấn Phát (quận 7); Bến Phú Định, Phạm Thế Hiển (quận 8), Lương Định Của (quận 2), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) đã ngập sâu trong nước, nhiều phương tiện lưu thông trên các tuyến đường này bị chết máy, dắt bộ.
Trong khi đó, các tuyến đường thuộc phía Tây của thành phố như khu vực Vòng xoay Phú Lâm, Bà Hom, Đặng Nguyên Cẩn (quận 6), giao lộ Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 50, Hồ Học Lãm, Kinh Dương Vương, khu vực Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), Hòa Bình (quận 11 và Tân Phú)... bị ngập nặng, có nơi sâu tới 50-60 cm gây tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, nhiều phương tiện ô tô, xe buýt, xe máy bị chết máy.
Do đường ngập nước, trời mưa nên nhiều khu vực như vòng xoay Phú Lâm, trước Bến xe Miền Đồng, đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh... xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài. Cũng do ảnh hưởng của mưa lớn, rạng sáng 7/11, trên đường Nguyễn Trãi (khu vực gần ngã sáu Phù Đổng) và đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) có sự cố cây xanh bật gốc, gẫy đổ khiến giao thông khó khăn.
Ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Khu vực Nam bộ cho biết: Cơn mưa xảy ra rạng sáng 7/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, có vũ lượng từ 80 đến 100 mm. Bên cạnh đó, mực nước đỉnh triều trong buổi sáng 7/11 thực đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn đạt mức 1,64m (vượt mức báo động 3 là 0,14m; cao hơn mức dự báo là 0,09m). Mực nước đỉnh triều lên cao như trên do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới và mưa lớn nên mức đỉnh triều lên cao hơn so với dự báo trước đó.
Liên quan đến công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo cho phép tàu thuyền đánh cá, tàu nhà hàng, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu vận tải hành khách, hàng hóa; bến phà, bến đò ngang, đò dọc trở lại hoạt động bình thường, kể từ 5 giờ ngày 7/11.
Sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ cho biết vẫn chưa có kế hoạch cho phép người dân trên các xã đảo Thạnh An và các xã ven biển trở về nhà trong ngày hôm nay. Trước đó, huyện Cần Giờ đã di dời gần 2.000 người dân xã đảo Thạch An vào đất liền để tránh bão.
Hoàng Anh Tuấn